Tư pháp xã, phường sắp hết thời?
Công chức tư pháp cấp xã, phường, thị trấn có 11 nhiệm vụ chính nhưng có lẽ nhiệm vụ thường xuyên, gắn với người dân hơn cả là cấp chứng thực bản sao từ sổ gốc; chứng thực chữ ký.
Nhiệm vụ của tư pháp cấp xã
Tại Điều 7, Điều 8 Thông tư Liên tịch Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ số 01/2009/TTLT-BTP-BNV công tác tư pháp cấp xã phường có 11 nhiệm vụ:
1. Ban hành và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, quyết định, chỉ thị về công tác tư pháp ở cấp xã; theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
2. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp lệnh theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan Tư pháp cấp trên.
3. Tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra các quyết định, chỉ thị do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành; rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành; chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
4. Theo dõi, báo cáo tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện, đề xuất biện pháp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp xã với Phòng Tư pháp cấp huyện.
5. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật ở cấp xã.
6. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ viên Tổ hòa giải ho trên địa bàn theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên.
7. Thực hiện việc đăng ký, đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi; đăng ký khai sinh, khai tử; quản lý, sử dụng các loại sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp; lưu trữ sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch.
8. Thực hiện một số việc về quốc tịch thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực các việc khác theo quy định của pháp luật.
10. Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
11. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác tư pháp được giao với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Tư pháp.
Sẽ sáp nhập?
Nhưng thực chất, nhiệm vụ thường xuyên nhất, gắn với người dân hơn cả là nhiệm vụ số 7 và số 9. Đó là công việc sao chép và chứng thực. Những nhiệm vụ còn lại, năm thì mười họa mới có việc để làm.
Từ 1/7 năm nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp thêm dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Trước đây công việc này chủ yếu của tư pháp cấp xã phường, do nhu cầu của xã hội cực kỳ lớn. Năm 2019 có 102 triệu lượt chứng thực!
Tính đến ngày 22 tháng 4 năm 2020, Việt Nam có 10.614 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Nghĩa là một năm mỗi xã phường, thị trấn chứng thực 9610 lượt, tức mỗi ngày chứng thực 26,3 lượt!
Nếu người dân sử dụng hoàn toàn dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia thì cán bộ tư pháp cấp xã phường, thị trấn có rất ít việc phải làm.
Tại Điều 3 Nghị định 92/2009/NĐ-CP, công chức cấp xã có 7 chức danh. Bao gồm: Trưởng Công an; Chỉ huy trưởng Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính; Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội. Tại Điều 9 Thông tư 13/2019/TT-BNV, mỗi chức danh công chức cấp xã được bố trí từ 1 người trở lên.
Với dịch vụ công trực tuyến về chứng thực, cấp đổi bản sao từ bản chính thì trong thời gian tới rất có thể công chức cấp xã không còn 7 chức danh, một số chức danh sẽ sáp nhập lại, và tư pháp cấp xã phường, thị trấn sẽ là một trong những "đối tượng" đó.