Từ sự kết thúc của Chiến tranh lạnh đến thách thức hiện tại của Mỹ
Cuộc Chiến tranh Lạnh khép lại cách đây 30 năm khởi nguồn từ một 'Bức điện dài' sau Thế chiến thứ hai, giúp nước Mỹ hạ bệ Liên Xô. Lúc này, một luận thuyết mới đang được hình thành từ ý tưởng của 'bức điện dài' trong quá khứ, khi Trung Quốc nổi lên là một thách thức mới đối với Mỹ.
Bài liên quan
Học thuyết của Joe Biden: 5 trụ cột chiến lược và 3 dấu hỏi nghi ngờ
Một tháng đầu tiên của Tổng thống Joe Biden: Đập là chính, xóa hết dấu vết của Trump
Vấn đề Trung Quốc của Joe Biden: Tách rời hay tái ghép nối cạnh tranh?
Cái tên bí ẩn George Kennan và xuất xứ “Bức điện dài”
Vào ngày 22 tháng 2 năm 1946, một nhân viên Sở Ngoại giao cấp thấp ngồi trong Đại sứ quán Mỹ ở Moscow đã gửi về nước một công văn. George Kennan, nhà ngoại giao Hoa Kỳ, khi đó chắc chắn không biết rằng “Bức điện dài” với 8.000 từ của ông gửi tới Washington 75 năm sau vẫn được coi là văn bản nền tảng của Chiến tranh Lạnh.
Kennan viết trong bối cảnh lo lắng sau Thế chiến thứ hai, vào thời điểm mà châu Âu nằm trong đống đổ nát, khi các khu vực khác trên thế giới đang thoát khỏi ách thống trị của các đế quốc châu Âu và khi chính Hoa Kỳ đang cân nhắc vai trò tương lai của mình trong các vấn đề quốc tế.
Một số đồng nghiệp của Kennan trong Bộ Ngoại giao Mỹ coi việc ăn ở và chung sống với Liên Xô, một đồng minh thời chiến, là con đường cần thiết để tiến tới tương lai. Tuy nhiên, Kennan đã nhìn nhận mọi thứ theo cách khác.
Trong bức điện tín của mình, Kennan đã đưa ra một cái nhìn rõ ràng về các mục tiêu và hoạt động của Liên Xô và cho rằng cuối cùng nó sẽ sụp đổ dưới sức nặng từ những mâu thuẫn của chính nó.
Ông cho rằng chế độ Stalin cần phải nhìn thế giới bên ngoài theo những điều kiện thù địch là một cái cớ quan trọng “cho chế độ độc tài mà họ không biết cách cai trị, vì những sự tàn ác mà họ không dám gây ra, vì sự hy sinh mà họ cảm thấy bị ràng buộc phải đòi hỏi”.
Theo lời của nhà sử học Chiến tranh Lạnh, John Lewis Gaddis, bức điện tín đã trở thành “cơ sở cho chiến lược của Hoa Kỳ đối với Liên Xô trong suốt phần còn lại của Chiến tranh Lạnh”.
Chưa đầy một tháng sau, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã có bài phát biểu tại Fulton, Missouri, Hoa Kỳ, chỉ ra nhiều nước châu Âu lúc bấy giờ thuộc “khu vực Liên Xô” và tuyên bố rằng “một bức màn sắt đã phủ xuống khắp lục địa”, ám chỉ một sự chia cắt châu Âu thành hai khu vực riêng rẽ, giữa Tây Âu và Đông Âu.
Quan điểm của Kennan đưa ra trong bức điện tín nói về “sự ngăn chặn” cái mà Mỹ gọi là chủ nghĩa bành chướng của Liên Xô, bằng cách triển khai quân đội Mỹ trên khắp toàn cầu thay cho chính sách gây áp lực chủ yếu bằng kinh tế và chính trị. Điều này dẫn đến học thuyết Truman nhằm ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản được thông qua năm 1947 mà thế giới biến đến sau đó.
Di sản của Kennan đã phủ bóng lên chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều đó luôn đúng ở bất kỳ thời điểm nào trong ba phần tư thế kỷ qua. Nhiều thế hệ các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã nghiên cứu về “Bức điện dài” để rút ra các bài học cho thời điểm cụ thể của họ.
Một người đi bộ đi ngang qua xe tăng T-34 tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Liên Xô ở Berlin vào ngày 8 tháng 2 năm 2021 - Ảnh: Filip Singer / EPA-EFE
Ý tưởng của “Bức điện dài hơn”
Tháng trước, Hội đồng Đại Tây Dương đã xuất bản cái mà họ gọi là “Bức điện dài hơn”, một luận thuyết do một cựu quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ, kêu gọi một chiến lược toàn diện để chống lại Trung Quốc và để các nhà hoạch định chính sách tiếp tục “tập trung vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, nhắm đến "nội bộ xung quanh ông ấy và bối cảnh chính trị Trung Quốc mà họ chỉ đạo”.
Báo cáo kết luận, mục tiêu của Hoa Kỳ phải là một kịch bản mà Hoa Kỳ và các đồng minh thân cận của họ “tiếp tục thống trị cán cân quyền lực khu vực và toàn cầu trên tất cả các chỉ số quyền lực chính” vào giữa thế kỷ này.
Hơn nữa, báo cáo nhận định, sau kỷ nguyên ông Tập theo đường lối cứng rắn Trung Quốc có thể sẽ được “thay thế bằng một ban lãnh đạo đảng ôn hòa hơn”, và sẽ có những dấu hiệu cho thấy công chúng Trung Quốc đã sẵn sàng cho một xã hội tự do hơn trong tương lai.
