Từ Pavilion Square đến Saigon Manhattan
Nhấn mạnh rằng, Pavilion Square hay Saigon Manhattan thì cũng chỉ là một. Đều chỉ đến dự án bất động sản trên khu 'đất vàng' rộng 1,4 ha tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, Q. 1, Tp. HCM. Trước đây, khi còn của chủ cũ, nó mang tên thương mại là Pavilion Square. Còn giờ đây, khi chuyển sang chủ mới, họ đặt cho nó cái tên Saigon Manhattan.
Song lưu ý, khái niệm “chủ cũ”, “chủ mới” này không chỉ "gói" ở pháp nhân đầu tư. Bởi trước giờ - hơn mười năm nay – pháp nhân đầu tư của dự án vẫn xuất hiện dưới một cái tên duy nhất: Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt (Đất Việt).
Quá trình đổi chủ của dự án khuất lấp sau pháp nhân này. Hoạt động chuyển nhượng dự án được đơn giản hóa thành chuyển nhượng cổ phần Đất Việt.
Đất Việt được thành lập vào cuối năm 2007. Cũng trong năm này, UBND Tp. HCM có công văn 1271 chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng lại chung cư Cô Giang thành khu căn hộ và trung tâm thương mại Pavilion Square, do Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên suốt cả thập kỷ sau, việc triển khai dự án vẫn bị đình trệ. Lý do rất quen thuộc, là bất đồng trong việc đề bù giải phóng mặt bằng.
Bởi muốn có 1,4 ha “đất sạch” triển khai dự án, chủ đầu tư phải thực hiện di dời hơn 750 căn hộ trong 4 lô chung cư cũ và 134 căn nhà liên kế lân cận. Mà để tìm được tiếng nói chung giữa các bên trong việc này thì không dễ.
Phải đến quý 3/2017, công tác giải phóng mặt bằng mới cơ bản hoàn tất. Và hiện tại, chủ đầu tư đang bắt đầu triển khai những hạng mục đầu tiên cho giai đoạn 1.
Phối cảnh dự án Saigon Manhattan. (Ảnh: Internet)
Từ VinaCapital…
Mười năm đầu thành lập của Đất Việt, và cũng là 10 năm bế tắc của dự án, Pavilion Square gắn liền với VinaCapital – quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam.
Nhưng VinaCapital không trực tiếp đứng tên khoản đầu tư vào Đất Việt, mà thông qua một quỹ thành viên chuyên trách về lĩnh vực bất động sản, là VinaLand Limited (VNL). Và VNL thì cũng lại qua một trung gian khác. Họ lập nên một “offshore company” ở thiên đường thuế British Virgin Islands, là VinaCapital Property Investment Limited, để đứng tên 90% cổ phần Đất Việt.
Đã có những dấu hiệu cho thấy dự án bắt đầu được triển khai thực địa. (Ảnh: V. Quỳnh)
Theo Giấy đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 28/07/2016, Đất Việt có vốn điều lệ 632 tỷ đồng, đóng góp bởi 3 cổ đông: VinaCapital Property Investment Limited (góp 568,8 tỷ đồng, chiếm 90%); Anstra PTE. Ltd (quốc tịch Singapore; Góp 31,6 tỷ đồng, chiếm 5%); CTCP VietLand Capital (5%).
Tuy nhiên, một năm sau, cơ cấu sở hữu trên đã thay đổi sâu sắc. Bất chấp việc, người đại diện theo pháp luật của Đất Việt vẫn là Chủ tịch HĐQT Lam Don Di, Tổng Giám đốc của VinaCapital.
Đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 18/8/2017 của Đất Việt ghi nhận, trong 632 tỷ đồng vốn điều lệ công ty, thì tỷ lệ sở hữu của VinaCapital Property Investment Limited chỉ còn 10%, tương ứng với 63,2 tỷ đồng. Trong khi, tỷ lệ sở hữu của CTCP VietLand giữ nguyên ở mức 5%; Còn Anstra PTE. Ltd giảm về còn 0,5% (3,16 tỷ đồng). Như vậy, đến lúc này, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở Đất Việt chỉ còn 10,5%, thay vì mức 95% trước đó.
