Từ sự thành công của 'Aladdin', nghĩ về phim cổ tích 'made in Việt Nam'
'Aladdin' (đạo diễn Guy Ritchie), một bộ phim của hãng Walt Disney ra rạp hôm 24/5 nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Với khoản kinh phí đầu tư 183 triệu USD và tính đến thời điểm này đã mang về cho nhà sản xuất doanh thu gần 650 triệu USD.
Thành công của bộ phim cho thấy, truyện cổ tích không bao giờ xưa cũ, luôn có sức hấp dẫn với các nhà làm phim và là mảnh đất đầy tiềm năng để khai thác.
Một phiên bản “Aladdin” mới lạ, sáng tạo, đầy màu sắc
Vào tháng 10/2016, hãng Walt Disney tuyên bố Guy Ritchie sẽ là đạo diễn của “Aladdin”, phiên bản người thật đóng của hãng. Tài tử Will Smith được công bố là thành viên đầu tiên tham gia phim vào tháng 7/2017, tiếp theo đó là hai vai chính được giao cho Mena Massound và Scott. Phim bắt đầu bấm máy vào tháng 9 tại Longcross Studios ở Surrey, Anh và cũng được quay ở sa mạc Wadi Rum ở Jodan, kéo dài đến tháng 1/2018. Sau hơn 1 năm sản xuất hậu kỳ, phim chính thức ra rạp trên toàn thế giới vào 24/5 vừa qua.
“Aladdin” vẫn là câu chuyện xoay quanh chàng trai mồ côi nghèo khó sinh sống bằng nghề móc túi và trộm vặt trên phố ở vương quốc sa mạc Agrabah. Những tình huống, câu chuyện xảy ra giữa chàng trai nghèo có trái tim ấm áp Aladdin (Mena Massoud), công chúa Jasmine xinh đẹp (Naomi Scott), chú khỉ Abu, Thần Đèn (Will Smith) và tên Quốc sư Jafar (Marwan Kenzari) độc ác. So với phim hoạt hình cùng tên của hãng Watt Disney sản xuất năm 1992, “Aladdin” vẫn giữ nguyên khoảng 80% nội dung.
Chính vì vậy, khán giả gần như đã biết hết nội dung, diễn biến phim. Ban đầu, khi những đoạn trailer về bộ phim được hé lộ, “Aladdin” bị khán giả chê vì quảng cáo tẻ nhạt, tạo hình nhân vật thiếu ấn tượng. Tuy nhiên, khi xem phim, khán giả lại đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì những sáng tạo mới mẻ, đầy màu sắc trong phim.
Khán giả đánh giá cao phần âm nhạc trong phim. Âm nhạc trong phim được đánh giá là đa màu sắc khi là bản nhạc da diết, tình cảm, khi là bản hip hop, jazz vui nhộn… bộ phim như một vở nhạc kịch mang đậm màu sắc văn hóa Mỹ. Ấn tượng nhất là màn “đại nhạc hội cầu hôn” khi Aladdin với sự “hậu thuẫn” của Thần Đèn hóa thân thành Hoàng tử Ali. Màn diễu hành sôi động, hoành tráng với voi, đà điểu và hàng trăm vũ công nhảy múa trông như một lễ hội đường phố ấn tượng và náo nhiệt. Màn khiêu vũ của Hoàng tử Ali và công chúa Jasmine cũng khiến khán giả phải nhún nhảy vì âm nhạc quá sôi động và vũ đạo đẹp mắt.
Thần đèn “siêu lầy” và hài hước cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của “Aladdin” “phiên bản người thật”. Ngôi sao Will Smith đã hóa thân xuất sắc vào vai Thần Đèn trẻ trung, đầy hài hước, gây cười nhưng không lố mà cực kỳ duyên dáng. Nhiều khán giả còn nhận xét rằng, bộ phim “bừng sức sống” kể từ khi có sự xuất hiện của Thần Đèn. Những câu nói “chất”, thời thượng của Thần Đèn, cũng như diễn biến tình cảm của Thần Đèn với cô nàng hầu gái Dalia (Nadim Pedrad) “mê trai” là những sáng tạo thú vị mà “Aladdin” phiên bản hoạt hình chưa từng có.
Bước ra từ những câu chuyện cổ và phim hoạt hình, công chúa Jasmine hấp dẫn khán giả với gương mặt xinh đẹp, đài các và quyến rũ. Công chúa Jasmine trong “Aladdin” mạnh mẽ, quyết đoán chứ không phải kiểu công chúa “liễu yếu đào tơ” như trong tiềm thức của nhiều người. Một số khán giả cho rằng, mặc dù diễn khá tròn vai nhưng nam chính Aladdin có phẩn “lép vế” hơn nữ khi thần thái chưa lôi cuốn và không phải là gương mặt đẹp trai kiểu hoàng tử trong chuyện cổ tích.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, Mena Massoud đã vào vai “rất ngọt”, lối diễn xuất tự nhiên và rất có duyên. Aladdin xuất hiện đúng hình ảnh một chàng trai lớn lên từ khu ổ chuột nghèo khó, đầy chất bụi bặm, đường phố nhưng chân thực, nhân hậu.
