Tự phát đặt tên đường phố: Nên tổng rà soát để điều chỉnh kịp thời

Một trong những hệ quả của đô thị hóa quá nhanh làm các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng phải vất vả chạy theo... tên đường. Cứ thế, mỗi lần đặt tên đường, tên phố gắn biển số nhà là mỗi lần cơ quan quản lý vấp phải sự tranh cãi, nâng lên đặt xuống nhiều lần và người dân đành giải quyết tình thế bằng cách lấy tên đất, tên địa danh để bù lấp vào 'khoảng trống' tạm thời.

Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong công tác đặt tên, đổi tên đường phố. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một số vấn đề chưa hợp lý, bất cập, thiếu đồng bộ nhất là trong việc xây dựng quy hoạch mang tính định hướng về quỹ đường, quỹ tên để đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố, việc làm này đã dẫn đến nhiều hệ lụy dân sinh.

Nhiều người dân vẫn giữ nguyên địa chỉ đường “Hoàng Cầu mới” để tiện giao dịch dù tuyến đường này đã được gắn biển tên từ lâu.

Nhiều người dân vẫn giữ nguyên địa chỉ đường “Hoàng Cầu mới” để tiện giao dịch dù tuyến đường này đã được gắn biển tên từ lâu.

Tại quận Hà Đông, trên tuyến đường chưa được đặt tên dẫn vào Khu đô thị Hyundai Hillstate, phường Hà Cầu, xuất hiện nhiều bảng hiệu quảng cáo cửa hàng với địa chỉ là “đường Hyundai”. Theo lời những hộ dân kinh doanh ở đây cho biết, do đoạn đường này chưa có tên nên họ cũng gặp khá nhiều rắc rối trong việc kinh doanh, buôn bán, ghi địa chỉ cũng rất khó khăn.

Để dễ nhận biết, người dân đã tự đặt tên đường là đường “Hyundai”, giống tên một chung cư gần đó. Theo người dân quanh khu vực này, con đường này trước đây là ngách nhỏ hẹp. Từ khi chung cư mang tên “Hyundai” được xây dựng gần đó thì con đường này đã được cải tạo và mở lớn với vỉa hè rộng 2.5m, lòng đường 4 ô tô vẫn đi thoải mai, do đó việc lấy tên “đường Huyndai” cũng hoàn toàn tự phát để dễ tìm.

Tại quận Hà Đông, trên tuyến đường chưa được đặt tên dẫn vào Khu đô thị Hyundai Hillstate, phường Hà Cầu, xuất hiện nhiều bảng hiệu quảng cáo cửa hàng với địa chỉ là “đường Hyundai”. Theo lời những hộ dân kinh doanh ở đây cho biết, do đoạn đường này chưa có tên nên họ cũng gặp khá nhiều rắc rối trong việc kinh doanh, buôn bán, ghi địa chỉ cũng rất khó khăn.

Để dễ nhận biết, người dân đã tự đặt tên đường là đường “Hyundai”, giống tên một chung cư gần đó. Theo người dân quanh khu vực này cho biết, con đường này trước đây là ngách nhỏ hẹp. Từ khi chung cư mang tên “Hyundai” được xây dựng gần đó thì con đường này đã được cải tạo và mở lớn với vỉa hè rộng 2.5m, lòng đường 4 ô tô vẫn đi thoải mai, do đó việc lấy tên “đường Huyndai” cũng hoàn toàn tự phát để dễ tìm.

Ngay cạnh tuyến đường này, một tuyến đường khác trong khu vực đoạn giáp các tòa nhà V1, V2, V3 chung cư Victoria, Khu đô thị Văn Phú (phường Phú La) cũng tồn tại tình trạng mỗi hộ gắn tên một kiểu, như: Đường Tiếp giáp CT9 - TDP2 Văn Phú; V1 Văn Phú Victoria; 19 lô 7, LK11 - Khu Văn Phú - Phú La; số 47B Dịch vụ 2 Victoria…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông cho hay: “Việc tìm địa chỉ tại khu vực này rất vất vả do tên đường đặt tự phát, không thống nhất. Có khu vực có tới 2, 3 hộ cùng gắn một số nhà, đi kèm với các tên đường khác nhau”.

Đặc biệt hơn, trên một làn được mới mở chạy ngang qua khu đô thị Đoàn Ngoại giao - Star Lake, kết nối đường vành đai 3 Phạm Văn Đồng với đường vành đai 2 Võ Chí Công được một đơn vị nào đó ngang nhiên đặt tên “đường Ngô Minh Dương”. Tên đường này có thể dễ dàng tìm thấy trên ứng dụng tìm kiếm và ai đi vào khu Đoàn Ngoại giao cũng nhìn thấy biển tên đường cắm ngay cửa ngõ.

