Tự phê bình và phê bình - những vấn đề thực tiễn: Bài 2: 'Khoảng lặng' trong sinh hoạt ở một số tổ chức đảng
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng bộ tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Thực tế còn không ít tổ chức đảng, đảng viên trong bản kiểm điểm, đánh giá cuối năm còn 'vô tư' tự nhận: Hạn chế trong công tác tự phê bình và phê bình, chưa mạnh dạn phát biểu... Nhiều cuộc họp, sinh hoạt Đảng, bí thư, cấp ủy như độc thoại, rất ít ý kiến tham gia của các đảng viên; khi cần xin ý kiến thì 2 từ 'nhất trí' khá phổ biến, thậm chí 'mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật'. Chính như vậy, chất lượng công tác tự phê bình và phê bình ở trong những tổ chức đảng này không thể nâng lên; việc phòng ngừa sai phạm chưa thường xuyên, việc phát hiện khuyết điểm, vi phạm của đảng viên chưa kịp thời, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, phải kỷ luật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Chưa chú trọng tự phê bình và phê bình
Xin nhắc lại vụ việc gây bất bình trong dư luận là vụ án gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Với Sơn La, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật đối với đảng viên là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng. UBKT Trung ương thi hành kỷ luật đối với đảng viên giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh bằng hình thức Cảnh cáo. UBKT các cấp đã xem xét, kiểm tra, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo bằng hình thức Cảnh cáo, vì có vi phạm buông lỏng lãnh đạo, để xảy ra nhiều đảng viên vi phạm pháp luật và vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước đến mức phải xem xét kỷ luật, bị khởi tố, xử lý theo pháp luật; kiểm tra 100 đảng viên, trong đó thi hành kỷ luật 83 đảng viên, khai trừ ra khỏi Đảng đối với 8 đảng viên do vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ. Thật đau xót khi các đảng viên của Đảng, đồng chí mình, thậm chí lãnh đạo mình vi phạm đến mức bị xử lý, kỷ luật. Nhưng yêu cầu khách quan phải làm, như việc loại bỏ những con sâu để cứu lấy cây, tránh để lâu ngày ngăn sâu làm hỏng cây.
Nhìn lại vụ việc, đồng chí Cầm Văn An, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo xác định những sai phạm của cán bộ, đảng viên tại Đảng bộ sở trong nhiệm kỳ qua, xuất phát từ hạn chế trong thực hiện công tác tự phê bình và phê bình. Các cán bộ, đảng viên đã không nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng dẫn đến suy thoái đạo đức; thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ. Công tác tự phê bình và phê bình của đảng viên vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt; một số đảng viên vẫn còn tư tưởng nể nang, ngại va chạm, tinh thần trách nhiệm và tính xây dựng, tính chiến đấu của đảng viên chưa cao. Vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó có mặt còn hạn chế, buông lỏng, chủ quan, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, tự phê và phê bình nên chưa phát hiện kịp thời một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, dẫn đến có đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đảng viên của Đảng ủy Sở chưa thực sự hiệu quả; chưa thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng ủy nên chưa kịp thời phát hiện đảng viên, công chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Liên quan đến vi phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã, tuyến y tế cơ sở năm 2019 tại Sở Y tế tỉnh Sơn La, có 8 đảng viên của Đảng bộ Sở Y tế bị xử lý kỷ luật, trong đó: 4 đảng viên (có cả đảng viên giữ chức vụ Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Y tế và nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế) bị kỷ luật bằng hình thức Khai trừ, Cảnh cáo 2 đảng viên, Khiển trách 2 đảng viên; Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Y tế, Chi bộ Văn phòng Sở Y tế bị kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo. 4 đảng viên thuộc Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh liên quan vụ việc có khuyết điểm, vi phạm, trong đó: Khiển trách 1 đảng viên, Cảnh cáo 2 đảng viên và yêu cầu kiểm điểm, phê bình sâu sắc đối với 1 đảng viên.
Nói về sự việc xảy ra tại Đảng bộ mình, đồng chí Trần Trọng Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La, thẳng thắn: Qua kiểm điểm, Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Y tế đã nhận thấy, hậu quả đó có liên quan đến công tác tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng, và từng đảng viên. Một số chi bộ, đảng viên còn chưa chú trọng tự phê bình, mạnh dạn phê bình, thực hiện còn qua loa, chiếu lệ, né tránh khuyết điểm. Qua sự việc của Đảng bộ Sở Y tế nhiệm kỳ qua thấy rằng, việc nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng luôn là vấn đề cấp thiết, không thể xem nhẹ.
