Từ quá khứ hào hùng đến hiện tại linh thiêng
Từ một 'tọa độ chết' khi chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc đã phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, với 1.863 lần tấn công của địch khiến 1.699 cán bộ và nhân dân ngã xuống. Đến nay sau 55 năm, Đồng Lộc đã chuyển mình, trở thành một địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam.
Năm 1968 là năm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, nhu cầu tăng viện cho chiến trường miền Nam về vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn vô cùng cấp thiết. Từ ném bom không hạn chế, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện kế hoạch ném bom hạn chế, tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh khu IV cũ, bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Tại chiến trường Đồng Lộc, trong tháng 5/1968, các lực lượng của ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Trong tháng 7/1968, ta đã phá 1.780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới từ Khiêm Ích, Truông Kén, Bãi Dịa 6km. Quân và dân các xã thuộc địa bàn huyện Can Lộc đã góp 185.400 ngày công với 42.620 người phục vụ chiến đấu, đào đắp 95.209m3 đất đá, vận chuyển 45m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến.
Trong cuộc chiến đấu quyết liệt đầy khó khăn và vô cùng dũng cảm này, Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Từ năm 1964 - 1972, tại Ngã ba Đồng Lộc đã có 1.226 người dân các xã vùng lân cận thuộc huyện Can Lộc và 8 em học sinh đã bị bom đạn kẻ thù sát hại. Cùng với đó, 465 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng TNXP, giao thông vận tải, lực lượng dân quân tự vệ, nhân dân Đồng Lộc và đơn vị Pháo cao xạ 210 cũng đã anh dũng hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quyết định chiến thắng trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù.
Lực lượng TNXP là lực lượng chủ công, đội quân xung kích, đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và đầy nguy hiểm với nhiệm vụ chính là lấp hố bom, bắc cầu, làm hầm, làm đường vòng, đường tránh qua Ngã ba Đồng Lộc để đảm bảo cho Đồng Lộc không lúc nào tắc xe. Trong đó, phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", đã hy sinh trọn vẹn cả tuổi thanh xuân của mình cho sự sống của dân tộc. Địa danh Ngã ba Đồng Lộc cũng gắn liền với tên tuổi của các Anh hùng LLVTND như Anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Trí Ân, Nguyễn Tiến Tuẫn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý…
Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 1995, Đảng và Nhà nước giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các hạng mục công trình tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Đến Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, chúng ta không chỉ cảm nhận được sự thay da đổi thịt của một vùng đất được mệnh danh là "vùng đất chết", mà còn được tham quan quần thể di tích với nhiều công trình ý nghĩa, tiêu biểu là 12 hạng mục vừa được đầu tư, tôn tạo. Trong đó, công trình mới nhất vừa được hoàn thiện, đưa vào sử dụng là cụm 3 cổng vào Khu di tích ngã ba Đồng Lộc, được bố trí trên 3 tuyến đường hướng về khu vực di tích.
Cùng với đó, hạng mục tượng đài Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc; Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ TNXP toàn quốc, nơi ghi danh gần 4.000 các Anh hùng liệt sĩ chính là trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử, là hiện thân của lực lượng "Vai trăm cân, chân vạn dặm", không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập tự do của dân tộc. Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc; Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ngành Giao thông vận tải hy sinh tại Hà Tĩnh được xây dựng nhằm ghi danh và tưởng niệm 842 Anh hùng, liệt sĩ ngành Giao thông vận tải hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Hà Tĩnh.
Cột biểu tượng ngành Giao thông vận tải được xây dựng để tôn vinh những chiến công oanh liệt của những người chiến sĩ trên mặt trận Giao thông vận tải. Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc; Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc tọa lạc trên núi Mũi Mác, bên cạnh Tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc là nơi thờ các Chư vị thần linh, Chân linh các Anh hùng liệt sĩ TNXP hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, 10 cô gái, cán bộ và nhân dân tử nạn tại chiến trường Đồng Lộc. Ngoài ra, còn có Cụm tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc; Đồi La Thị Tám (núi Mòi); Nhà truyền thống Lực lượng TNXP Việt Nam và Nhà truyền thống Ngã ba Đồng Lộc là những biểu tượng cao đẹp, linh thiêng được đầu tư xây dựng tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.
Anh Trần Đình Ước, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: Hằng năm Khu di tích đón hàng triệu lượt khách đến dâng hoa, dâng hương và tham quan, thưởng ngoạn. Nơi đây cũng vinh dự thường xuyên được đón các đoàn lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước về thăm, dâng hương, dâng hoa. Dịp này, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang chuẩn bị kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 55 năm Ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc với các nội dung chính là Tuần Văn hóa "Linh thiêng Đồng Lộc" và nhiều hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn".
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/tu-qua-khu-hao-hung-den-hien-tai-linh-thieng-i699493/