Từ quy hoạch đến hạ tầng: Bước đột phá cho Khánh Hòa tăng trưởng hai con số
Trong tổng thể kế hoạch đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, công tác quy hoạch giữ vai trò hạt nhân quan trọng.
Đó là nhận định của bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) tại Hội thảo "Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương đột phá trong kỷ nguyên mới" được tổ chức sáng 25/7 tại Khánh Hòa.

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo.
Công tác quy hoạch giữ vai trò hạt nhân
"Khánh Hòa đang mang một sứ mệnh lớn lao, với một tầm vóc mới sau quyết định hợp nhất chiến lược hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Việc này tạo nên một thực thể hành chính, kinh tế và không gian phát triển mở rộng, được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng của cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ", bà Trần Thu Hằng phát biểu.
Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa và Ninh Thuận đều đã thể hiện rõ nội lực và khát vọng phát triển. Với Khánh Hòa là vị thế cửa ngõ biển Đông, trung tâm du lịch, y tế, giáo dục và dịch vụ biển; còn Ninh Thuận là trung tâm năng lượng tái tạo, vùng đất cát nắng gió, nhưng giàu tiềm năng. Giờ đây, khi hai vùng đất hội tụ, một Khánh Hòa mới đã ra đời - rộng lớn hơn, liên kết hơn, có chiều sâu hơn về quy hoạch và giàu sức bật hơn về chiến lược phát triển.
Cơ hội đó không tự đến nếu không có nền tảng chính trị và pháp lý vững chắc. Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 28/1/2022 đã xác định rõ định hướng phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trung tâm kinh tế biển, du lịch, dịch vụ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Tiếp theo đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa cho phép địa phương này chủ động hơn về quy hoạch, đầu tư công, tài chính ngân sách và quản lý đất đai. Những quyết sách đó tiếp tục được kế thừa và mở rộng trong mô hình tỉnh mới, tạo nên một hành lang pháp lý mạnh mẽ và linh hoạt, làm nền tảng cho phát triển đột phá.
Bà Trần Thu Hằng cho rằng, Khánh Hòa (mới) hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là trung tâm kinh tế biển, du lịch, dịch vụ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Trong bức tranh phát triển tổng thể ấy, công tác quy hoạch giữ vai trò hạt nhân. Bộ Xây dựng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một quy hoạch mang tầm chiến lược không chỉ cho Khánh Hòa mà còn cho cả vùng Nam Trung bộ.
Trong quy hoạch này, hệ thống đô thị của tỉnh được tổ chức theo hướng liên kết vùng, chia thành ba cụm đô thị chủ lực: Cụm Nha Trang - Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm hành chính, dịch vụ, khoa học và du lịch chất lượng cao; cụm Cam Lâm - Cam Ranh - Thuận Nam là trung tâm logistics, công nghiệp sạch và du lịch ven biển; và cụm Khánh Sơn - Bắc Ái là vùng sinh thái đệm, bảo tồn thiên nhiên, kết hợp phát triển đô thị bền vững và du lịch cộng đồng.
Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng chú trọng tổ chức không gian hợp lý cho các khu chức năng: Từ khu kinh tế Vân Phong ở phía Bắc - hạt nhân cảng biển và công nghiệp năng lượng - đến khu công nghiệp - năng lượng Cà Ná ở phía Nam - trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia.
Xen kẽ giữa các vùng động lực là các không gian sinh thái ven biển, khu nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và các khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Tất cả được quy hoạch theo nguyên tắc tích hợp, đa trung tâm, thích ứng biến đổi khí hậu, kết nối hạ tầng.

Toàn cảnh Hội thảo.
Một điểm sáng khác trong công tác quy hoạch chính là hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông. Tỉnh đã đề ra chiến lược đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng liên vùng: Mở rộng cao tốc Bắc - Nam, hình thành trục ven biển kết nối từ Vạn Ninh đến Thuận Nam; nâng cấp cảng nước sâu Bắc Vân Phong và cảng tổng hợp Cà Ná; hiện đại hóa sân bay quốc tế Cam Ranh và nghiên cứu khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn.
