Tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng

Tự phê bình và phê bình là một trong 5 nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tự phê bình và phê bình. Trong bài giảng đầu tiên cho lớp cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc từ năm 1927 với tiêu đề 'Tư cách một người cách mệnh', lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đích thân soạn bài và đứng lớp. Trong bài giảng này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra 23 tư cách của một người cách mạng, trong đó có nội dung là yêu cầu mỗi người cách mạng phải 'cả quyết sửa lỗi mình'.

Tháng 10/1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt, khi thực dân Pháp quyết nhảy dù xuống căn cứ địa để bắt toàn bộ cơ quan đầu não của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Ngay trong mục đầu tiên của cuốn sách, Người đã bàn về vấn đề phê bình và sửa chữa. Nếu tìm hiểu kỹ bối cảnh lịch sử lúc ấy, đặc biệt là trong hồi ký của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe thấy rằng ngay lúc ấy, những biểu hiện mất đoàn kết, kèn cựa lẫn nhau, không phục nhau… đã xuất hiện trong bộ máy các cơ quan khi ấy. Có lẽ vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn về mục đích của việc phê bình là: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Từ mục đích phê bình, Người chỉ ra cách thức phê bình: “Phê bình mình cũng như phê bình người, phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, thâm độc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”. Đây thật sự là quan điểm nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi với quan điểm này, Người đã đi trước thực tiễn rất xa. Đến Di chúc, Người cũng không quên dặn lại toàn Đảng nội dung phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê và phê bình: “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”...

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá những hạn chế của tự phê bình và phê bình hiện nay là: “Không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”. Đây có thể xem là một đánh giá khá thẳng thẳn và đã nhìn thẳng vào sự thật. Trong thực tế việc tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi thường rất hình thức. Về tự phê bình, hầu như các đánh giá, tự nhận xét cuối năm đều lặp đi lặp lại một điệp khúc “tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao”. Đó là một kiểu tự phê bình vô thưởng, vô phạt và hầu như năm nào cũng đúng, nhưng nếu hỏi tinh thần chưa cao là khi nào, ở đâu, đối với sự việc nào thì hầu như không ai có thể chỉ ra. Chính cái không thể chỉ ấy là những biểu hiện của “né tránh” mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra nêu trên. Đã từng có những câu chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt về vấn đề phê bình kiểu như: phê bình đồng chí làm việc quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, phê bình đồng chí tham công tiếc việc không chịu nghỉ ngơi… Trong thực tế ở nhiều tổ chức đảng hiện nay, nếu có phê bình ai thì thường phải mất khoảng thời gian dạo đầu, đa phần chiếm nhiều thời gian hơn để đánh giá về các thành tựu rồi mãi sau đó mới tới phần… tuy nhiên. Cũng có hiện tượng là “anh đừng đụng đến tôi thì tôi cũng không đụng tới anh” và kết quả là mọi việc hầu như đều nhất trí 100%.

Nói chi việc sinh hoạt đảng, ngay các đoàn kiểm tra cũng vậy, hầu như đoàn kiểm tra nào đi tới đâu cũng đều đánh giá thật hay những thành tựu ở nơi kiểm tra rồi mới tới đánh giá và chỉ ra một vài hạn chế, khuyết điểm. Nếu thật sự tất cả các tổ chức được kiểm tra đều tốt như vậy thì liệu có cần các cuộc kiểm tra? Trong thực tế đã có không ít các tổ chức đảng, đơn vị được kiểm tra được đánh giá cao, nhưng chỉ một khoảng thời gian không dài sau đó đã bị phanh phui không ít những vụ việc phức tạp, bê bối, thậm chí sai phạm…

Phàm đã là con người, phàm đã làm việc thì ắt hẳn có sai sót. Cũng vậy, đã là con người thì hẳn nhiên có những “hỉ nộ ái ố” thường tình của con người, vì vậy, người xưa đúc kết và căn dặn “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Vậy nên, đối với tự phê bình và phê bình trước tiên là phải thành thật nhận ra khuyết điểm của mình. Tiếc thay nhiều người lại không nhận ra chân lý đơn giản ấy. Vậy nên nếu thật sự ai đó chỉ ra thì thường vấp phải những cãi vã, xung đột…

Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay có lẽ từ các cấp ủy đảng phải thấm nhuần thật sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phê bình việc chứ không phê bình người.

Cần thống nhất nhận thức đồng thuận trong mỗi cấp ủy là tự phê bình và phê bình là để nhận ra khuyết điểm, hạn chế của bản thân; chỉ ra khuyết điểm, hạn chế của đồng chí mình và tìm các biện pháp để khắc phục chứ không phải lợi dụng tự phê bình, phê bình để “bới lông, tìm vết”, để hạ bệ lẫn nhau. Cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và cơ quan theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, đề cao trách nhiệm báo cáo và giải trình để tạo không khí thật sự dân chủ trong tổ chức.

Từ cả lý luận và thực tiễn, việc thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình sẽ giúp mỗi đảng viên nhận rõ ưu, khuyết điểm của mình và chỉ ra ưu, khuyết điểm của đồng chí để cùng nhau sửa đổi để tốt hơn. Mỗi đảng viên tốt sẽ xây dựng thành chi bộ tốt, các chi bộ tốt sẽ giúp đảng bộ tốt, cứ như vậy thì Đảng sẽ trong sạch, vững mạnh. Nếu tất cả đảng viên trong Đảng học, hiểu và thực hành đúng như những chỉ dạy trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình hiện nay.

VŨ TRUNG KIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202111/tu-phe-binh-va-phe-binh-trong-xay-dung-dang-3088419/