Từ rừng đước rừng mai
Nhiều người cho rằng nhạc phẩm Một đời người - Một rừng cây mang tính triết lý rất sâu sắc. Cái 'triết lý sống' ấy không phải từ đâu khác mà từ chính cuộc sống đẹp đẽ của thiên nhiên, của xã hội và từ những trái tim nhân hậu của những con người đang sống và biết sống vì mọi người: Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, đặc biệt là với rừng và các loài cỏ cây đã là mối quan hệ vô cùng gần gũi, gắn bó, đặc biệt trong thơ ca dân gian Việt Nam, trong ca dao, tục ngữ, đã thể hiện hết sức sinh động, rõ nét.
Những người cao tuổi có đức độ, có tài năng, uy tín, luôn sống bao dung, rộng lượng với con người, thì gọi là cây cao bóng cả, hoặc như câu dân ca: Cây cao gió cả khó trèo, thấy đây vận bỉ lấm nghèo nên xa.
Hoặc như cây đa, bến nước luôn gắn liền với tình yêu đôi lứa, với những kỷ niệm của đời người như câu ca dao: Trăm năm đành lỗi hẹn hò, Cây đa bến cũ con đò khác đưa.
Người lớn tuổi, có uy tín trong một giới, một lĩnh vực nào đó gọi là cây đa cây đề; hoặc cây ngay không sợ chết đứng, chỉ những người ngay thẳng, trung thực không sợ những lời dèm pha, phỉ báng, bịa đặt, vu khống của kẻ xấu. Còn chương trình văn nghệ không chuyên của một đơn vị nhỏ biểu diễn giúp vui trong những ngày lễ tết thì gọi là văn nghệ cây nhà lá vườn… Cho nên cách ứng xử với thiên nhiên tốt nhất là hãy coi thiên nhiên, hãy coi cỏ cây như những người bạn, người thân. Hãy sa vào lòng thiên nhiên như trẻ thơ sa vào lòng mẹ để nghe thiên nhiên kể lể, chuyện trò. Đừng tàn ác với thiên nhiên! Nó sẽ trả thù khủng khiếp.
Càng đi sâu tìm hiểu đặc điểm của một số loài cây, ta thấy ở chúng có nhiều điều thú vị, diệu kỳ. Chẳng hạn như cây chò nâu ở Phú Thọ, thân tròn, mọc thẳng, bao giờ nó cũng vươn cao hơn bất cứ loài cây nào khác cùng mọc gần nó ở trong rừng. Cây chò nâu là một trong những loài cây quý hiếm được đem từ Phú Thọ về trồng trên đường Hùng Vương trước Lăng Bác và cái ý nghĩa ấy thật sâu sắc, thâm thúy biết bao!
Nếu như vì quy luật sinh tồn mà cây chò nâu ở Phú Thọ phải vươn cao hơn các loài cây khác để hấp thụ ánh nắng mặt trời cho sự sống, thì những vùng đất ngập mặn quanh năm ở Nam bộ lại là những nơi thích hợp nhất để cây đước sống và sinh sôi, nảy nở “thành tập đoàn”, thành rừng xanh bát ngát vì ở những nơi ấy ít có loài cây nào sống được. Chẳng hạn như rừng đước ở Cần Giờ, được mệnh danh là lá phổi xanh của Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc điểm của cây đước là phải “trồng gần nhau thì thân lên mới cao và thẳng, rất hữu dụng. Nếu trồng xa nhau thì thân lên sẽ thấp, cành lá um tùm, rất ít hữu dụng” (lời của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Đước có hoa vàng trổ thành hạt, hạt nẩy mầm ngay trên cây, khi nước cạn, hạt mầm rụng xuống cắm vào đất và mọc thành rừng đước con, lớn lên thành rừng. Mỗi cây đước có rất nhiều rễ bám sâu xuống đất. Rễ đước bám đất rất chắc, giữ cho đất khỏi bị sóng biển xâm thực. Ngoài ra vỏ cây đước còn dùng để nhuộm hay thuộc da, cũng như bào chế thành thuốc để chữa bệnh thiếu máu rất tốt.
