Từ Thái Lan tới Anh, cuộc sống đầy trắc trở trong các hoàng gia
Trắc trở và biến cố trong cuộc sống cho thấy những khó khăn, cạm bẫy chờ đợi các thường dân khi kết hôn với thành viên gia đình hoàng tộc.
Tiền bạc và danh vọng, quyền lực và đặc ân, đối tượng của sự ngưỡng mộ cùng những chiếc vương miện lấp lánh. Nếu nghe thoáng qua, đây có vẻ là bản mô tả công việc đáng ngưỡng mộ, nhưng sau những biến cố vừa qua trong hoàng cung các nước từ Anh, Thái Lan cho tới Nhật Bản, người ta có lẽ sẽ cân nhắc lại về tham vọng trở thành hoàng tộc.
Thông tin Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn phế truất mọi tước hiệu của Hoàng quý phi Sineet Koi Wongvajirapakdi với tội bất trung và có âm mưu thay thế ngôi vị Hoàng hậu là một ví dụ mới nhất cho thấy những thành viên hoàng gia có thể nhanh chóng mất đi mọi ân sủng như thế nào.
Số phận đảo chiều
Chỉ 3 tháng sau khi người phụ nữ 34 tuổi, từng là y tá và phi công, được phong hoàng quý phi, bà đã mất toàn bộ tước vị.
Tờ công báo Hoàng gia Thái Lan Royal Gazette cho biết "Nhà vua đã xem xét hành vi của Koi (tên thân mật của hoàng quý phi), qua đó cho rằng bà thiếu lòng biết ơn và có hành động không thích hợp với tước vị. Bà ấy không thỏa mãn với tước vị được sắc phong và thường xuyên cư xử như thể bản thân là hoàng hậu".
Thông báo của Royal Gatzette làm chấn động công chúng Thái Lan, không chỉ bởi mức độ chi tiết chưa từng có, mà còn vì danh tiếng của bà Koi liên tục được củng cố thời gian qua, đặc biệt sau khi hình ảnh chụp chung giữa bà Koi và Nhà vua Vajiralongkorn xuất hiện trên website của Hoàng gia vào tháng 8.
Nhiều hình ảnh, trong đó mô tả bà Koi lái máy bay, bắn súng, nhảy dù, đã phổ biến rộng rãi tại Thái Lan, cùng với đó là người phụ nữ ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các sự kiện do Hoàng gia tổ chức hoặc tài trợ, dù hiếm khi ở bên cạnh Nhà vua Vajiralongkorn.
Các nhà quan sát đã ví sự thất sủng đột ngột của bà Koi với trường hợp của bà Srirasmi Suwadee, vợ thứ ba của Nhà vua Vajiralongkorn, người đã không còn xuất hiện trước công chúng kể từ khi chấm dứt cuộc hôn nhân hoàng gia tháng 12/2014.
Vụ ly dị diễn ra sau khi một số thân nhân của bà Suwadee bị cáo buộc lạm dụng tước hiệu hoàng gia để trục lợi cá nhân. Nhà vua Vajiralongkorn cũng bỏ người vợ 2 và từ con chung giữa hai người.
Vụ việc của cựu Hoàng quý phi Thái Lan có những điểm tương đồng với những biến cố xảy ra trong Hoàng cung Malaysia. Muhammad V, tiểu vương của bang Kelantan, tuyên bố thoái vị hồi tháng 1 sau khi kết hôn với cựu hoa hậu Nga Oksana Voevodina. Chỉ sau vài tháng, cặp đôi tiến hành ly dị trong sự choáng váng của nhiều người Malaysia.
Những vụ việc tại Thái Lan và Malaysia đã làm nóng thêm các cuộc tranh luận về những khó khăn khi thường dân kết hôn với thành viên hoàng gia tại châu Á.
Tân Hoàng hậu Nhật Bản Masako, vợ của Nhật Hoàng Naruhito, mới là thường dân thứ 2 kết hôn với một thái tử tại Nhật Bản. Hoàng hậu Masako thừa nhận bà gặp khó khăn trong thích nghi với lối sống Hoàng gia, điều cũng được chia sẻ bởi Công nương Meghan Markle, vợ Hoàng tử Harry của nước Anh.
Khi công khai nói về những khó khăn trong cuộc sống, cả Hoàng hậu Masako và Công nương Meghan đều bị so sánh với cố Công nương Diana, người kết hôn với Hoàng tử Charles của nước Anh.
Cuộc hôn nhân của Công nương Diana đã chấm dứt sau cuộc phỏng vấn đình đám với đài BBC ,trong đó bà nói về sự khó khăn để hòa nhập với cuộc sống Hoàng gia.
Điều gì đã xảy ra với Koi?
Lý do thực sự cho sự sụp đổ của Hoàng quý phi Koi có thể sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng, không chỉ bởi sự nhạy cảm của vấn đề, mà còn bởi Thái Lan có quy định cấm chỉ trích Hoàng gia. Các hãng truyền thông Thái Lan chỉ đăng tải lại nội dung thông báo của Royal Gatzette, không bình luận gì thêm.
Mặc dù vậy, thông báo của Royal Gatzette cho thấy đã có sự căng thẳng gia tăng giữa Koi và người vợ thứ 4 của Nhà vua, Hoàng hậu Suthida. Nhà vua phong tước cho Koi vào tháng 7, tức chỉ hai tháng sau khi bà Suthida được phong làm Hoàng hậu. Đây cũng là lần đầu tiên Thái Lan có một Hoàng quý phi trong gần 100 năm.
