Tự phê bình và phê bình: Vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng
PTĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các cấp ủy Đảng đang tiến hành công tác TPB&PB, đánh giá chất lượng đảng viên một cách chặt chẽ, nghiêm túc.
Kỳ II: Xây dựng văn hóa phê bình trong sinh hoạt Đảng
Mặc dù đã có những chuyển biến rõ rệt do có sự chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể của Trung ương, Tỉnh ủy, nhưng không phải tất cả các chi, Đảng bộ, mọi đảng viên đều đã làm tốt việc TPB&PB. Nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn nặng về phê bình, chưa mạnh dạn tự phê bình để thấy hết hạn chế, khuyết điểm của cá nhân mình. Có nơi chưa nắm vững phương pháp phê bình, chưa thực hiện đủ các nội dung của TPB&PB, làm qua loa, chiếu lệ, né tránh khuyết điểm, thậm chí còn lợi dụng phê bình để nói xấu, chỉ trích nhau gây căng thẳng và hiệu quả không cao. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức về việc tự kiểm điểm còn chưa đầy đủ, TPB&PB chưa tự giác, gương mẫu, còn tư tưởng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”… ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ.>>> Kỳ I: Đề cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng
Bí thư chi bộ Nguyễn Đức Ấm, khu Hạ Bạc, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập cho biết mặc dù là chi bộ có truyền thống đấu tranh phê bình tốt, nhưng có những giai đoạn, trong sinh hoạt đảng viên không có ý kiến tham gia đóng góp, chủ yếu chỉ có chi ủy đưa ra nội dung. Sau khi nhận thấy những biểu hiện như thế, chi ủy tiến hành nắm bắt tư tưởng của đảng viên vì sao không nhiệt tình đóng góp ý kiến để có điều chỉnh. Nhiều đảng viên cũng thừa nhận mình “ngại” góp ý cho đồng chí vì đều là anh em, làng xóm với nhau. Ở một số chi bộ, tính chiến đấu còn hạn chế do đảng viên e ngại, không dám góp ý phê bình cấp ủy, người đứng đầu, tình trạng này chủ yếu diễn ra ở các chi bộ khối doanh nghiệp. Do phần lớn chủ doanh nghiệp có quyền lực trong tay, nhiều doanh nghiệp bí thư chi bộ không phải là chủ nên người lao động cũng gặp khó khăn trong việc đóng góp ý kiến vì sợ ảnh hưởng tới công việc và lợi ích kinh tế. Về mặt tâm lý, phần lớn mọi người thích được khen chứ không thích bị phê bình. Góc độ tự phê bình mọi người dễ cho rằng tự nói ra và nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận hạn chế của mình. Trong năm 2019, BTV Tỉnh ủy đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ với 2 đồng chí: Hà Văn Khanh-HUV, Bí thư Đảng ủy xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn với nội dung vi phạm: Phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và đồng chí Lê Sỹ Hồng-Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì, nội dung vi phạm: Phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Những vi phạm phải xử lý của các cán bộ, lãnh đạo trong thời gian qua có thể một phần do “nể nang, không dám đấu tranh phê bình đồng chí, đồng nghiệp” nhưng chủ yếu vẫn do họ không tự thừa nhận hạn chế dẫn tới sai phạm nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.Năm 2019, Ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 36 tổ chức Đảng và 87 đảng viên, có 52 cấp ủy viên các cấp. Kết luận có 28 tổ chức Đảng (77,7%), 72 đảng viên (82,7%) có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 2 tổ chức Đảng và 29 đảng viên. Nhìn rộng ra trong thời gian qua, các vụ án liên quan đến người đứng đầu là lãnh đạo quản lý, giữ chức vụ cao trong TCCSĐ ở một số bộ, ngành TƯ, tỉnh, thành phố rồi hàng loạt cán bộ bị cơ quan chức năng thi hành kỷ luật, cách chức, khởi tố với những sai phạm khác nhau. Đây là bài học đắt giá trong khâu kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên.
Không để tự phê bình và phê bình mãi là khuyết điểm
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phê phán những người thực hiện không đúng nguyên tắc TPB&PB. Người phân tích: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc, như thế bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mệnh. Phát hiện càng sớm, điều trị bệnh càng chóng khỏi, để bệnh nặng rất khó chữa, thậm chí không chữa nổi. Khen thì dễ nhưng phê thì rất khó. Chính vì thế, trên thực tế, không ít người sợ bị phê bình và ngại phê bình người khác. Đó là một khuyết điểm.