Vai trò người đứng đầu chưa gương mẫu
Nhận định về công tác phê bình và tự phê bình ở các đảng bộ có đảng viên vi phạm, đồng chí Nguyễn Văn Tải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, cho rằng: Một số cán bộ là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng chưa phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu; vẫn còn một số ít cán bộ là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu vi phạm kỷ luật thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối phải giải trình, xem xét trách nhiệm, nhận hình thức kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống. Khi tự phê bình trước tổ chức đảng, một số đảng viên còn thiếu tự giác, thiếu thành khẩn nhận thiếu sót, khuyết điểm mà thường quanh co, đổ lỗi cho điều kiện khách quan, cho tập thể. Một số đảng viên tham gia cuộc họp còn có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, không dám đấu tranh trực diện với khuyết điểm, vi phạm của đồng chí mình. Khi đối tượng phê bình là người đứng đầu tổ chức, đơn vị thì việc phê bình của cấp dưới đối với cấp trên là rất hạn chế; việc phát biểu ý kiến chỉ tập trung vào một số đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, đảng viên lớn tuổi, còn những đảng viên khác rất ít phát biểu.
Từ năm 2016 đến 30/9/2021, cấp ủy và UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã kết luận và thi hành kỷ luật đối với 19 tổ chức đảng, với các hình thức: Khiển trách 13, cảnh cáo 6; thi hành kỷ luật đối với 1.612 đảng viên, với các hình thức: Khiển trách 1.000; Cảnh cáo 304; Cách chức 28 và khai trừ ra khỏi Đảng 280 đảng viên. Các vi phạm chủ yếu về: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; nói, làm trái nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; phẩm chất đạo đức, lối sống... Một trong những nguyên nhân của những vi phạm nêu trên là do việc tự phê bình và phê bình của một số ít tổ chức đảng và đảng viên chưa được thực hiện nghiêm túc, còn nể nang, né tránh, “ngại va chạm” dẫn đến không kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm ngay từ lúc mới manh nha; đến khi thiếu sót, khuyết điểm trở thành vi phạm mới được phát hiện, xử lý.
Qua đó cho thấy, việc giáo dục, khơi dậy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng còn hạn chế; thái độ, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình của một số đảng viên chưa cao, chưa nêu cao tính xây dựng, tính chiến đấu của người đảng viên.
Những vấn đề đặt ra từ công tác tự phê bình và phê bình
Với tinh thần không né tránh, nhìn thẳng vào thực trạng, sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ rõ những hạn chế đặt ra từ công tác tự phê bình và phê bình, đó là: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của một số cấp ủy đảng còn hạn chế; còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện ngại học, lười học, ngại nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, chất lượng học tập, nghiên cứu không cao... Một số cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên thiếu ý chí phấn đấu, chưa thực sự gương mẫu trong công tác, chưa tích cực nghiên cứu, học tập, rèn luyện; làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp, chọn việc, chọn vị trí công tác; ngại khó, ngại khổ, không gương mẫu trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước. Còn có cán bộ, đảng viên phát ngôn thiếu thận trọng, nói không đi đôi với làm; ý thức tự phê bình và phê bình nể nang, né tránh, ngại va chạm; không dám đấu tranh thẳng thắn, chính danh mà gửi đơn thư nặc danh; thông tin một chiều gây dư luận không tốt.
Ngoài nguyên nhân khách quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định những nguyên nhân chủ quan: Công tác quản lý, giáo dục đảng viên ở một số tổ chức đảng chưa thường xuyên, chặt chẽ dẫn đến tình trạng đảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức lối sống, vi phạm chế độ sinh hoạt đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm dẫn đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật Đảng, chính quyền; kiểm điểm tự phê bình và phê bình còn e dè, nể nang chưa thể hiện rõ tính chiến đấu khi phê bình, tham gia ý kiến; một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến vi phạm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát phòng ngừa sai phạm.
Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm ở một số đảng bộ cơ sở còn hình thức, kết quả chưa phản ánh đúng thực chất; chưa kịp thời phát hiện, ngăn ngừa khuyết điểm, vi phạm. Một số cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở chưa thực sự coi trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc; chậm bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc cho phù hợp với thực tiễn. Việc duy trì sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt định kỳ chi bộ, đảng bộ cơ sở của một số tổ chức cơ sở đảng chưa đảm bảo theo quy định..
Những khuyết điểm mà Đảng bộ tỉnh thẳng thắn thừa nhận, chỉ rõ những nguyên nhân, đang tập trung các biện pháp sửa chữa, khắc phục để Đảng tiến bộ, chân chính.
(Còn nữa)