Trong khi công chúng vẫn đang chấn động trước số phận của Koi, nhiều người cho rằng danh tiếng tăng lên quá nhanh chóng biến người phụ nữ này trở thành mục tiêu của các thế lực bên trong Hoàng gia Thái Lan.
Hiện giờ, người ta chỉ có thể suy đoán về chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Giờ đấy, khi đã bị tước hết tước vị hoàng gia lẫn quân sự, Koi được cho là sẽ không còn xuất hiện trước công chúng trong các sự kiện chính thức.
Một số nhà quan sát cho rằng diễn biến mới đây tại Thái Lan cần được xem xét trong tổng thể về một vương triều đã trở nên quyết đoán hơn kể từ khi Vajiralongkorn chấp chính.
Không lâu sau khi tước bỏ tước hiệu của Koi, Nhà vua đã sa thải một vệ binh hoàng gia cấp cao, dù chưa có bằng chứng cho thấy hai vụ việc có liên quan. Trước đó, Nhà vua đã giành được quyền chỉ huy 2 đơn vị quân đội ở thủ đô Bangkok. Hồi tháng 3, Nhà vua Vajiralongkorn cũng công khai phản đối người chị gái tham gia cuộc tổng tuyển cử để cạnh tranh cho vị trí Thủ tướng.
Paul Chamber, nhà phân tích từ Đại học Naresuan, nhận định quyết định mạnh tay hạ bệ Koi "cho chúng ta thấy Vajiralongkorn muốn được nhìn nhận là một vị vua có trách nhiệm và không chấp nhận sự chia rẽ trong thiết chế Hoàng gia".
Nỗi đau Hoàng gia
Dù cho thảm kịch hoàng gia của Koi có diễn biến thế nào trong những ngày tới, đây vẫn sẽ là lời nhắc nhở về những điều cạm bẫy đang chờ đợi giới thường dân mang theo tham vọng trở thành một phần của các hoàng tộc còn sót lại trên thế giới. Những cạm bẫy đang trở nên ngày càng hiển hiện hơn dù các hoàng tộc giản lược bớt quy tắc, thậm chí tìm cách bình dân hóa huyết mạch hoàng gia.
"Hoàng gia là một thiết chế kỳ lạ trong hàng nghìn năm qua, với những áp lực và trách nhiệm độc nhất, vì thế mãi tới gần đây họ vẫn chỉ kết hôn trong giới của mình", Saad Salman, người sáng lập website The Royal Watcher, nhận định.
"Trong những năm qua, ngày càng có nhiều thường dân kết hôn với thành viên hoàng tộc, họ bị buộc phải gánh lấy những áp lực mà bản thân chưa từng trải nghiệm, và gặp khó khăn khi phải thích ứng"
Ông Salman cho rằng các thành viên hoàng gia phải học cách gánh vác vai trò chính thức, phải quan hệ với các quan chức, tương tác với công chúng, luôn ăn mặc phù hợp, và thúc đẩy hình ảnh đất nước mình, đó là vị trí với nhiều đặc ân lớn nhưng đồng thời có trách nhiệm to lớn.
Nhà sáng lập website chuyên quan sát các hoàng gia trên thế giới cho rằng hôn nhân bản thân nó đã đòi hỏi một thời gian để điều chỉnh, điều đó càng khó khăn hơn gấp bội khi luôn bị công chúng quan sát, lại phải học cách thích ứng với một vai trò mới.
Trong khi một cuộc hôn nhân hoàng gia phát triển tốt đẹp, như Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton, cặp đôi được cho là đã giúp hồi sinh danh tiếng của Hoàng gia Anh sau thảm kịch cái chết của Công nương Diana, nhiều cuộc hôn nhân hoàng gia khác lại gặp những vấn đề rất công khai.
Tuần qua, em dâu của Công nương Kate là Công nương Meghan Markle đã gây "bão" dư luận bởi một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, thừa nhận "gặp khó khăn để vươn lên và cảm thấy hạnh phúc" trong gia đình hoàng tộc gây ra một làn sóng bình luận tiêu cực, cho rằng Meghan đã không biết ơn khi được hưởng cuộc sống đầy đặc ân.
Những người thuộc tầng lớp thường dân khi bước chân vào gia đình hoàng tộc có thể cảm thấy rõ những áp lực, bất kể xuất thân họ ra sao. Đó là những gì đều xảy ra với Thái tử phi Matte-Marit của Na Uy và Hoàng hậu Masako của Nhật Bản.
Mette-Marit là người mẹ đơn thân chưa từng kết hôn khi làm đám cưới với Thái tử Haakon vào năm 2001. Bà khi đó vấp phải "làn sóng phản đối ác ý", thế nhưng một tuần trước lễ cưới, Mette-Marit thừa nhận và công khai xin lỗi về những sai lầm quá khứ trong một cuộc họp báo. Dư luận Na Uy sau đó đổi chiều, những chỉ trích ác ý cũng dần biến mất.
Trong khi đó, Hoàng hậu Masako lại có khởi đầu hoàn toàn trái ngược. Bà là "nhà ngoại giao sáng giá" khi kết hôn với Thái tử Naruhito năm 1993. Thế nhưng, sự bảo thủ của hoàng gia Nhật Bản và áp lực phải sinh một trưởng nam để kế vị đã khiến bà suy sụp, bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn điều chỉnh.
"Không có thời gian cố định để một thành viên hòa nhập được với cuộc sống hoàng gia, nhưng bởi đó là công việc của cả cuộc đời, có lẽ tốt nhất là hãy làm việc đó chậm rãi và dần xây dựng bản thân, thay vì làm mọi thứ hấp tấp mà không có thời gian để thích ứng", ông Salman nhận xét.