Tự sự của một 'Nhà Thái học'
Nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình, bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An được nhiều người gọi là nhà Thái học. Ông thành công với nhiều lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai - Tay (chữ Thái Quỳ Châu), sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái và cho ra đời gần chục đầu sách có giá trị.
Trên tất cả là lòng đam mê
Ông Sầm Văn Bình nhớ lại: “Do là trưởng họ nên từ nhỏ bố tôi đã yêu cầu tôi phải nghe ngóng, xem xét tất cả mọi việc liên quan đến phong tục tập quán của đồng bào Thái. Thứ nhất là để mình dùng cho bản thân mình, cho gia đình mình. Thứ hai là để dùng cho cộng đồng... từ sự chỉ bảo của cha, tôi bắt đầu ghi chép, tìm hiểu và cố gắng nắm bắt hết tất cả những tâm linh, phong tục tập quán”. Sau đó, càng tìm hiểu ông càng thấy hay và bắt đầu đam mê. Việc ghi chép cũng giúp ông đến gần hơn với chữ Thái Lai - Tay. Chẳng hạn, khi ghi chép lại các bài cúng của các thầy mo, ông tò mò muốn biết bài cúng ấy nói gì, viết gì, đặc biệt là các từ cổ. Thế rồi, tích lũy dần ông bắt đầu chuyển sang nghiên cứu chữ Thái. Ban đầu cũng khó khăn lắm, nhiều thứ ông phải học lại từ đầu. Sau này ông được mời tham gia Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ chữ Thái ở Châu Cường và đảm nhận công việc biên soạn tài liệu hướng dẫn và truyền dạy, phổ biến chữ Thái tại Câu lạc bộ. Tiếp đó, ông lại được Phòng Công Thương huyện Quỳ Hợp khuyến khích làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mang tên “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy, học chữ Thái hệ Lai - Tay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An”. Sau này, ông lại được tỉnh chọn phát triển đề tài thành Dự án “Mở rộng mô hình dạy học chữ Thái hệ Lai - Tay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An”. Năm 2017, Đề tài này đã được tặng giải xuất sắc trong cuộc thi Sáng tạo khoa học Công nghệ của tỉnh Nghệ An.
Qua dự án này, ông cũng nghiên cứu và thiết kế thành công 5 font chữ Thái cài đặt để đánh chữ Thái trên máy tính. Đó là các font chữ Thái thuộc các hệ chữ Thái Lai - Tay, Lai - Xư - Thanh và Lai - Pao được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái của tỉnh Nghệ An. Các font chữ này hiện đang được sử dụng cho chuyên mục “Bảo tồn vốn cổ” của báo Nghệ An cuối tuần. Đặc biệt, thông qua đề tài này, ông đã biên soạn xong bộ Tài liệu dạy học chữ Thái và in được Bộ sách dạy học chữ Thái hệ Lai- Tay gồm 5 cuốn theo từng chủ đề và được sử dụng rộng rãi ở các lớp học chữ Thái hiện nay...
Nếu là việc tốt thì hãy làm
Dù từng tốt nghiệp Trường Đại học Đường thủy (Đại học Hàng hải ngày nay) nhưng ông Sầm Văn Bình với niềm đam mê đã đi theo con đường nghiên cứu… Hàng ngày ông vẫn miệt mài với những chuyến đi, từ nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy văn hóa Thái. Với riêng chữ Thái thì ông cơ bản hài lòng vì đã làm được khoảng 90% mục tiêu đặt ra. Hiện, việc truyền dạy chữ Thái của ông được tiến hành song song ở cả ba kênh: Trực tiếp dạy theo kế hoạch của Câu lạc bộ chữ Thái hoặc của UBND xã (như Châu Cường, Châu Quang); dạy tại lớp đào tạo giáo viên cho Dự án Lai - Tay và các lớp cộng đồng; dạy chữ Thái theo kế hoạch của các Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và ở Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện: Quỳ Hợp, Anh Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông…
Thực hiện mục tiêu của Dự án về truyền dạy chữ Thái, ông cũng đào tạo được 10 giáo viên có thể truyền dạy chữ Thái trong cộng đồng. Từ cuối năm 2018 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đang làm hồ sơ đề nghị đưa chữ Thái thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông cũng tin rằng bên cạnh chữ Thái, ngôn ngữ Thái và rất nhiều giá trị truyền thống khác, kể cả của dân tộc Thái và các dân tộc khác bằng cách này hay cách khác, cũng đang được những người tâm huyết giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
“Điều tôi mong muốn hiện nay, là sẽ có nhiều hơn nữa những bạn trẻ tiếp cận với chữ Thái và văn hóa Thái. Tuy vậy, điều này có lẽ còn nhiều khó khăn vì lớp trẻ chủ yếu đi làm ăn xa, không có nhiều điều kiện để tiếp cận với phong tục tập quán của dân tộc”, ông Sầm Văn Bình trăn trở.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-su-cua-mot-nha-thai-hoc-131629.html