Song song đó, các tuyến đường kết nối Đông - Tây từ vùng duyên hải lên Tây Nguyên cũng được quy hoạch mở rộng, nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông đa chiều, thúc đẩy thương mại nội vùng và liên kết vùng.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở cũng được chú trọng toàn diện. Tỉnh Khánh Hòa mới định hướng xây dựng các đô thị hiện đại, có bản sắc văn hóa, thân thiện với môi trường và ứng dụng công nghệ cao trong quản lý.
Các chương trình phát triển nhà ở xã hội, cải tạo đô thị cũ, khu tái định cư ven biển và các khu nhà ở công nhân gắn với khu công nghiệp cũng đã được tích hợp chặt chẽ vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị và nông thôn.
"Chúng tôi cũng đặc biệt ghi nhận sự tiên phong của tỉnh trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đô thị. Các hệ thống quản lý quy hoạch bằng GIS, nền tảng điều hành thông minh, giám sát giao thông, hạ tầng dữ liệu dùng chung đã và đang được triển khai đồng bộ, tạo nền móng cho một chính quyền số, đô thị thông minh và phát triển bền vững" bà Trần Thu Hằng nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng quy hoạch - thu hút đầu tư phát triển hạ tầng
Từ góc độ quản lý, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển nhanh chóng của địa phương. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững, ưu tiên các công trình liên vùng, công trình động lực.

Khánh Hòa hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, nhà ở xã hội và tái thiết đô thị; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Phát triển các cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho đô thị biển, đô thị sinh thái, đặc biệt tại các khu vực như Cam Lâm, Cam Ranh, Thuận Nam, tạo tiền đề nhân rộng mô hình ra toàn vùng.
"Bộ Xây dựng cam kết luôn đồng hành cùng tỉnh trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch; triển khai các chương trình trọng điểm về phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật; đồng thời hỗ trợ địa phương về cơ chế, chính sách và nguồn lực. Mục tiêu hướng đến, Khánh Hòa không chỉ là một tỉnh ven biển nữa, mà là một thực thể kinh tế - xã hội mới, đủ tầm vóc để giữ vai trò trung tâm của cả dải duyên hải miền Trung", bà Trần Thu Hằng khẳng định.
Mục tiêu phi thường cần cách làm khác thường
Hiến kế giải pháp để Khánh Hòa hiện thực được mục tiêu tăng trưởng hai con số, PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng đánh giá, Khánh Hòa đang có khí thế mới, động lực mới để thực hiện được việc mục tiêu này.

PGS. TS Trần Đình Thiên phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông Trần Đình Thiên, mục tiêu tăng trưởng hai con số không chỉ để "biểu diễn" trong ngắn hạn mà hướng tới mục tiêu lâu dài, bảo đảm sự bền vững trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn vì trên thế giới, chưa có nước nào có thể đạt được mức tăng trưởng cao kéo dài 10 - 20 năm. Hơn nữa, tăng trưởng cao bền vững không phải là "chạy" ngắn hạn mà phải chuẩn bị lâu bền, với động lực mạnh.
Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng hai con số trong một chu kỳ dài là thách thức lớn, tính bất khả thi cao nhưng Khánh Hòa có thể làm được. Lý do là sau khi sáp nhập với Ninh Thuận, Khánh Hòa có thêm những lợi thế khi quy mô lớn hơn, không gian lớn hơn.
Thứ hai, Khánh Hòa sau sáp nhập có những lợi thế đặc biệt, không nơi nào có được. Lợi thế đó không phải là ghép cơ học mà là sự cộng hưởng các lợi thế lại với nhau tạo ra sức mạnh lớn. Vấn đề quan trọng là làm sao phát huy được những lợi thế, sự cộng hưởng đó?
