Tủ sách nhỏ bên mái đình làng

Đêm lạnh, gió cuộn lên từng đợt bên phía hồi trái căn nhà. Mỗi khi có gió thổi qua, cánh cửa sổ lại rung lên bần bật như có ai lắc mạnh. Ngay sát bên cửa sổ đầu hồi, dưới ánh đèn sợi đốt leo lét, bố tôi cẩn thận vuốt lại từng cuốn sách cho phẳng mép rồi xếp gọn vào đáy thùng tôn.

Ngày mai, số sách mà bố tôi trân quý bao năm qua sẽ được mang ra đình đóng góp vào tủ sách của làng. Tôi hỏi bố: "Phải xa những cuốn sách quý, bố có thấy tiếc không?". Bố xoa đầu tôi, cười: "Bố sẽ trông coi tủ sách của làng nên không thể gọi là xa được. Thêm nữa, sách hay của mình có cơ hội đến được với nhiều người đọc thì mới có ý nghĩa con ạ!".

Ngày hôm sau, bố tôi dậy từ sớm, chằng buộc thùng sách thật chặt sau yên xe. Bố dắt xe đạp đi trước, tôi bước thấp bước cao đi sau. Trong lòng vẫn còn ấm ức khi bị bố "vận động" tặng mấy cuốn sách hay của mình cho làng. Con đường làng gạch nung già lát nghiêng đều tăm tắp, qua mưa nắng vẫn giữ nguyên màu đỏ sậm. Thi thoảng gặp những đoạn rãnh nhỏ, bánh xe nảy lên làm những cuốn sách trong thùng tôn kêu lọc xọc. Qua ngã ba đầu làng, chúng tôi gặp bà Minh vừa ra đồng dẫn nước máng về. Vai vác cuốc, quần xắn móng lợn, bà chào bố con tôi: "Hai bố con mang sách ra đình đấy à. Vậy là từ mai những đứa trẻ trong làng có thêm điều kiện được học tập, giải trí thuận lợi rồi. Tủ sách ấy là quý lắm đấy ông ạ!". Bố tôi chào đáp lại: "Vâng, ngày mai mời bà và các cháu ra đình cùng khai trương tủ sách mới của làng ạ!". Tôi hết ngước sang bà Minh lại ngước sang bố, lòng chộn rộn niềm vui khi nhận ra số sách của mình thật sự có ý nghĩa. Cũng sau giờ phút ấy, tôi quên hết mọi ấm ức, khấp khởi bước theo bố.

Đình làng nằm tách biệt với khu dân cư, án ngữ ngay đầu làng. Con đường ra đình chạy ven cánh đồng, nơi những thửa ruộng đang thảnh thơi nằm phơi những luống cày thẳng tắp. Trên con đường ấy, mọi người bắt đầu lục đục kéo nhau ra đình. Người góp công, người góp của, mỗi người đều dành sự quan tâm đến tủ sách mới của làng. Chiếc tủ nhôm kính mới dựng lên, đủ để chứa những cuốn sách được mang ra ủng hộ. Chúng tôi sắp xếp cẩn thận từng cuốn sách đã phân loại riêng theo đúng các mục được dán chữ trên từng ô: Sách văn học Việt Nam, sách văn học nước ngoài, sách nuôi trồng, sách khoa học-kỹ thuật, truyện tranh, báo, tạp chí,…

Sáng sớm ngày hôm sau, lũ trẻ nhỏ háo hức theo ông bà, bố mẹ ra đình dự lễ khai trương tủ sách mới. Những đôi mắt trẻ thơ cuốn hút theo từng ô cửa kính trưng bày. Bác trưởng thôn đứng lên có đôi lời với bà con về mục đích, ý nghĩa và cảm ơn những người trực tiếp đóng góp vào tủ sách của làng. Bố tôi sau khi đứng lên nhận trách nhiệm trông nom tủ sách cũng giới thiệu một số quy định khi tham gia mượn và đọc tại phòng đọc sách của làng.

Những chiếc bàn gỗ xoan sơn thẫm màu mọi khi chỉ dành cho những cuộc họp quan trọng nay được tận dụng cho việc đọc sách. Bàn vẫn kê như mọi ngày, cứ hai bàn quay đầu vào nhau, được 3 cặp dãy bàn như thế thì vừa sát đến cuối dãy nhà. Mọi người sau khi mượn được cuốn sách mình yêu thích đều mang ra bàn ngồi đọc. Góc bàn này, những người lớn tuổi trầm ngâm ngồi đọc, thi thoảng chỉ cho nhau những nội dung mình tâm đắc. Góc bàn bên kia, lũ trẻ có vẻ không thích việc đọc sách một mình. Một cuốn sách mà hai, ba đứa chụm đầu vào nhau đọc. Có đứa vừa bị cốc đầu vì tội đọc nhanh không đợi đám bạn. Chiếc ghế dài bằng gỗ xô nghiêng, gõ vào bàn lộc cộc mỗi khi lũ trẻ quây vào nhau để giữ trang sách đọc dở...

Từ khi làng có tủ sách mới, nếp sống sinh hoạt của người dân trở nên phong phú hơn hẳn. Mỗi khi đến giờ mở cửa vào các buổi chiều trong ngày và cuối tuần, khuôn viên đình làng lại nhộn nhịp, đông vui hơn. Nhiều đứa trẻ còn xin phép ông bà, mang sách vở ra đình làng để học nhóm đồng thời tranh thủ mượn sách đọc thêm. Người ta kể với nhau nghe mùa đông này, mái đình làng dường như gần gũi và ấm áp hơn từ khi có tủ sách nhỏ nhắn ấy.

NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tu-sach-nho-ben-mai-dinh-lang-569134