Từ rò rỉ tự truyện của Giáo hoàng đến kỳ án lừa đảo giới xuất bản

Vụ rò rỉ cuốn tự truyện được bảo vệ chặt chẽ của Giáo hoàng có nhiều điểm tương đồng với cách hoạt động của một kẻ lừa đảo khét tiếng trong giới xuất bản, theo Airmail.

Hope: The Autobiography là cuốn tự truyện rất được mong đợi của Giáo hoàng. Cuốn sách dài hơn 300 trang này là những cuộc trò chuyện sâu rộng giữa Giáo hoàng và biên tập viên kiêm nhà văn người Italy Carlo Musso trong suốt sáu năm.

Tác phẩm sẽ ra mắt vào ngày 14 tháng 1 tại hơn 80 quốc gia và là nỗ lực của cả quá trình xuất bản hoành tráng. Cuốn sách ban đầu được viết bằng tiếng Italy nên nhà xuất bản Mondadori tại Milan dẫn đầu dự án và hợp tác với các nhà xuất bản lớn trên toàn thế giới, bao gồm cả tập đoàn Penguin Random House (PRH).

 Cuốn sách là một dự án lớn được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Catholic News Agency.

Cuốn sách là một dự án lớn được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Catholic News Agency.

Cuốn sách được bảo vệ nghiêm ngặt, thậm chí không cho phép bất kỳ đơn vị báo chí nào tiếp cận trước ngày xuất bản để tránh rò rỉ. Tuy nhiên, tác phẩm này được cho là bị đánh cắp từ chi nhánh tại Đức của PRH, thông qua một kế hoạch rất giống với cách thức trộm sách của Filippo Bernardini, kẻ đã bị kết án vì đánh cắp hơn 1.000 bản thảo văn học.

Tội lỗi của tác giả?

Vào cuối buổi sáng ngày 4/12, một nhân viên tại Kösel-Verlag, đơn vị in ấn của PRH Đức, đã nhận được một email. Email được cho là của Carlo Musso và giọng điệu rất thân thiện: “Bạn khỏe không? Bạn đã nhận được bản PDF mới từ Kösel chưa? Chúng tôi đã sửa một vài lỗi. Tôi mới biết dịch giả tiếng Tây Ban Nha chưa có bản thảo mới này”.

Có vẻ như đó là một yêu cầu hợp lý. PRH đã gửi cho các đối tác quốc tế bản thảo chưa hiệu đính của cuốn sách vào mùa thu để họ có thể thực hiện bản dịch. Trong lúc này, Musso vẫn đang trong giai đoạn chỉnh sửa cuối cùng. Nhân viên người Đức trả lời 15 phút sau, giải thích về bản thảo họ đang tiến hành dịch thuật. Musso gửi thư lại: “Tôi không thể tìm ra bản thảo bạn nhắc tới. Sẽ dễ hơn nếu bạn gửi cho tôi văn bản bạn có và tôi sẽ kiểm tra xem đó có phải là bản cuối cùng không”.

Và nhân viên này đã gửi đi văn bản họ có, với ý nghĩ đang trò chuyện với đồng tác giả cuốn sách.

Tuy nhiên, người đứng sau những email trên đang giả danh Musso. Kẻ ẩn danh tạo một địa chỉ email giả giống địa chỉ email thật một cách khéo léo, có họ tên của tác giả và 2 con số phía sau. Tuy nhiên, 2 con số này khác với những con số trong địa chỉ email thật của Musso. Vài giờ sau, bản thảo rò rỉ từ nhà xuất bản Đức đã được tải lên một cổng thông tin vi phạm bản quyền sách lớn.

Vào cùng ngày hôm đó, kẻ mạo danh cũng liên lạc với người dịch tiếng Anh của cuốn sách, yêu cầu họ gửi văn bản để kiểm tra một số chi tiết. Kẻ này thậm chí còn gửi email cho một nhân viên báo chí tại Mondadori, nói rằng muốn ngỏ lời phỏng vấn cho mục sách của một tờ báo Italy.

