Tư pháp các tỉnh phía Nam: Tích cực phối hợp triển khai Đề án 06

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được các Sở Tư pháp khu vực phía Nam chủ động hướng dẫn thực hiện thống nhất, đảm bảo quy định pháp luật.

Hiệu quả của công tác phối hợp

Về việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), các Sở Tư pháp đã tích cực cùng cơ quan Công an tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Tại Kiên Giang, Sở Tư pháp cũng chủ động phối hợp với cơ quan Công an trong việc xử lý một số vướng mắc trong tiếp nhận số định danh cá nhân khi cập nhật dữ liệu khai sinh vào Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử như: xử lý sai lệch thông tin giữa Giấy khai sinh và thông tin của cư dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu đăng ký cư trú đối với những trường hợp Giấy khai sinh chưa có số định danh cá nhân.

Tương tự, ở Vĩnh Long, Sở Tư pháp cũng phối hợp với Công an tỉnh tham gia góp ý dự thảo Quy chế hoạt động Tổ Công tác thực hiện Đề án 06. Theo dự thảo Quy chế hoạt động Tổ Công tác, các thành viên Tổ có trách nhiệm tham mưu giúp Tổ trưởng về các nhiệm vụ tại Đề án phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh…

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, số hóa Sổ hộ tịch và việc sử dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp. Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai và vận hành việc kết nối giữa Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đối với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp trong giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và đăng ký kết hôn.

Ở Khánh Hòa, hiện nay tỉnh cũng đã thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với 03 thủ tục: đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, Liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế chi trẻ em dưới 6 tuổi. Đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (nhưng chưa tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia) đối với thủ tục Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí.

Việc sử dụng, khai thác hệ thống thông tin hộ tịch hiện nay đã đi vào ổn định; góp phần đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động quản lý tránh trùng lắp trong việc đăng ký các sự kiện hộ tịch. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin hộ tịch còn giúp các cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện việc thống kế số liệu một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ thông tin.

Kết quả, trong 03 tháng đầu năm 2022, các cơ quan tư pháp trong khu vực đã thực hiện đăng ký khai sinh 266.848 trường hợp, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài 680 trường hợp; đăng ký khai tử 87.503 trường hợp, đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài 122 trường hợp; đăng ký kết hôn 73.543 cặp và đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài 1.140 cặp.

Về quốc tịch, các Sở Tư pháp tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong quý I, có 7 địa phương đã tiếp nhận, phối hợp tra cứu và trả kết quả yêu cầu xác nhận có quốc tịch Việt Nam cho 53 hồ sơ, 05 địa phương đã tiến hành ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh việc thôi quốc tịch Việt Nam cho 108 trường hợp; 7 tỉnh giáp với biên giới khu vực phía Nam đã thực hiện rà soát người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam.

Về chứng thực, các địa phương đã triển khai Thông tư 01/2020/TT-BTP, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức tư pháp cơ sở. Một số Sở Tư pháp có video hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nói chung và thủ tục cấp bản sao điện tử từ bản chính nói riêng.

Cung cấp dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hiện vẫn chưa được xây dựng hoàn thiện, cập nhật đầy đủ, kết nối liên thông đồng bộ trên toàn quốc, để chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Trong khu vực có TP Hồ Chí Minh đã số hóa được 100% khối lượng tài liệu, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ… cập nhật được trên 80% của giai đoạn 3. Các địa phương khác như Kiên Giang, Ninh Thuận, Bến Tre kết quả đạt được còn hạn chế do kinh phí được cấp chưa đủ, chưa triển khai được.

Việc bố trí công chức làm công tác hộ tịch được Sở Tư pháp các địa phương quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi số; tính chuyên môn hóa chưa cao, trình độ năng lực và chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế; công chức thiếu tính ổn định, thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn đến tình trạng công việc bị “quá tải”, tồn đọng nhiều dẫn đến ảnh hưởng hiệu quả giải quyết công việc. Cán bộ thực hiện hỗ trợ kết nối giữa Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp còn nhiều lúng túng.

Ngoài ra, trang bị máy vi tính, kết nối mạng Internet, máy in, máy scan phục vụ riêng cho công tác hộ tịch được quan tâm thực hiện nhưng từng lúc, từng nơi vẫn chưa đảm bảo; việc kết nối mạng Internet tại các địa phương đã được thực hiện nhưng đôi lúc đường truyền bị hạn chế nên ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Việc đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cũng gặp không ít khó khăn do đường truyền kết nối giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an thường xuyên bị lỗi, mất kết nối nên chưa lấy được số định danh cá nhân cho trẻ em tại thời điểm đăng ký khai sinh.

Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh việc tích hợp, chia sẻ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, ngành Tư pháp cũng như các bộ, ngành, địa phương cần chủ động và tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp; bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân của công dân.

Sở Tư pháp các địa phương tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan hoàn thành triển khai dịch vụ công thiết yếu các thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu, cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giiar quyết thủ tục hành chính.

Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06; nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp để giải quyết kịp thời những vấn đề mới, phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án đảm bảo theo yêu cầu của Chính phủ nhằm kịp thời trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó có hướng chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới được tốt hơn.

Bộ Tư pháp cần thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ phần mềm hộ tịch cho đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch; quan tâm bố trí ổn định đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch đạt chuẩn về trình độ chuyên môn cũng như quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức Tư pháp – Hộ tịch tại các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch tại địa phương, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn hiện nay, nhằm mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 – 2030.

P.Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tu-phap-cac-tinh-phia-nam-tich-cuc-phoi-hop-trien-khai-de-an-06-post444644.html