Nhờ biết đi sâu vào cuộc sống, gắn bó mật thiết với cuộc sống, với nhân dân, biết học hỏi ở nhân dân; biết yêu quý thiên nhiên, yêu quý con người một cách mãnh liệt, chân thành thì chúng ta mới thấy hết được vẻ đẹp một cách sống động và huyền nhiệm của thiên nhiên, của những con người đang hăng say lao động và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Chính những đặc điểm trên đây của cây đước, có thể là cây đước bộp, hay cây đước xanh cũng thế, đã đem lại cho tác giả một chủ đề văn học và âm nhạc một trong những hình tượng độc đáo có giá trị tư tưởng thẩm mỹ trong tác phẩm.
Là một người đã từng tham gia các phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam trước đây, thực tiễn đã cho thấy rõ là: Nơi nào có một cán bộ cốt cán thì nơi đó có phong trào hành động cách mạng. Trong văn học nghệ thuật thực tiễn ấy được phản ánh vào trong tác phẩm bằng tư duy hình tượng: Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương.
Từ ý tưởng và âm điệu của đoạn nhạc, nó đã gợi mở cho chúng ta quá trình từ tư duy lý tính đến thực tiễn sinh động, và thực tiễn sinh động ấy đã tác động trở lại đối với tư duy và nhận thức cũng như đối với tình cảm và ý thức thẩm mỹ, đặc biệt là sự tự ý thức của mỗi một chủ thể cảm thụ thẩm mỹ như đang chiêm nghiệm từ chính bản thân mình: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?.
Ở đây, có một điều mà chúng ta cần lưu ý là tác giả đã cố ý sử dụng thủ pháp “đối tỷ xếp cạnh” trong cách viết lời ca, đặc biệt trong đoạn (a) của tác phẩm, nhằm tạo sự tương phản nhưng rất gắn bó giữa hai khái niệm “một đời người - một rừng cây”, tác giả đã cá tính hóa hoặc đã nhân cách hóa rừng cây thành một đời người, mỗi một thân cây là mỗi một con người. Một rừng cây đước hay “một tập đoàn” cây đước cũng như một xã hội loài người hay “một tập đoàn” người, đều có những nét tương đồng. Đây là một kiểu nhận thức đối tượng một cách toàn vẹn và hoàn toàn cảm tính. Đó chính là đặc điểm của nhận thức nghệ thuật, nhận thức cảm tính. Không giống như tư duy và nhận thức khoa học, chỉ tư duy bằng khái niệm. Mặc dù giữa khoa học và nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật âm nhạc luôn có mối quan hệ hữu cơ, tác động, thúc đẩy lẫn nhau: Khi nghĩ về một đời người - Tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ về rừng cây - Tôi thường nhớ về nhiều người…
Những con người trẻ trung ấy đang đứng nơi tuyến đầu Tổ quốc, nơi biên giới, hải đảo xa xôi! Từ những nơi ấy, họ đã trưởng thành và đã trở thành cao cả, vì họ đang chiến đấu cho một lý tưởng cao cả: Độc lập dân tộc - và toàn vẹn lãnh thổ. Thực tiễn cũng đã cho ta thấy rằng: Nếu không có sự chiến đấu và sự hy sinh cao cả của các bậc cha anh đi trước thì sẽ không có các lớp cháu con trẻ trung, đẹp đẽ như ngày hôm nay: Và em như cụm lan mọc, từ những cành cổ thụ già kia!