Trên thực tế, việc người dân tự ý đặt tên những con đường, tuyến phố mới không phải là hiếm gặp ở Hà Nội, trước đó, vào năm 2015, người dân Thủ đô cũng không khỏi được phen ngỡ ngàng khi một con phố nhỏ được gắn tên biển “Ướp Lạnh”, tuy nhiên, với người dân địa phương thì danh xưng này khá quen thuộc và đã được người dân trong khu vực quen gọi từ lâu.

Lý do là cuối đoạn đường này có nhà máy ướp lạnh chuyên ướp lạnh thực phẩm để xuất khẩu từ thời bao cấp. Hiện tuy xí nghiệp ướp lạnh đã phá sản nhưng vẫn còn khu tập thể và công nhân nhà máy sinh sống ở khu vực này từ 40 năm nay. Như vậy, con đường được gọi là "Ướp Lạnh" dựa trên tên dân gian đã phát sinh từ lâu năm.

Nó giống như ngõ Lò Lợn ở gần chợ Mơ, được đặt cho một ngõ có lò mổ lớn ở đó. Nói như vậy để thấy, việc đặt tên đường tự phát cũng không thể hoàn toàn trách người dân. Cơ quan quản lý và cả chính quyền địa phương cũng nên tự trách mình vì chưa đủ nhạy bén phục vụ nhu cầu của người dân khi mà các tuyến phố mới cứ bị “treo” tên kéo dài hàng năm.

Được biết, việc đặt tên đường trên địa bàn Hà Nội có quy trình chặt chẽ và phải trải qua 11 bước. Đầu tiên là từ kiến nghị của cơ sở, người dân trong khu vực, thảo luận của hội đồng tư vấn gồm nhà quản lý, nhà khoa học..., sau đó Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ quyết định thông qua tên đường.

Tuy nhiên, lần gần dây nhất HĐND thành phố thông qua việc đặt tên 42 tuyến phố mới là vào tháng 12/2018 trong khi tốc độ đô thị hóa của Thủ đô nhanh bậc nhất cả nước đã phần nào bộc lộ sự bất cập. Căn cứ vào những rắc rối nảy sinh từ việc đặt tên phố, ghi biển số nhà, đã đến lúc cần rà soát kỹ lưỡng phần việc này, kịp thời điều chỉnh những gì chưa hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc tìm điểm đến của người dân cũng như công tác quản lý hành chính.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trên thế giới không nhiều địa phương đặt tên danh nhân cho đường phố nhưng với thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành cả nước, đây là hình thức để tôn vinh và tri ân những người có nhiều đóng góp to lớn. Đây không chỉ là vấn đề địa chỉ giao lưu, hướng dẫn giao dịch tiếp xúc mà còn góp phần làm cho trật tự, chính trị, xã hội, kinh tế, bộ mặt kiến trúc của Hà Nội được thuận lợi, dễ dàng trong quản lý, sử dụng.

Do đó, ngoài việc tuân thủ quy trình, quy định, việc đặt tên đường, phố cần hướng đến mục tiêu cơ bản, trong đó, quan trọng nhất là mục tiêu giáo dục truyền thống, tình yêu và lòng tự hào đối với quê hương. Yêu cầu này dẫn đến đòi hỏi về chất lượng hoạt động của Hội đồng tư vấn về tên đường, phố, công trình công cộng cũng như tính chính xác trong việc xây dựng kho dữ liệu liên quan.

Thiết nghĩ, với tốc độ phát triển như hiện nay, việc đặt, đổi tên phố tiếp tục là một nhu cầu bức thiết. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, về lâu dài, việc xây dựng “ngân hàng” tên phố cần được chuẩn bị chu đáo hơn, với sự phối hợp đồng bộ của các ngành liên quan. Ngân hàng dữ liệu tên phố cần được sắp xếp theo địa danh, nhân vật, sự kiện..., một cách hợp lý. Đồng thời, cần sớm có sơ đồ và danh mục các đường, phố, công trình công cộng cần đặt tên để ngành văn hóa có thể chủ động tham mưu để vừa đáp ứng yêu cầu về thời gian vừa đáp ứng yêu cầu về văn hóa

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tu-phat-dat-ten-duong-pho-nen-tong-ra-soat-de-dieu-chinh-kip-thoi-95001.html