Đây là một nhiệm vụ quá nặng nề và “Bức điện dài hơn” đã nhận được phản hồi có thể dự đoán được từ nhiều phía khác nhau. Các quan chức và phương tiện truyền thông Trung Quốc coi nghiên cứu này là một "cuộc tấn công ác ý", trong khi một số chuyên gia ở Washington chỉ ra những sai sót trong phân tích của họ, bao gồm cả việc cường điệu hóa mối đe dọa ý thức hệ mà Bắc Kinh gây ra cho trật tự toàn cầu, và quá chú trọng vào hồ sơ cụ thể của ông Tập để thần thánh hóa hoạt động của hệ thống chính trị của Trung Quốc.
Tác giả ẩn danh của báo cáo nhận thức rằng thời gian đã thay đổi. “Khi George Kennan viết ‘bức điện dài’... với phân tích của ông ấy tập trung vào điều gì cuối cùng sẽ khiến Liên Xô thất bại, ông ấy cho rằng mô hình kinh tế của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thành công theo cách riêng của mình”, tác giả viết.
“Sự khác biệt giữa lúc đó và bây giờ là giả định không còn có thể được thực hiện. Nhiệm vụ trước mắt không chỉ dừng lại ở việc giải quyết các lỗ hổng nội bộ của Trung Quốc, mà còn mở rộng sang các lỗ hổng của Hoa Kỳ. Nếu không làm cả hai, Hoa Kỳ sẽ thất bại”.
Tổng thống Biden và các đồng minh của ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chính sách đối ngoại của họ bắt đầu từ trong nước. Nhưng họ cũng phải đối mặt với bầu không khí chính trị nóng bỏng ở Washington, nơi các cuộc nói chuyện về sự cạnh tranh siêu quyền lực với Trung Quốc diễn ra thường xuyên và ngày càng mang tính lưỡng đảng, tức là thu hút sự quan tâm của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp thượng đỉnh - Ảnh: AP
Chiến tranh lạnh phiên bản 2.0 có thể xảy ra?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bao gồm cả các học giả về di sản của Kennan tỏ ra thận trọng với việc áp dụng cùng một logic Chiến tranh Lạnh cho thách thức hiện tại.
Thomas Graham, cựu cố vấn của Nhà Trắng về các vấn đề Nga trong chính quyền George W. Bush, cho rằng, Trung Quốc đại diện cho “một loại thách thức chiến lược mà Mỹ chưa từng đối mặt trước đây, một đối thủ ngang hàng cạnh tranh trên mọi khía cạnh quyền lực”.
Ông Graham đã phát biểu tại một sự kiện trực tuyến nhân kỷ niệm 75 năm “Bức điện dài” hôm thứ Năm (25/2), được tổ chức bởi Viện Kennan tại Trung tâm Wilson.
“Thế giới không còn lưỡng cực nữa”, Graham nói với Today’s WorldView khi đề cập đến động lực của Chiến tranh Lạnh đã choán phần lớn thế kỷ 20. "Và những lựa chọn thay thế cho quyền bá chủ của Mỹ - hay vai trò lãnh đạo, như ông Biden sẽ có - rõ ràng không tệ hơn".
Trong khi đó, Daniel H. Nexon, một giáo sư về chính phủ tại Đại học Georgetown đánh giá, các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch virus Corona và biến đổi khí hậu buộc Washington và Bắc Kinh phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự nhau.
“Tất cả những vấn đề này đòi hỏi phải có các giải pháp hợp tác, chứ không phải làm sâu sắc thêm sự cạnh tranh một cách không cần thiết”, ông viết. “Khi được áp dụng như một mô hình nền tảng của quan hệ đối ngoại, sự cạnh tranh giữa các cường quốc khiến từ bỏ hoặc tệ nhất là ném đi những nỗ lực sau cùng của hợp tác là sự ngây thơ”.
Bình luận về vấn đề này, nhà phân tích cấp cao của Eurasia Group, Ali Wyne cho rằng: “Một cuộc sống chung lâu bền giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đòi hỏi mỗi bên phải chấp nhận thực tế về khả năng phục hồi của bên kia. Do đó, chính quyền Biden có cơ hội hấp dẫn để nâng cao tầm nhìn tự tin, hướng tới tương lai về vai trò của Mỹ trên thế giới - một trong số đó, cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là một yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định bao trùm”.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc quả là điều khiến nước Mỹ vô cùng lo ngại. Bởi vị thế siêu cường số một thế giới của họ hoàn toàn có thể bị lật đổ. Tuy nhiên, Mỹ cũng phải tự vấn về chính sách đối ngoại của chính mình kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ không còn đối thủ. Vì lẽ đó, họ dường như trở nên mông lung, không xác định rõ ràng đâu là kẻ thù, đâu là đối thủ cạnh tranh. Sức mạnh siêu cường của Trung Quốc hiện tại chính nhờ một tay họ giúp sức.
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói “không có bạn bè vĩnh cửu, không có kẻ địch vĩnh hằng, chỉ có lợi ích là trường sinh bất lão”. Trước kia Trung Quốc từng được xem là “bạn bè”, giờ đây họ lại bị coi là “kẻ địch”. Thế nên, không có gì đảm bảo rằng, trong tương lai Trung Quốc sẽ không trở lại là bạn bè của Mỹ.
"Bức điện dài" đã đánh sập một tượng đài và làm đau hàng triệu con tin. "Bức điện dài hơn" có thể sẽ khiến gấp nhiều lần con người hơn thế rơi vào cơn bĩ cực... Đó là cái giá của những học thuyết chiến tranh!