Thông điệp gửi tới Mondadori đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vì Musso thường thảo luận những nội dung tương tự qua điện thoại và thường là trong các cuộc gọi nhóm với các viên chức cấp cao trong nhà xuất bản, do tính nhạy cảm của dự án. Nhân viên báo chí này đã nhanh chóng cảnh báo ban lãnh đạo công ty về nguy cơ lừa đảo.

Mondadori ngay lập tức đưa ra cảnh báo cho tất cả nhân viên và đối tác quốc tế. Nhưng điều đó diễn ra sau khi nhân viên người Đức đã gửi đi bản thảo họ có. PRH Đức đã báo cáo sự việc với Mondadori và nhà xuất bản Italy đã đệ đơn khiếu nại về hành vi mạo danh và trộm bản thảo lên cảnh sát ở Novara, Italy.

Liên quan đến Bernardini?

Vụ trộm sách của Giáo hoàng gợi nhớ đến một loạt vụ trộm bản thảo đã làm rung chuyển thế giới xuất bản từ năm 2016 - 2022 của tên tội phạm người Italy Bernardini, kẻ thực tập ở nhiều vị trí khác nhau trong ngành xuất bản tại London và New York.

 Bernardini có thể không phải là tội phạm duy nhất. Ảnh: Air Mail.

Bernardini có thể không phải là tội phạm duy nhất. Ảnh: Air Mail.

Bernardini đã tận dụng sự am hiểu của mình để lập nên một kế hoạch phức tạp liên quan đến hàng trăm tài khoản email giả để mạo danh người thật và các thực thể trong ngành xuất bản. Tên của các tài khoản thường có một số chi tiết khác biệt khó phát hiện và với thủ thuật đó, Bernardini đã xin được bản thảo và truy cập được vào cơ sở dữ liệu của nhiều công ty sách.

Theo kết luận của tòa án vào tháng 3 năm ngoái, Bernardini chưa bao giờ hưởng lợi từ các bản thảo mà anh ta đánh cắp, anh ta chỉ thích cảm giác trở thành "một trong số ít người được đọc sách trước bất kỳ ai khác".

Đồng thời, Bernardini cũng cảm thấy oán giận vì bị loại khỏi ngành xuất bản sau một loạt các kỳ thực tập không thành công. “Tôi có một mong muốn cháy bỏng là cảm thấy mình vẫn là một trong những chuyên gia xuất bản và đọc những cuốn sách mới này”, Bernardini viết trong một lá thư gửi cho thẩm phán. Bernardini chỉ phải chịu 3 năm quản chế và phải trả 88.000 USD cho PRH để đền bù thiệt hại.

Trả lời các yêu cầu bình luận từ giới báo chí, Filippo Bernardini xác nhận rằng bản thân là "kẻ trộm bản thảo duy nhất", tuy nhiên, không đề cập đến vụ rò rỉ sách của Giáo hoàng.

Tuy nhiên, ngay cả khi Bernardini bị bắt, các hành động tìm cách đánh cắp bản thảo sách cũng chưa từng dừng lại. Cuốn sách của Giáo hoàng chỉ là nạn nhân nổi bật nhất của một cơ chế tội phạm được vận hành trơn tru và liên tục.

Nhiều nhà xuất bản và đại diện văn học xác nhận rằng những kẻ mạo danh đã sử dụng nhiều kỹ thuật giống như Bernardini để lừa đảo họ. Các hoạt động này đạt đến đỉnh điểm vào tháng 10 năm ngoái, trùng với thời gian diễn ra Hội sách Frankfurt, khi rất nhiều bản thảo mới được trao đổi và mua bán. Vào thời điểm đó, đại diện của nhà văn nổi tiếng Teresa Ciabatti nhận được một email tự xưng là tác giả này, yêu cầu người đại diện gửi lại bản thảo để kiểm tra lại. Tuy nhiên, email này đã dấy lên sự nghi ngờ và không thành công.

Vậy Filippo Bernardini có phải là người đứng sau vụ trộm sách của Giáo hoàng không? Hay đó là một kẻ ẩn danh khác đang bắt chước hành động của kẻ trộm bản thảo đình đám.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-ro-ri-tu-truyen-cua-giao-hoang-den-ky-an-lua-dao-gioi-xuat-ban-post1519597.html