Tự phê bình và phê bình - những vấn đề thực tiễn: Bài 1: Sử dụng và mài dũa 'vũ khí sắc bén' của Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau. Tự phê bình và phê bình để trị bệnh cứu người, dân chủ trong Đảng tốt hơn, kỷ luật cao hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm hơn, làm cho mỗi tổ chức mạnh hơn, lãnh đạo tốt hơn. Bác nói: 'Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm'.Vận dụng quan điểm của Người vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng bộ tỉnh Sơn La đã có những chuyển biến tích cực về xây dựng Đảng và giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành ký cam kết trong thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành ký cam kết trong thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, biểu hiện thứ 5 trong nhóm 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đó là: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; ban hành hệ thống văn bản đồng bộ thống nhất, có tác động sâu rộng tới tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và là căn cứ đánh giá, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng, như: Quyết định số 319-QĐ/TU ngày 01/12/2016 về quy định trách nhiệm và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Quy định số 889-QĐ/TU ngày 28/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh.

Nhận diện những biểu hiện “suy thoái” và cụ thể hóa bằng hệ thống các văn bản chỉ đạo của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, gắn việc kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân đã đánh giá cơ bản đúng thực trạng; tập trung phân tích những hạn chế, yếu kém và đối chiếu với những biểu hiện suy thoái, làm rõ nguyên nhân, giải pháp và lộ trình, biện pháp khắc phục, từ đó dễ nhận diện, đánh giá, thuận lợi cho việc tự soi, tự sửa, tự khắc phục.

Đảng ủy xã Chiềng Khoi (Yên Châu) đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đối với các ủy viên Ban Chấp hành.

Đảng ủy xã Chiềng Khoi (Yên Châu) đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đối với các ủy viên Ban Chấp hành.

Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm, đột xuất, nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên, nhất là trong việc nêu gương về đạo đức, lối sống và trách nhiệm thực thi công vụ, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, tư cách, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Tự phê bình và phê bình trong đánh giá, thực hiện công tác cán bộ được chú trọng ở tất cả các khâu, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; quy hoạch cán bộ được thực hiện nền nếp, dân chủ, công khai, chủ động được nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, trong đó đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở; công tác sử dụng cán bộ được đặc biệt quan tâm, vì công việc để chọn người, từng bước trẻ hóa cán bộ; kịp thời ban hành nhiều quy định về công tác tổ chức và cán bộ để ngày càng phát huy dân chủ, đoàn kết và kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền lực trong công tác cán bộ. Trong hơn 4 năm (từ năm 2017 đến tháng 6/2021), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 25 tập thể, 65 cá nhân; Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương đã gợi ý kiểm điểm đối với 153 cá nhân thuộc diện cấp mình quản lý; qua gợi ý kiểm điểm, đã yêu cầu các tập thể và cá nhân giải trình về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đồng thời phải xây dựng kế hoạch để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã xây dựng và thực hiện nghiêm túc chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm đảm bảo toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng. Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; tăng cường giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ; kết luận đúng, rõ ưu điểm, khuyết điểm, đúng nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân và hậu quả của vi phạm

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 19 tổ chức đảng và 1.299 đảng viên. Hầu hết các tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật đã nhận rõ khuyết điểm và chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, quyết tâm rèn luyện, sửa chữa, khắc phục, hạn chế khuyết điểm.

Tự phê bình và phê bình để Đảng mạnh, dân tin

Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc xây dựng Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là “vũ khí sắc bén” để uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ, chủ quan, nóng vội, duy ý chí; giúp nhận rõ những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, sai phạm... nhằm mục đích để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất từ tư duy, nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy họp triển khai nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức cán bộ.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy họp triển khai nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức cán bộ.

Bác Hồ thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”. Do đó, mỗi tổ chức đảng, đảng viên coi tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên và nghiêm túc; nêu cao tính tự giác, tính chiến đấu, tính nêu gương, chân thành, thẳng thắn, khách quan, trung thực, làm rõ những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, đề xuất những biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm... được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà “Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng”.

Vận dụng lý luận vào thực tiễn, Đảng bộ huyện Mộc Châu 5 năm liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh (2016-2020). Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, chia sẻ: Công tác tự phê bình và phê bình của Đảng bộ huyện Mộc Châu trở thành công việc thường xuyên của các cấp ủy đảng, của từng cán bộ, đảng viên. Huyện ủy Mộc Châu quy định về trách nhiệm và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp Đảng bộ huyện, đặc biệt trong công tác tự phê bình và phê bình. Phát huy dân chủ trong Đảng, tạo không khí cởi mở, thẳng thắn trong sinh hoạt Đảng, góp phần nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm.

Tìm hiểu công tác tự phê bình và phê bình tại Đảng bộ xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, Đảng ủy đã vận dụng tư tưởng của Bác Hồ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là “Phê bình việc làm, chứ không phê bình người” nên tạo được sự đoàn kết, thống nhất hơn, nhất là giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp kéo dài bởi các cá nhân liên quan có mối quan hệ họ hàng với cán bộ xã, như: Thu hồi tiền chi sai mục đích tại HTX Điện năng của xã, giải tỏa lấn chiếm lòng suối... được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, tin tưởng hơn vào cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng chí Lê Hồng Phong, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, thông tin: Trước đây, hầu hết các đảng ủy viên thường có tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, cuối năm ai làm tốt cũng như chưa tốt đều “xuê xoa” bỏ phiếu cho nhau từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Từ năm 2018, Đảng ủy xã thực hiện giao việc bằng phiếu cho từng cá nhân để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng tháng, cuối năm. Khi tự phê bình và phê bình, cần nắm rõ mức độ hoàn thành công việc cá nhân được giao để góp ý cho cán bộ, đồng chí mình tiến bộ. Trong các cuộc họp, Đảng ủy tạo không khí cởi mở, dân chủ nên các đồng chí đảng ủy viên góp ý thẳng thắn cho nhau.

Mô hình “Sổ ghi danh người tốt, việc tốt” tại tổ 9, phường Chiềng Lề (Thành phố).

Mô hình “Sổ ghi danh người tốt, việc tốt” tại tổ 9, phường Chiềng Lề (Thành phố).

Từ công tác tự phê bình và phê bình đã tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh Sơn La; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, là nhân tố quan trọng hàng đầu trong thực hiện thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật là, kinh tế Sơn La có bước phát triển khá và tương đối toàn diện cả về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 5,46%/năm, tổng sản phẩm GRDP tăng 1,54 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Sơn La đã tạo nên một điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp, một số loại nông sản, thủy sản của tỉnh có diện tích, sản lượng giá trị xuất khẩu lớn nhất khu vực Tây Bắc và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang các thị trường 12 nước khó tính, như: Mỹ, Nhật, Úc, Pháp... Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đánh giá: “Đây là điểm mạnh, cách làm bài bản, đúng hướng, là dấu ấn nổi bật của Sơn La, tạo sức lan tỏa đến các địa phương khác và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao”.

(Còn nữa)

Phạm Đức

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tu-phe-binh-va-phe-binh--nhung-van-de-thuc-tien-bai-1-su-dung-va-mai-dua-vu-khi-sac-ben-cua-dang-44822