Mở đầu bài viết, Sohu nhắc lại rằng Mi-8AMTSh (hay Mi-171Sh trong phiên bản xuất khẩu), là một cải tiến của máy bay trực thăng vận tải đa dụng nổi tiếng Liên Xô Mi-171, được đưa vào hoạt động từ đầu những năm 1990.
Chiếc máy bay lên thẳng này được thiết kế để vận chuyển số lượng lên đến 16 lính dù, sơ tán thương binh, mang theo hàng hóa nặng 4.000 kg, tiêu diệt nhân lực, công sự và xe bọc thép của đối phương, tiến hành các hoạt động trinh sát, cứu hỏa, tìm kiếm và cứu nạn.
Như có thể thấy, chiếc trực thăng này thuộc loại đa dụng và có khả năng phục vụ trong nhiều lĩnh vực rất cần thiết, cả trong lực lượng vũ trang cũng như trong đời sống dân sự.
Máy bay trực thăng Mi-171Sh đã được Nga tích cực xuất khẩu sang các nước khác. Chúng đang phục vụ cho quân đội của nhiều quốc gia, bao gồm Angola, Iran, Iraq, Sudan, Peru, Bangladesh, Việt Nam...
Theo ước tính, các quốc gia nói trên có phi đội Mi-171Sh trung bình từ 2 - 4 chiếc, cao nhất đến 10 - 12 chiếc. Nước giữ kỷ lục về số lượng Mi-171 đang phục vụ chính là Trung Quốc.
Tính đến năm 2016, họ đang sở hữu 144 trực thăng Mi-171Sh, ngoài ra không quân Trung Quốc đã mua khoảng 300 trực thăng Mi-17/171 kể từ đầu những năm 1990.
Tuy nhiên kể từ năm 2014, Trung Quốc đã không mua trực thăng của Nga nữa. Điều này là do sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo máy bay trong nước.
Trong những thập kỷ qua, Trung Quốc đã có bước tiến vượt bậc trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và chế tạo máy bay cũng không nằm ngoài danh sách trên, họ đã mua các trực thăng Z-18 / Z-8G, Z-20, Z-8L do chính mình sản xuất để cung cấp cho Quân Giải phóng Nhân dân.
Do vậy đáng ngạc nhiên là Bắc Kinh mới đây lại quyết định mua thêm một lô trực thăng thế hệ mới của Nga. Các máy bay lên thẳng này dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2022.
Theo Sohu, giới chức quân sự Trung Quốc quyết định thực hiện bước đi như vậy vì những lý do nhất định. Vấn đề nằm ở chỗ không có trực thăng nào do họ sản xuất có thể được coi là người kế nhiệm xứng đáng cho Mi-171.
Cụ thể, tính năng hoạt động của Z-8L kém hơn so với trực thăng Nga và khả năng phòng thủ của nó thậm chí còn tệ hơn nữa.
Ngay cả trực thăng đa năng Z-20, các thông số đưa ra có vẻ như không thua kém máy bay Nga, nhưng trên thực tế lại không thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ mà trực thăng Mi-171 vẫn đang đảm nhiệm.
Chính vì yếu tố trên, tờ báo của Trung Quốc kết luận rằng chỉ chiếc trực thăng thế hệ mới của Nga mới có thể trở thành khí tài kế nhiệm tốt nhất cho những máy bay lên thẳng nguồn gốc Liên Xô/Nga mà nước này đang sử dụng.
Một lợi thế khác của trực thăng Nga là giá thành tương đối thấp. Theo tờ báo Trung Quốc, một chiếc Mi-171Sh sẽ có giá 6 triệu USD. Để so sánh: Mỹ đã cung cấp trực thăng UH-60M Black Hawk cho Latvia với mức giá 50 triệu USD, tức là gấp gần 10 lần.
Kể từ khi việc sản xuất hàng loạt Mi-171 được thiết lập tại nhà máy ở Ulan-Ude, gần biên giới Trung Quốc, sẽ không có trở ngại nào cho việc chuyển giao lô trực thăng hiện đại hóa cho Bắc Kinh, Sohu kết luận.
Bạch Dương