Tổng Giám đốc VinaCapital, ông Lam Don Di, từng nhiều năm đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Phát triển Đất Việt. (Ảnh: Internet)
Ngày 16/11/2017, Đất Việt điều chỉnh vốn điều lệ lên mức 1.020 tỷ đồng. Nhưng vì VinaCapital Property Investment Limited và Anstra PTE. Ltd không góp thêm nên tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn lần lượt 6,2% và 0,31%. Tương ứng, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở Đất Việt còn 6,51%. Tỷ lệ sở hữu của CTCP VietLand cũng giảm về còn 0,31%.
Đến ngày 31/5/2018, VinaCapital Property Investment Limited chính thức biến mất khỏi cơ cấu sở hữu Đất Việt. Trong khi, Anstra PTE. Ltd và CTCP VietLand giữ lượng vốn không đáng kể (0,31%) của mình tại Đất Việt thêm ít tuần nữa, rồi cũng thoái triệt để.
Không lạ khi thượng tầng Gia Đức cũng được “thay máu” theo. Cuối tháng 5/2018. Tổng Giám đốc VinaCapital Lam Don Di dời ghế Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Đất Việt, nhường lại cho người mới là bà Lê Nguyễn Diễm My (SN 1988, đăng ký hộ khẩu thường trú tại Bình Thành, Lấp Vò, Đồng Tháp). Tương tự, vị trí người quản lý khác của ông Hoàng Trọng Minh Trí (Kế toán trưởng) cũng được chuyển sang cho tân nhân sự Lê Thanh Liêm – Thành viên HĐQT (SN 1959).
Và đến đây có lẽ nên đặt một câu hỏi, rằng đâu là cái tên đã thế chân VinaCapital ở Đất Việt (?); Hay nói cách khác, chủ mới của Pavilion Square là ai (?).
Thông tin sau đây sẽ đem đến gợi ý!
…Đến Công ty Cổ phần Đầu tư RC12
Gợi ý đến từ một bản công bố thông tin của VinaLand Limited trên sàn chứng khoán London – nơi mà quỹ này đang niêm yết, với mã VNL.
Theo đó, ngày 11/5/2018, VNL phát đi thông báo đã thoái toàn bộ vốn tại dự án Pavilion Square ("its entire stake in the Pavilion Square project").
Thông báo thoái vốn của VNL. (Ảnh chụp màn hình)
“VNL đã chuyển toàn bộ cổ phần của mình trong dự án cho Công ty Cổ phần Đầu tư RC12 với mức định giá cao hơn 11,2% so với giá trị tài sản ròng chưa được kiểm toán vào ngày 31/3/2018 và cao hơn 13,7% giá trị tài sản ròng chưa được kiểm toán tại thời điểm diễn ra cuộc họp bất thường của VNL vào tháng 11/2016, trong đó cả hai con số đã bao gồm cả điều chỉnh cho các khoản đầu tư bổ sung tính đến ngày thoái vốn”, trích thông tin trên londonstockexchange.com.
Cũng theo VinaLand Limited: Giao dịch này làm phát sinh khoản thanh toán bằng tiền mặt với giá trị ròng là 36,9 triệu USD, không bao gồm trả nợ của các khoản vay cổ đông, và ở mức IRR là -3,0%.
Tại thời điểm thông báo, VinaLand Limited đã nhận được khoảng 99,5% số tiền ròng và số tiền còn lại dự kiến sẽ nhận được chậm nhất vào tháng 11/2018.
Như vậy, cái tên thay thế VinaCapital tại Pavilion Square đã được xác định, là Công ty Cổ phần Đầu tư RC12 (RC12).
Nó càng cho thấy sự hợp lý, khi tháng 5/2018, Chủ tịch HĐQT RC12 – bà Lê Ngọc Diễm My – đã thay thế ông Lam Don Di làm Chủ tịch HĐQT Chủ tịch HĐQT Đất Việt!
Một cái tên còn xa lạ như RC12 đã phải chủ thực sự của dự án "vàng" này? (Ảnh: Internet)
Song khách quan mà nói, RC12 vẫn là một cái tên còn xa lạ trên thị trường địa ốc Tp. HCM. Đứng cạnh một dự án "vàng" như Pavilion Square e rằng có phần chưa tương xứng (?!).
Sẽ là tương thích hơn nếu đây chỉ là cái tên ra mặt cho một “đại gia”.
Nhưng nếu vậy, thì là “đại gia” nào? Và câu chuyện đằng sau thương vụ này thực sự là gì?.../.
Đón đọc!
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tu-pavilion-square-den-saigon-manhattan-post87573.html