Tử tế với thiên nhiên là tử tế với chính mình
Trong suốt một thời gian dài của thời kỳ bùng nổ công nghệ, con người mải miết trượt dài trên các công cuộc đổi mới, náu mình trong những môi trường nhân tạo mà quay lưng lại với tự nhiên. Chúng ta dường như chỉ xem tự nhiên như một cái 'mỏ' để khai thác mà hoàn toàn quên đi rằng thiên nhiên cũng như con người, cần được đối xử với sự tôn trọng và săn sóc.
Tiếp nước cho thú rừng - hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Cách đây 4 năm, một chiến dịch hưởng ứng Chương trình Môi trường do Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu đã kêu gọi “tử tế với thiên nhiên là tử tế với chính mình” để “đánh thức” những cảm xúc, nhận thức của cộng đồng. Bởi con người vốn được sinh ra từ thiên nhiên. Từng tế bào hữu cơ hay vô cơ tạo nên con người đều có thể được bắt gặp trong bất kỳ thực thể nào của thiên nhiên. Đặt mình vào giữa lòng thiên nhiên, con người ngang hàng với mọi sinh vật sống.
Dông dài như vậy để hiểu rằng việc làm đang được thực hiện tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai hiện nay là không hề dị thường hay xa lạ, mà đó chính là sự tử tế với thiên nhiên để “đánh thức” sự hướng thiện trong mỗi cá nhân, cộng đồng.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai có tổng diện tích hơn 100.000ha. Khu Bảo tồn có khoảng 1.500 loài thực vật bậc cao, trong đó có 43 loài nằm trong Danh lục Đỏ IUCN (2015), 36 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 11 loài nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, 6 loài thực vật đặc hữu của Đồng Nai. Về động vật, Khu Bảo tồn có hơn 1.800 loài động vật bậc cao, trong đó có 25 loài được ghi trong Danh lục Đỏ IUCN (2015); 27 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); 27 loài ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.
Rừng miền Đông Nam Bộ mùa khô thường kéo dài 6 tháng, trong giai đoạn này hầu hết các suối trong rừng đều đã cạn. Để cấp nước và muối khoáng cho thú rừng hoang dã, đặc biệt đối với thú móng guốc, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai đã xây dựng xây dựng và tổ chức 2 tuyến tiếp nước với 68 bể chứa phục vụ cho các loài thú nhỏ và 2 hồ lớn cho loài voi và các loài thú lớn có điều kiện tiếp cận với nguồn nước và muối khoáng (khoáng chất được tạo thành dạng bánh có chứa magie, canxi, photpho được treo vào gốc cây giúp thú rừng đến liếm, bổ sung khoáng chất cần thiết) trong mùa khô hạn. Đều đặn cứ 2 tuần một lần, lực lượng kiểm lâm và nhân viên Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai lại vào rừng thực hiện một đợt tiếp nước và muối khoáng cho thú rừng, giúp các loài động vật hoang dã chống chọi với khô hạn khốc liệt khi các dòng suối trong rừng đều đã khô cạn.
Theo cán bộ của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, các điểm tiếp nước cho thú rừng thực sự hữu ích, đây được xem là nguồn nước quý để thú rừng tìm đến uống nước. Tại các chảo voi, lực lượng kiểm lâm thường xuyên ghi nhận voi đến uống nước. Qua ghi nhận thực tế và sử dụng công nghệ đặt “bẫy ảnh”, cho thấy động vật đến uống nước và liếm khoáng rất nhiều. Hàng năm, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai đều thực hiện điều tra, giám sát và đánh giá hiệu quả của việc tiếp nước và muối khoáng cho thú rừng.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai hiện đang giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, điều hòa nguồn nước và được xem là “lá phổi xanh” của cả vùng Đông Nam Bộ. Thế nên, tiếp nước cho thú rừng thực sự là việc làm tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn rất lớn lao để thể hiện sự tử tế với thiên nhiên.
Những bức ảnh khiến con người nhìn lại chính mình
Cách đây mấy năm, cộng đồng mạng thế giới đã từng rưng rưng cảm xúc khi xuất hiện tấm ảnh của một nhiếp ảnh gia nghiệp dư đã chộp được khoảnh khắc con đười ươi chìa tay như để ngỏ ý giúp đỡ một người đàn ông đang ở dưới vũng lầy có rắn độc.
