Từ sự cố YouTube, vốn hóa Yeah1 bốc hơi gần 2.000 tỷ
4 phiên giảm sàn liên tiếp khiến vốn hóa Tập đoàn Yeah1 'bốc hơi' hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi YouTube cho rằng đây là sai lầm lặp lại.
Hầu hết báo cáo của các công ty chứng khoán trước ngày 1/3 đều có những nhận định tích cực về cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1. Tuy nhiên, sau một văn bản của YouTube về việc chấp dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung với Yeah1 được công bố ngày 3/3, hầu hết dự báo tích cực cùng khuyến nghị mua vào cổ phiếu này đã sai cho đến nay.
Trong tuyên bố mới nhất gửi Zing.vn, YouTube cho biết: "Chúng tôi quyết định thực thi các quyền trong hợp đồng và chấm dứt quan hệ hợp tác với một số mạng lưới đa kênh cùng với các công ty con của họ. Những công ty này bị phát hiện lặp lại các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của chúng tôi. Chúng tôi cần đảm bảo sự an toàn cho người xem cũng như những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube".
Gần 30% vốn hóa bị "thổi bay" sau một thông tin
Phiên giao dịch ngày 7/3, đánh dấu phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp của mã YEG (mã cổ phiếu của Yeah1).
Trên thị trường, YEG tiếp tục bị nhà đầu tư bán tháo với giá sàn 183.400 đồng/cổ phiếu, giảm 13.800 đồng so với ngày hôm qua.
Chỉ tính từ đầu tuần, YEG đã mất 28% thị giá, vốn hóa công ty cũng sụt giảm từ mức 7.600 tỷ trước đó, xuống chỉ còn hơn 5.700 tỷ hiện tại, giảm gần 2.000 tỷ.
Điểm khác biệt của phiên giảm sàn hôm nay là đã có dòng tiền khá lớn “nhảy” vào bắt đáy cổ phiếu này.
Cụ thể, trong 3 phiên giảm sàn trước đó (4-6/3), tổng lượng cổ phiếu YEG được giao dịch chỉ là 47.430 đơn vị, lượng dư bán xấp xỉ 400.000 đơn vị. Nhưng riêng phiên hôm nay, có 470.780 cổ phiếu YEG được khớp lệnh giao dịch, hầu hết trong đó ở giá sàn 183.400 đồng.
Khối lượng giao dịch của riêng hôm nay cao gấp 50 lần trung bình 10 phiên gần nhất, và nhiều hơn tổng lượng cổ phiếu khớp lệnh từ đầu năm 2019.
Hiện tại, vẫn còn gần 200.000 cổ phiếu YEG trong tình trạng trắng bên mua, hầu hết số này đều nằm ở giá thấp nhất biên độ.
Một chuyên gia phân tích cho biết không phải chưa từng xảy ra, nhưng một công ty có vốn hóa hơn 7.600 tỷ như Yeah1, chỉ vì một thông tin đã bị giảm gần 30% vốn hóa không thường xuyên xảy ra.
Việc tác động tới 4 phiên giảm sàn liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại cho thấy thông tin này có thể là trọng yếu liên quan tới kết quả kinh doanh của YEG.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng nếu nhà đầu tư chưa nắm giữ cổ phiếu này việc tốt nhất nên làm hiện tại là quan sát, còn đối với người đang nắm giữ thì cần phải xem xét nhiều yếu tố và mức chấp nhận lỗ lãi, kỳ vọng của bản thân để ra quyết định.
Tuy nhiên vị này khẳng định thị giá của YEG từ trước đã bị đánh giá là cao so với giá trị thật.
Sự cố YouTube ảnh hưởng đến Yeah1 thế nào?
Trong báo cáo kết quả kinh doanh trước đó, Yeah1 cho biết mảng kinh doanh kĩ thuật số trên YouTube và xuất bản nội dung số tăng trưởng 93,1% trong năm 2018, và chiếm lần lượt 55,6% doanh thu và 88,6% lợi nhuận của tập đoàn.
Tuy nhiên, trong thông báo hôm 3/3, tập đoàn này lại công bố mảng YouTube MCN chỉ đóng góp vào khoảng 13% lợi nhuận sau thuế, tương đương 1 triệu USD của năm vừa qua.
Phân tích kỹ hoạt động kinh doanh của Yeah1 cho thấy, tại mảng Kỹ thuật số của mình, Yeah1 có hai lĩnh vực chính là Kinh doanh trên YouTube và Xuất bản nội dung số.
Trong đó, mảng kinh doanh trên YouTube năm vừa qua mang về cho tập đoàn 27,8% doanh thu và 51% lợi nhuận sau thuế.
Hoạt động này lại chia ra thành 2 nhánh, gồm Bán hàng trực tiếp (với phần lớn doanh thu đến từ tài trợ trực tiếp quảng cáo sản phẩm trong video, hợp tác B2B trong sản xuất nội dung) và YouTube MCN (quản lý các kênh YouTube).
Sự cố lần này có liên quan trực tiếp tới mảng YouTube MCN. Trong đó, đội ngũ này duy trì 2 hoạt động gồm quản lý các kênh tự sở hữu và quản lý kênh của bên thứ 3.
Theo đó, mô hình hoạt động của 2 loại YouTube MCN khá tương đồng, cùng nhận được 55% doanh thu quảng cáo từ YouTube. Tuy nhiên, YouTube MCN phải chia lại 70-95% doanh thu với các kênh của bên thứ ba, trong khi được giữ lại 100% với các kênh tự sở hữu.
Chính vì vậy, việc quản lý các kênh tự sở hữu mang về biên lợi nhuận cao hơn nhiều lần với biên lợi nhuận lên tới 50-70%, trong khi quản lý các kênh của đối tác trung bình chỉ khoảng 8%.
Như năm 2018, tổng doanh thu từ YouTube MCN là 309 tỷ đồng (13,3 triệu USD), trong đó 1,35 triệu USD từ các kênh YouTube tự sở hữu và 11,95 triệu USD từ các kênh của bên thứ ba. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng sau thuế liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube của bên thứ ba chỉ vào khoảng 1 triệu USD, tương đương 12,9% tổng lợi nhuận sau thuế của tập đoàn.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tu-su-co-youtube-von-hoa-yeah1-boc-hoi-gan-2000-ty-post923158.html