Từ 'Quả trứng vuông,' nhìn lại sự nghiệp văn học giả tưởng của Viết Linh
Nhà văn Viết Linh là người có những đóng góp đáng ghi nhận cho văn học thiếu nhi, đặc biệt là ở đề tài văn học giả tưởng và mảng sách khoa học cho thiếu nhi.
Ngày 21/12, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nhà văn Viết Linh và khoa học giả tưởng Việt Nam” nhân kỷ niệm 3 năm ngày mất của nhà văn Viết Linh (22/12/2021-22/12/2024).
Các văn nghệ sỹ, chuyên gia đã có tham luận, trao đổi nhằm làm rõ sự nghiệp sáng tác của nhà văn Viết Linh, qua đó khẳng định rằng ông là người đi đầu trong sự nghiệp sáng tác về thể loại khoa học giả tưởng tại Việt Nam.
Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho hay ông rất thích tác phẩm “Quả trứng vuông” nêu ra ý tưởng “gà đẻ trứng vuông” để tiết kiệm không gian chứa trứng và việc sắp xếp những quả trứng dễ dàng hơn.
“Đó là câu chuyện vô cùng hấp dẫn, thú vị, truyền cho tôi rất nhiều ý tưởng sáng tạo. Những năm 1970, nhà tôi ở Quảng Bình rất nghèo, tôi thường mượn sách rồi chép lại để sau này nghiền ngẫm. Lúc đó, tôi đã nghĩ đến một cỗ máy có thể chụp lại nguyên trang sách để đỡ phải chép, quả thực sau này, máy photocopy đã ra đời với chức năng sao chụp,” ông Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Về văn học giả tưởng, ông Trí khẳng định rằng đây là thể loại khó, đòi hỏi người viết vừa phải có khả năng viết văn, vừa phải am hiểu khoa học, hơn nữa còn phải biết nhiều lĩnh vực khoa học thì mới viết tốt được.
Ông Trí trăn trở về việc làm sao để văn học Việt Nam ngày nay có nhiều tác phẩm tốt, có thể tạo thành dòng văn học khoa học viễn tưởng, có những tác phẩm có thể đưa ra thế giới.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Anh Trí, Tiến sỹ Trần Minh Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng nhà văn Viết Linh rất am hiểu về khoa học thì mới viết được về khoa học viễn tưởng.
“Văn học giả tưởng truyền cảm hứng, lý tưởng, ước mơ để con người sáng tạo. Dòng văn học này có ý nghĩa lớn với sự phát triển của lịch sử loài người, cổ vũ sức tưởng tượng và hoài bão của con người,” ông Tiến nói.
Về sự nghiệp của nhà văn Viết Linh, nhà văn Vũ Kim Dũng, Chủ nhiệm Quỹ Hỗ trợ Phát triển Khoa học Giả tưởng Việt Nam khẳng định rằng nhà văn Viết Linh không chỉ là tác giả của nhiều tác phẩm xuất sắc mà còn là biên tập viên khoa học xuất sắc của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Ông không chỉ nhiệt tình giúp đỡ các tác giả trẻ mà còn góp phần xây dựng nên một đội ngũ các nhà văn viết về khoa học và truyện khoa học giả tưởng như nhà văn Vũ Hùng, Phạm Ngọc Toàn, Nguyễn Như Mai và cả Vũ Kim Dũng.
Theo nhà văn Vũ Kim Dũng, lực lượng sáng tác truyện khoa học giả tưởng hiện nay còn mỏng, số lượng và chất lượng tác phẩm còn hạn chế.
Để dòng văn học giả tưởng ngày càng lớn mạnh, nhà văn Vũ Kim Dũng đề xuất tuyên truyền và phổ biến rộng rãi các tác phẩm khoa học giả tưởng có giá trị của các nhà văn thế giới và Việt Nam; tổ chức các hội thảo sâu về khoa học giả tưởng; tổ chức trại sáng tác; tài trợ cho các tác phẩm khoa học giả tưởng đầu tay và các tác phẩm xuất sắc./.
Nhà văn Viết Linh tên thật là Nghiêm Siêu, sinh năm 1931, quê ở Ứng Hòa, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1987.
Năm 1960, ông công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng cho tới khi nghỉ hưu vào tháng 7/1992. Ông chính là người khởi xướng, gây dựng bộ sách “Em yêu khoa học” của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Nhiều tác phẩm của ông đã được xuất bản và được độc giả thiếu nhi yêu thích như: “Bản thông cáo viết trên lá cây” (viết chung với Phạm Văn Đỗ) (1959), “Luống rau kết nghĩa” (1962), “Gánh xiếc lớp tôi” (1963), “Lá thư cá rô phi” (1964), “Một trận hỏa mù” (1965), “Chiếc xe đạp gỗ” (1967), “Ông than đá” (1969), “Quả trứng vuông” (1970), “Quả xanh, quả chín” (1971), “Ánh sáng vùng biển tối” (kịch bản phim hoạt hình); “Huyền Trân công chúa” (tái bản đến 5 lần)…
Năm 1992, tác phẩm “Mái trường xưa” của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt, cuốn “Hành tinh kỳ lạ” của ông từng được dịch và xuất bản tại Nga.