Để tạo đột phá phát triển, Khánh Hòa cần tích hợp lại các điều kiện phát triển, cần làm lại quy hoạch phát triển, trong đó nhấn mạnh những đột phá ưu tiên, không dàn trải. Ngoài ra, đây là một mục tiêu tăng trưởng phi thường, chứ không bình thường được nên cách làm cũng phải khác thường.
Khánh Hòa cần đi tiên phong tạo ra hình mẫu phát triển, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực và trí tuệ, sáng tạo. Khi con người sáng tạo và trí tuệ nhân tạo kết hợp lại với nhau sẽ tạo ra sức bật lớn cho phát triển.
Kiến tạo mô hình đô thị văn hóa sáng tạo và bản sắc
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) nhấn mạnh, tỉnh Khánh Hòa có 1.089 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh (bao gồm cả dấu hiệu di tích).
Trữ lượng di sản văn hóa phi vật thể, qua kiểm kê trên địa bàn toàn tỉnh đến nay hiện có 1.591 số lượng của 7 loại hình di sản văn hóa, có 5 di chỉ khảo cổ học có niên đại khoảng trên 3.000 năm và trên 12 địa điểm có dấu hiệu di chỉ khảo cổ học.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) phát biểu tại Hội thảo.
Ninh Thuận có 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, đã có 65 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Với sự tương đồng về điều kiện địa lý, tương đồng về bản sắc văn hóa và chủ thể văn hóa văn hóa thì việc hợp nhất 2 tỉnh là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển Khánh Hòa với vai trò trung tâm kinh tế, quốc phòng an ninh và du lịch của vùng Nam Trung bộ.
Khánh Hòa nằm ở trung tâm vùng Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược về địa chính trị, kinh tế biển và văn hóa. Với thành phố Nha Trang là trung tâm, Khánh Hòa kết nối hiệu quả với tam giác phát triển Bắc Trung bộ - Tây Nguyên - Đông Nam bộ, đồng thời đóng vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế thông qua hệ thống cảng biển, sân bay và hành lang kinh tế ven biển trọng điểm.
"Khánh Hòa có hệ sinh thái văn hóa phong phú với nhiều lớp di sản: Chăm - Việt, nghề truyền thống như chế tác trầm hương, đánh bắt hải sản, yến sào; lễ hội biển đảo như Cầu Ngư, Am Chúa, và thiết chế văn hóa đang được nâng cấp như: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Bảo tàng tỉnh, Quảng trường 2/4...
Tập hợp các yếu tố này tạo điều kiện lý tưởng để Khánh Hòa phát triển mô hình đô thị văn hóa ven biển có bản sắc và sáng tạo, đồng thời là nơi thí điểm mô hình thể chế văn hóa mềm trong bối cảnh hành chính tinh gọn", PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Nêu một số thách thức, theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, nếu không có tư duy tích hợp, quá trình tinh gọn sẽ vô tình đẩy văn hóa ra khỏi hệ điều hành đô thị mới. Nhưng nếu được thiết kế lại theo hướng thể chế văn hóa mềm, linh hoạt, có sự tham gia của cộng đồng và chủ thể sáng tạo, Khánh Hòa hoàn toàn có thể dẫn đầu trong việc biến cải cách hành chính thành cơ hội kiến tạo mô hình đô thị văn hóa sáng tạo và bản sắc.
"Trong bối cảnh bộ máy hành chính địa phương được vận hành theo mô hình hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã/phường), việc thiết kế lại hệ thống quản trị văn hóa không thể chỉ dừng lại ở tinh giản bộ máy mà cần đi kèm với tư duy thể chế mới.
Đây là cơ hội để chuyển đổi từ mô hình quản lý văn hóa tập trung, hành chính hóa sang mô hình phân quyền linh hoạt, dựa trên sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp sáng tạo và các thiết chế đa tác nhân", PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.
Với quy mô, nguồn lực, vị trí chiến lược và sự dẫn dắt của các Nghị quyết lớn của trung ương, Khánh Hòa có đầy đủ điều kiện để bứt phá, tăng trưởng bền vững và đột phá ở mức trên 10%/năm.