“Aladdin” có sự pha trộn giữa yếu tố cổ xưa và nhiều nét văn hóa hiện đại, mang lại nhiều cảm xúc mới lạ cho người xem. Sự hỗ trợ của kỹ xảo điện ảnh cùng nhiều cảnh quay đẹp đã đưa khán giả vào một thế giới lung linh, mang màu sắc cổ tích nhưng cũng rất gần gũi với nhịp sống hiện đại. Phim dành cho mọi lứa tuổi, đủ sức mê hoặc cả trẻ em và các bậc phụ huynh. Nhìn chung, “Aladdin” là bộ phim đáng xem, được đánh giá “xứng đáng là phim bom tấn mở đầu cho mùa phim hè năm nay”.
Gợi ý một hướng đi tiềm năng cho điện ảnh Việt?
Được biết, sau thành công của phim hoạt hình “Aladdin” vào năm 1992, hãng Walt Disney đã sản xuất phần tiếp theo với tên gọi “Sự trở lại của Jafar” năm 1994, “Aladdin và vua trộm” năm 1996. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, hãng này mới quyết định cho ra mắt bộ phim phiên bản người đóng. Đây là phim thuộc dòng “live – action” (phim được làm lại từ những bộ phim hoạt hình của hãng Walt Disney, dựa trên cốt truyện cổ tích, thần tiên nhưng do người đóng thay vì hoạt hình).
Trước “Aladdin”, đã có một số phim thuộc dòng “live – action” của Walt Disney gây được tiếng vang với khán giả yêu điện ảnh trên khắp thế giới như “Cậu bé rừng xanh”, “Người đẹp và quái vật”, “Maleficent”, “Cinderella”. Danh sách này sẽ tiếp tục được nối dài khi Walt Disney công bố kế hoạch tiếp tục sản xuất một số bộ phim trong thời gian tới như “Nàng tiên cá”, “Vua sư tử”, “Hoa mộc lan”…
Lý giải về thành công của những bộ phim thuộc dòng “live – action”, nhiều chuyên gia cho rằng, truyện cổ tích luôn có sức hấp dẫn với mọi đối tượng khán giả. Trẻ em yêu thích truyện cổ tích là lẽ đương nhiên nhưng nhiều người lớn cũng có nhu cầu được sống lại những năm tháng tuổi thơ, được “phiêu lưu” với trí tưởng tượng bay bổng trong những câu chuyện thần tiên. Tuy nhiên, để có sức hấp dẫn, các nhà sản xuất luôn phải có sự sáng tạo, khai thác những góc nhìn mới lạ trên cơ sở bám sát tác phẩm gốc. Sự sáng tạo phù hợp sẽ được khán giả đón nhận.
Nhìn sang thị trường điện ảnh Việt, có thể nói rằng, Việt Nam có kho tàng truyện cổ tích, dân gian khá phong phú. Đây là nguồn chất liệu dồi dào để sáng tạo nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Tuy nhiên, điện ảnh Việt dường như vẫn đang bỏ trống “trận địa” này. Hai bộ phim khai thác chất liệu dân gian đạt được thành công nhất định, doanh thu cao, là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (đạo diễn Ngô Thanh Vân, ra rạp tháng 8/ 2016, doanh thu gần 70 tỷ đồng) và “Trạng Quỳnh” (Đạo diễn Đức Thịnh, ra rạp tháng 2/2019, doanh thu gần 100 tỷ đồng). Mặc dù doanh thu cao nhưng “Trạng Quỳnh” không được đánh giá cao về kịch bản, trong khi đó, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cũng bị “bắt” một số lỗi về kỹ xảo điện ảnh.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao tỷ lệ phim ra rạp ngày càng tăng nhưng số lượng phim khai thác chất liệu từ truyện cổ tích, dân gian Việt Nam lại không nhiều? Nhiều nhà làm phim cho rằng, đây là câu chuyện “vừa dễ, vừa khó”.
Dễ là ở chỗ, có sẵn chất liệu từ kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam nhưng cũng có rất nhiều cái khó. Không thể “bê nguyên” câu truyện cổ tích lên màn ảnh rộng mà luôn cần đến yếu tố mới lạ, sự sáng tạo theo hướng tiếp cận mới của nghệ sĩ. Sáng tạo là điều cần thiết nhưng sáng tạo thế nào để không bị “lệch pha” so với mạch chuyện, làm câu chuyện trở nên mới mẻ, nhưng vẫn logic có thể thuyết phục, lôi cuốn khán giả là điều không hề dễ dàng.
Làm phim từ chất liệu truyện cổ tích, văn hóa dân gian đòi hỏi nhà sản xuất phải có vốn kiến thức, am hiểu văn hóa dân gian Việt Nam. Sự sáng tạo phải trên “phông” kiến thức về xã hội, lịch sử. Điều này đòi hỏi quá trình tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng của nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên và có lẽ, không phải ai cũng có đủ thời gian và sự kiên trì để nghiên cứu “cho ra ngô, ra khoai”.
Đó là chưa kể đến việc phải đầu tư lớn cho bối cảnh, trang phục, đạo cụ cho phim. Bên cạnh đó, dòng phim “live – action” cần đến sự hỗ trợ mạnh mẽ của kỹ xảo điện ảnh để tạo ra sự lung linh, huyền ảo đúng kiểu cổ tích. Tuy nhiên, đây lại là một điểm yếu của điện ảnh Việt.