Có một thực tế diễn ra trong nhiều năm là tình trạng kiểm điểm đảng viên cuối năm, bản kiểm điểm nào cũng nêu phê bình và tự phê bình còn hạn chế và thường năm nào cũng có khuyết điểm hạn chế này. Vậy khuyết điểm ấy năm nào cũng có và tự nhận rất rõ ràng, nhưng tại sao không sửa đang là câu hỏi lớn “nhiều kỳ”. Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đã đề cập đến bốn giải pháp cần tiến hành, trong đó nhóm giải pháp về TPB&PB, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên được đưa lên hàng đầu. Đến Nghị quyết TƯ 4 (khóa XII) tiếp tục khẳng định giải pháp hàng đầu là về nêu gương TPB&PB của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp.Thực tiễn cho thấy, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của TPB&PB, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống. Cấp ủy cần làm tốt việc thu thập thông tin về ưu, khuyết điểm trong lãnh đạo của chi bộ, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt để định hướng và tổ chức thực hiện TPB&PB trong mỗi kỳ sinh hoạt. Cần tạo không khí cởi mở, chân tình, khích lệ mọi người phát huy tính chủ động, dân chủ, mạnh dạn góp ý, phê bình sự lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ cũng như TPB&PB lẫn nhau một cách thẳng thắn, mang tính xây dựng cao, cùng tiến bộ.Tại chi bộ Hạt kiểm lâm huyện Yên Lập, khi tinh thần dân chủ trong sinh hoạt được phát huy, đảng viên đã có ý kiến đóng góp đối với lãnh đạo đôi khi chưa quyết liệt trong công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Qua đó, không chỉ giúp chi ủy chi bộ mà tập thể lãnh đạo cũng tự nhìn nhận đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình để điều chỉnh tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, đem lại hiệu quả cao trong công việc. Có 57 đảng viên, trong đó chủ yếu là cán bộ nghỉ hưu, tinh thần trách nhiệm đều rất cao trong cả sinh hoạt và đời sống hàng ngày, tại chi bộ khu 11, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa vẫn có đảng viên còn tồn tại, hạn chế. Từ khi công tác TPB&PB được chi bộ tập trung triển khai đã có chuyển biến tích cực. Đồng chí Dương Quốc Thịnh-Bí thư chi bộ cho biết: “Có thời điểm, đảng viên trong chi bộ đã tập trung đóng góp ý kiến cho đồng chí của mình về tác phong, lề lối sinh hoạt Đảng “đi muộn, về sớm”, “không nghiêm túc trong sinh hoạt như hút thuốc, nói chuyện riêng”. Những ý kiến đều trên tinh thần xây dựng, vì vậy nhiều đảng viên đã nhận thấy khuyết điểm của mình gây ảnh hưởng đến việc duy trì nền nếp sinh hoạt của chi bộ nên đã thay đổi, gương mẫu không chỉ trong sinh hoạt Đảng mà cuộc sống hàng ngày. Đồng chí Bùi Tiến Dũng-Bí thư Đảng ủy thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa khẳng định: “Đảng ủy xác định công tác TPB&PB không chỉ tập trung ở các chi bộ khối hành chính mà trong tất cả cơ sở đảng để tạo sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu trong Đảng. Đối với Đảng ủy thị trấn nhiều năm qua, việc xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức đều được thực hiện nghiêm túc, không có việc né tránh trong đấu tranh TPB&PB. Những đồng chí còn có hạn chế, phải đưa ra được biện pháp khắc phục, khắc phục cho bằng được”.TPB&PB trong sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng với Đảng. Nhưng khi tiến hành TPB&PB phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị để xác định những nội dung trọng tâm, cần tập trung giải quyết tạo nên chuyển biến thực sự sau khi sinh hoạt TPB&PB. Đồng thời định kỳ vào dịp tổng kết công tác hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm những việc làm được và chưa được, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn để bảo đảm cho TPB&PB thực sự đi vào chiều sâu, có nền nếp và đạt được mục tiêu đề ra.