Trên đây, chúng ta vừa nghĩ suy về đời người như rừng tràm, rừng đước ở miền Nam, như rừng cây đại thụ bạt ngàn ở Trường Sơn. Và phần cuối cùng của tác phẩm là nghĩ về đời người như một rừng mai nở ở vùng biên giới đồng bằng… Rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân. Chính câu kết này đã gây nhiều suy nghĩ, tưởng tượng, thắc mắc trong nhiều người yêu mến, quan tâm đến ca khúc này. Họ hỏi rằng: Tại sao mai lại nở vào chiều xuân, mà không nói là “rạng rỡ như rừng mai nở ngày xuân hay mùa xuân?”. Chắc là tác giả đã “bí lời” và dùng kiểu cưỡng ý, gượng gạo như thế?!
Có thể đúng như vậy. Nhưng đó là cái đúng của những suy diễn theo thông tục. Đó là cái đúng của cuộc sống thật. Còn cái đúng trong tác phẩm nghệ thuật là cái đúng của cuộc sống “gần như thật”, chứ không phải cuộc sống thật. Nếu bê nguyên xi “cuộc sống thật” vào tác phẩm thì sẽ rơi vào điều cấm kỵ là tự nhiên chủ nghĩa và “tác phẩm” ấy không còn là tác phẩm nghệ thuật nữa. Một tác phẩm chỉ thật sự có giá trị nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ khi tác phẩm ấy phản ảnh một cách trung thực hiện thực cuộc sống của xã hội, của thời đại mà mình đang sống vào tác phẩm thông qua một hệ thống hình tượng được sáng tạo từ năng lực và bản lĩnh thẩm mỹ của tác giả trong tư duy và trong cảm xúc thật dào dạt, chân thành.
Rừng mai đang nở, ở đây, có thể có thật và không có thật. Nhưng những người lính, những “anh bộ đội Cụ Hồ” đang ngày đêm canh giữ đất trời Tổ quốc là có thật.
Ôi, những buổi chiều tà, hay những buổi chiều hôm nắng quái đã từng hiện hữu trong ca dao, tục ngữ Việt Nam: Gái thương chồng đương đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm.
Buổi chiều tà rồi sẽ đi vào đêm tối trong chốc lát thôi. Đêm tối sẽ đồng lõa với cái ác, cái phi nghĩa, phi nhân đang rình rập, đợi chờ gieo tai họa từ bên kia biên giới của đất trời Tổ quốc, nhưng những “anh bộ đội Cụ Hồ” trẻ trung vẫn đang vững vàng tay súng, vẫn rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân để bảo vệ vững chắc cho những vườn mai quê nhà sẽ an bình nở rộ từ những buổi sáng mùa xuân với nắng hồng rực rỡ.
Giai điệu của nhạc phẩm Một đời người - Một rừng cây dựa trên điệu thức Dorian là một trong bảy điệu thức cổ vốn đã có từ thời cổ đại Hy Lạp. Điệu thức Dorian khá gần gũi với điệu thức Rê 5 âm dạng IV (Rê Oán) trong dân ca Nam bộ, đặc biệt là cả hai điệu thức đều có quãng 6 trưởng. Nhưng để tăng cường cảm xúc và màu sắc hòa âm, tác giả đã sử dụng quãng một cách linh hoạt, khi thì quãng sáu thứ (La-Fa bình), khi thì quãng 6 trưởng (La-Fa thăng).
Cùng với việc vận dụng các điệu thức Dorian và điệu thức Rê Oán trong dân ca Nam bộ, các nốt luyến, láy cho sát hợp với ngữ điệu của giọng nói đã tạo nên một âm điệu mang tính dân tộc sâu sắc, hết sức gắn bó với lời ca, càng làm cho hiệu quả nghệ thuật dễ đi vào lòng người. Hiệu quả ấy sẽ càng phát huy tác dụng nếu ca sĩ biết bộc lộ toàn bộ cảm xúc tinh thần của mình qua tiết tấu mang tính chậm rãi, tự sự, kể lể, tự do diễn cảm.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tu-rung-duoc-rung-mai-641974.html