Tự phê bình là nguyên tắc!
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ người tự phê bình và bị phê bình phải tự giác vạch ra khuyết điểm của mình trước tập thể; thái độ tiếp thu phê bình phải cầu thị
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng; là vũ khí sắc bén, thang thuốc đặc hiệu cần được nghiêm chỉnh tiến hành thường xuyên trong sinh hoạt Đảng, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, trong phần "Trước hết nói về Đảng" trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".
Không giấu khuyết điểm
Theo TS Văn Thị Thanh Mai, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên Giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình" và "các cơ quan, các cán bộ, các Đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm, kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công" chứ không chờ "có việc" mới tiến hành, có khuyết điểm mới phạt…
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ để đạt hiệu quả cao, người tự phê bình và bị phê bình phải thành khẩn, thành tâm, không giấu giếm khuyết điểm của mình; phải tự giác nhận và vạch ra khuyết điểm của mình trước tập thể; thái độ khi tiếp thu phê bình phải cầu thị, nhã nhặn, phải biết lắng nghe, thể hiện sự tiếp thu một cách thiện chí và quyết tâm sửa chữa. Đồng thời, khi bị phê bình, cần tránh bức xúc, mất bình tĩnh, phản ứng gay gắt dẫn đến to tiếng, có lời nói thiếu văn hóa hoặc có thái độ thách thức, khiêu khích người đang phê bình mình; tránh hiện tượng có nhận khuyết điểm nhưng không tâm phục khẩu phục nên nhận qua loa, đại khái, hời hợt; không quyết tâm sửa chữa, thậm chí vẫn tiếp tục mắc phải những khuyết điểm đó. Ngay cả đối với những ý kiến góp ý chưa đúng, mà cần giải trình thì người bị phê bình cũng phải bình tĩnh, mềm dẻo và khiêm tốn… Còn người phê bình cần phải tránh động cơ vụ lợi, "giậu đổ bìm leo", phê bình không đúng đắn vì những thành kiến cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, không thừa nhận thành tích nên lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu khuyết điểm nhằm hạ uy tín, hạ bệ lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ.
Để phê bình khách quan, khi phê bình người khác, cần phải luôn trung thực, công khai, không đặt điều, không thêm bớt; thông tin chính xác, thẳng thắn, chân thành, có tình có lý làm cho người được góp ý tâm phục khẩu phục. Phải lựa chọn phương pháp phê bình thích hợp, tế nhị trong cả lời nói, giọng nói, cách nói; phát ngôn không đúng nơi, đúng chỗ, tránh kiểu ba phải, thành kiến, xu nịnh, dựa dẫm và đặc biệt là thói đạo đức giả; đồng thời, tránh dùng lời lẽ mỉa mai, chua cay, đâm thọc, gây khó chịu, khó tiếp thu, gây ra tự ái hoặc hiểu nhầm cho người bị phê bình.
Ông Đinh Văn Huệ (Bí thư Đảng ủy bộ phận khu phố 7, phường 15, quận 10, TP HCM) - 54 năm công tác liên tục trong quân đội, 72 năm tuổi Đảng - cho biết tự phê bình và phê bình là mỗi cán bộ, Đảng viên cần phải gương mẫu về mọi mặt, nhất là không sa vào chủ nghĩa cá nhân với các biểu hiện như: tham nhũng, lãng phí, ham danh, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp; đồng thời phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình. Sự gương mẫu của cán bộ, Đảng viên nói chung, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị về tư cách đạo đức, về tinh thần nghiêm túc "tự phê bình mình" theo phương châm: Trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự phê bình và tiến hành phê bình cấp dưới sau, sẽ góp phần xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong mỗi tổ chức cơ sở Đảng.
Ông Huệ nhấn mạnh tự phê bình và phê bình là góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ, Đảng viên, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Nhiệm vụ cơ bản
Tự phê bình và phê bình, theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, là "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" thường xuyên, nghiêm túc, kịp thời trên tinh thần thành thật với mình và chân thành, mạnh dạn với đồng chí chắc chắn sẽ góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh.
Theo ông Lương Văn Hồng (Đảng viên phường 11, quận Tân Bình, TP HCM) phê bình và tự phê bình là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của Đảng viên, điều này đã được quy định trong điều 2 Điều lệ Đảng. Đây cũng là một biện pháp quan trọng để làm trong sạch Đảng, cũng như trong nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Cuộc họp chi bộ là nơi mà Đảng viên có quyền, trách nhiệm thể hiện thái độ của mình trước cái đúng, cái sai. Nhưng thực tế có rất ít Đảng viên nói lên chính kiến của mình, mặc dù họ biết rất rõ vụ việc. Họ sợ đấu tranh "tránh đâu", "được vạ má sưng" nên chọn cách im lặng là "thượng sách" và "thủ trưởng luôn đúng".
Tránh tình trạng nể nang
Theo TS Văn Thị Thanh Mai, để tự phê bình và phê bình đúng, thường xuyên, liên tục nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng thì khi tiến hành phải tránh tình trạng nể nang, né tránh, "dĩ hòa vi quý" vì sợ ảnh hưởng lợi ích cá nhân, sợ phê bình cấp trên sẽ bị trù dập, phê bình đồng nghiệp sẽ bị mất lòng, phê bình cấp dưới sẽ bị mất phiếu; đồng thời, tránh tâm lý sợ bị phê bình nên mới phê bình người khác, phê bình chiếu lệ, một chiều, mang tính hình thức - thực chất là nói để lấy lòng nhau.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ly-tuong-song/tu-phe-binh-la-nguyen-tac-20190908214403014.htm