Tự phê bình và phê bình - 'như mỗi ngày phải rửa mặt'
Tháng 10-1947, giữa Chiến khu Việt Bắc, trong bộn bề công việc của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn 'Sửa đổi lối làm việc'. Trong cuốn 'Sửa đổi lối làm việc', nội dung tự phê bình và phê bình được Bác đề cập một cách sâu sắc nhất. Theo Bác, 'Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau' (1).
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhất là khi toàn Đảng đang hướng tới Đại hội lần thứ XIII, chúng ta cùng đọc lại và suy ngẫm những lời dạy của Người, để từ đó rèn luyện mình theo tấm gương đạo đức của Bác.
Trong chúng ta hiện nay, không ít người chỉ thiên về vạch khuyết điểm của người khác theo kiểu “bới lông tìm vết” để tìm cách giảm uy tín của nhau, để hạ bệ nhau mà không nhìn thấy những ưu điểm của họ, nhất là ở các thời điểm nhạy cảm hiện nay, khi mà đại hội Đảng các cấp đang diễn ra; hoặc là tổ chức Đảng đang xem xét hoặc sắp bổ nhiệm chức vụ hay đề bạt cán bộ. Phê bình người khác thì rất hay, rất dễ, nhưng lại không hề thấy những khuyết điểm tồn tại của chính mình.
Người xưa có câu nói rất hay: “Anh chỉ nhìn thấy cái rơm, cái rác trong mắt người khác, mà không hề thấy những khúc gỗ to lềnh bềnh đang nổi trong con ngươi anh đó sao?”, hoặc là “Bông lúa lép thường cao hơn bông lúa mẩy, cái thùng rỗng thường kêu hơn cái thùng đầy” cũng là ám chỉ những người thường đề cao mình, coi thường người khác. Cũng có người thì luôn phê bình cấp trên theo cách lấy lòng, tâng bốc, nịnh hót nhưng không dám nói những khuyết điểm tồn tại của họ.
Bác Hồ chỉ ra rằng, mục đích của tự phê bình và phê bình là “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ” (2), là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là biện pháp căn bản để tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng và là sự cần thiết nhất cho sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi cán bộ, đảng viên. Nó như cơm ăn, nước uống, như khí thở hàng ngày.
“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó, như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắc, chân chính” (3). Muốn phê bình và tự phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ, trước hết, tâm phải sáng, lòng phải thật, trí phải rõ; có phương pháp đúng, có thái độ chân thành, thẳng thắn, không đao to, búa lớn quy chụp, nhưng cũng không e dè, nể nang, bao che giấu giếm; không dĩ hòa vi quý “tôi không đụng đến anh thì anh cũng đừng động đến tôi”, chỉ góp ý chung chung, vô thưởng, vô phạt...
Theo Bác, phê bình việc làm chứ không phê bình người, chớ dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc, phê bình người cũng như tự phê bình mình đều phải ráo riết, triệt để thật thà. Không nể nang thêm bớt, phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Những người bị phê bình phải vui lòng sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, oán ghét. Phê bình và tự phê bình không phải là một công việc nhất thời mà phải làm “như mỗi ngày phải rửa mặt”, nếu ta không làm thường xuyên thì khuyết điểm ngày càng tích tụ sẽ lấn át ưu điểm.
Nhiều cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, suy cho cùng là do không thường xuyên tự phê bình và tiếp thu phê bình từ mọi người, kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại không muốn người khác phê bình mình, không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Từ đó mà rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lúc nào không hay. Vì trong cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mỗi cán bộ, đảng viên vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của cuộc đấu tranh đó, nếu anh ta không còn trong sáng nữa!
Biết phê bình đã khó, biết tự phê bình còn khó hơn. Vì thói thường người ta thích nghe lời khen ngọt ngào hơn là lời chê ý trách, càng không muốn vạch áo cho người xem lưng hoặc giảm thể diện uy tín. Người xưa đã dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, còn Bác thì luôn yêu cầu “chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau”. Cảm động biết bao khi Chính phủ non trẻ do Người đứng đầu đã làm được rất nhiều việc lớn lao trong hoàn cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” mà Người vẫn nghiêm túc tự phê bình “những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”, “tôi phải thật thà xin lỗi đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi-là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo” (4).
Trong di chúc, Bác viết: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” và Người dặn: “Trước hết nói về Đảng... trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”.
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, Đảng ta đã kỷ luật đưa ra khỏi Đảng, xử lý theo pháp luật hàng trăm cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất. Suy cho cùng, họ đã quên việc phê bình và tự phê bình “như mỗi ngày phải rửa mặt”...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng đề nghị: Mỗi Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường, tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân.
Tại Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 15-1-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Đau xót nhưng vẫn phải làm, xử một người để cứu muôn người. Tất cả cùng vào cuộc, bởi vậy, một cá nhân nào không muốn làm cũng không thể không làm. Mục đích là để giáo dục răn đe, cảnh báo để đừng xảy ra, chứ xảy ra rồi mới chữa cháy”.
Tự phê bình và phê bình là một trong những phẩm chất đạo đức ngời sáng của Bác để lại cho mỗi chúng ta. Không chỉ trước thềm Đại hội XIII của Đảng, mà trong cuộc sống hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên hãy tăng cường và duy trì tự phê bình và phê bình để nền nếp tốt đẹp ấy trở thành nếp sinh hoạt Đảng có chất lượng và hiệu quả cao cũng chính là thực hiện lời dạy của Bác: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế, thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng” (5). Làm được như vậy thì vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không có chỗ chen chân vào trong con người mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta.
(1), (2). Hồ Chí Minh Toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - T5, tr 307
(3). Hồ Chí Minh Toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - T5, tr 317
(4). Hồ Chí Minh. Về Đạo đức Cách mạng. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991-T5, tr 47-48
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội-1995 - T5, tr 261