Khoảnh khắc diễn ra tại một khu bảo tồn của Indonesia trên đảo Borneo, được Quỹ sinh tồn đười ươi Borneo (BOS) quản lý. Tác giả bức ảnh là nhà địa chất học người Ấn Độ Anil Prabhakar, khi đó đang cùng bạn bè tham quan khu rừng. Theo nhiếp ảnh gia nghiệp dư này thì do khu vực xuất hiện rắn độc gây nguy hiểm cho loài đười ươi nên các nhân viên bảo tồn đã đến để phát quang, xua đuổi rắn. Trong lúc nhân viên đang làm việc dưới một vũng lầy, một con đười ươi tiến đến kế bên và chìa tay ra như muốn giúp đỡ. Có lẽ đười ươi cho rằng người này đang bị mắc kẹt nên vươn mình, đưa tay về phía trước để người đàn ông nắm lấy.
“Khi thấy người đàn ông lúi húi dưới sông, con đười ươi tiến lại bờ sông và chăm chú theo dõi những gì anh ấy làm. Sau đó, nó lại gần và chìa tay ra. Tuy nhiên, người đàn ông không đáp lại chú đười ươi mà rời sang chỗ khác. Tôi thật sự ngỡ ngàng vì chưa từng nghĩ về điều gì như vậy. Tôi chỉ biết chớp lấy khoảnh khắc thật sự xúc động đó”, ông Prabhakar nói trên truyền thông. Người đàn ông trong ảnh là nhân viên bảo tồn làm việc cho Tổ chức bảo tồn đười ươi Borneo được thành lập vào năm 1991 ở Indonesia với 400 nhân viên. Hiện tổ chức này đang chăm sóc gần 650 con đười ươi. Với kinh nghiệm của mình, nhân viên này sau đó leo lên bờ mà không cần sự giúp đỡ của con vật vì đười ươi là động vật hoang dã nên không thể lường trước cách nó sẽ phản ứng.
Ở một câu chuyện khác, cô Gemma Copeland, 30 tuổi, đang đi thăm Sở thú Schoenbrunn trong chuyến du lịch tại Vienna, Áo với đứa con trai 15 tuần tuổi Jasper và chồng. Ba người đang ở gần chuồng đười ươi khi Gemma nhận ra rằng Jasper cần được cho bú. Khi cô ngồi xuống cạnh tấm kính để cho con bú, một con đười ươi cái bắt đầu chú ý đến hai mẹ con. Nó lại gần, cúi xuống hôn đứa trẻ và đặt tay lên tấm kính.
“Con trai tôi đòi bú, vì lúc đó khá yên tĩnh nên tôi đã cho con bú khi ngồi ở đó. Cách mà con đười ươi phản ứng đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc, nó cứ nhìn chằm chằm vào tôi, rồi lại nhìn con trai tôi. Nó ngồi với tôi khoảng nửa tiếng đồng hồ, cứ thế vuốt ve lên tấm kính và nằm xuống cạnh tôi như thể để hỗ trợ và bảo vệ tôi. Tôi ngạc nhiên đến cứng họng, không nói nên lời. Nhiều người bắt đầu lại gần để xem chuyện gì đang diễn ra, họ ngồi đó và quan sát một cách im lặng và lịch sự. Khoảnh khắc ấy thực sự rất đáng yêu và tôi không muốn rời đi. Cảm giác thật tuyệt vời và tôi đã khóc rất nhiều vì không thể tin nổi chuyện gì đã diễn ra” - bà mẹ một con Gemma cho biết cô đã bật khóc trước những hành động thể hiện tình thương của con vật.
Sau đó Gemma biết được con đười ươi cái cô đã gặp có tên là Sol, trước đó vừa đẻ ra một đứa con bị chết trong bụng, khiến cho trải nghiệm của cô càng trở nên xúc động hơn: “Tôi thực sự kinh ngạc, chúng tôi có thể cách nhau cả một giống loài nhưng hành động cho con bú đã kết nối chúng tôi hôm nay trong một khoảnh khắc chỉ đến một lần trong cả đời người và sẽ còn đọng lại trong tôi mãi mãi”.
Kết
Các nhà khoa học của Đại học California, Berkeley đã từng tiến hành khảo sát cho nhóm người tham gia xem nhiều bức ảnh thiên nhiên có mức độ đẹp khác nhau và được yêu cầu xếp hạc giấy từ thiện. Kết quả bức ảnh thiên nhiên càng đẹp, số lượng hạc giấy từ thiện càng nhiều đã chứng minh nhận định thiên nhiên giúp con người sống bao dung, hướng thiện hơn. Vậy tại sao chúng ta không sống tử tế với thiên nhiên ngay từ bây giờ thay vì đợi đến khi các thảm họa thiên nhiên gây tổn thất nặng nề ở khắp mọi nơi thì nhân loại mới sực tỉnh ra mình đã bạc đãi thiên nhiên và con cháu tương lai đến mức nào. Thế nên, tử tế với thiên nhiên là tử tế với bản thân mình chính là vậy.