Từ thảm gạch Mosaic đến Dinh Thượng thơ?
Những ngày cuối năm 2019, dồn dập tin vui với những ai trân quý di sản khi nhiều công trình có giá trị kiến trúc lịch sử ở TP.HCM vốn trong tầm ngắm sẽ đập bỏ, giải tỏa thì nay đã có quyết định sẽ giữ lại và bảo tồn. Đó là cụm công trình tôn giáo gồm Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được xếp hạng di tích. Dinh Thượng Thơ cũng đã được thành phố công bố giữ lại để bảo tồn tuy nhiên nhiều người thắc mắc là tại sao công trình 130 tuổi này lại chưa được xếp hạng di tích? Tác giả Trần Thị Vĩnh Tường trong bài viết gửi cho Người Đô Thị, chia sẻ góc nhìn chuyên ngành cũng như đưa ra nhiều kiến nghị đáng lưu ý về việc cần sớm công nhận di tích cho công trình kiến trúc đặc biệt này.
Ngày 12.12.2019, nhiều tờ báo cùng đưa tin về Dinh Thuợng Thơ, 59-61 đường Lý Tự Trọng, cụ thể: “Thường trực UBND TP.HCM thống nhất chọn phương án thiết kế của đơn vị tư vấn Gensler, theo hướng phủ khối kiến trúc mới lên trên và bảo tồn công trình hiện hữu Dinh Thượng Thơ.
UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc làm việc với đơn vị tư vấn Gensler để nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với chủ trương nêu trên; tham mưu phương án kinh phí thuê đơn vị tư vấn, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo”
Từ quyết định bị đập bỏ hoàn hoàn tháng 5.2018 Dinh Thượng Thơ được “bảo tồn công trình hiện hữu” tháng 12,2019, là tin vui. Tuy nhiên kinh nghiệm với thiết kế của Gensler khiến chúng tôi phải lưu tâm. Giới hạn trang giấy nên viết tắt một số từ, cảm ơn độc giả thứ lỗi.
Gensler 2015 – Thương xá Tax
Năm 2014, tôi cùng các kiến trúc sư trẻ làm kiến nghị ủng hộ Tổng Lãnh sự Phần Lan yêu cầu UBND giữ lại thảm gạch Mosaic và cầu Thang Lớn ở Thương xá Tax, 135 đường Nguyễn Huệ. Kiến nghị được 3468 chữ ký. Yêu cầu này được Sở Quy hoạch kiến trúc xác nhận trong thông báo số 4070/SQHKT/QHKTT ngày 24.11.2014 gửi UBND “về các hạng mục cần bảo tồn”.
Báo Người Lao Động, bài “Động thổ công trình Satra - Tax Plaza” ngày 28.01.2016 cũng nhắc lại “Theo yêu cầu từ các cơ quan quản lý nhà nước, tòa nhà mới phải đáp ứng cả về mặt kiến trúc lẫn công tác bảo tồn; bảo đảm giữ lại những đường nét mô phỏng hình ảnh tòa nhà năm 1924 để gợi nhớ một GMC - Thương xá Tax ngày xưa...bảo tồn toàn bộ cầu thang có thảm gạch Mosaic...”
Tuy nhiên sau bốn năm, Thương xá Tax hôm nay vẫn là bãi đất trống tan hoang. Còn cầu thang có thảm gạch Mosaic giờ đang hạ lạc ở nơi nảo nơi nào?…
Gensler 2018 – Dinh Thượng Thơ
Thiết kế Gensler 4.2018 xóa mất tiêu Dinh Thượng Thơ, thay thế là tòa nhà đơn điệu giống Unilever Headquarters ở Singapore. Chúng tôi lại làm kiến nghị 5.2018 yêu cầu “hủy bỏ phương án của Gensler phá hủy Dinh Thượng Thơ”. Kiến nghị này được 6.621 chữ ký.
Vậy UBND “thống nhất chọn phương án thiết kế của đơn vị tư vấn Gensler theo hướng phủ khối kiến trúc mới lên trên” là phương án nào? Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu UBND TP.HCM công bố phương án này cho công chúng và giới kiến trúc - mỹ thuật tham khảo đặng người dân đóng thuế có cơ hội bày tỏ về thành phố của mình.
“Phủ khối kiến trúc mới lên trên”
Tiếng Anh “overbuilt” tức đặt một kiến trúc mới trên một kiến trúc cũ. Thí dụ, cảng Antwerp nước Bỉ cần mở rộng trụ sở nhưng diện tích đất giới hạn lại không được phép xóa tòa nhà cũ 6.600 mét vuông, đã viện tới kiến trúc sư huyền thoại Zaha Hadid người Anh - Iraq.
Nàng cho xây tòa nhà thứ hai 6.200 mét vuông không hề đụng chạm tới tòa nhà 6.600. Xây từ 2012 vừa xong năm 2016 thì Zana đột ngột qua đời, tên để lại khuôn viên trước mặt.
Kiến trúc Zaha giữa một vùng nước xanh biếc dù gây kinh ngạc cũng vẫn đẹp nhờ khoảng không mênh mông ấy. Điều xa xỉ này Dinh Thượng Thơ hoàn toàn không có dù công chúa Zaha sống lại hay hiệp sĩ Gensler vung kiếm nhát ma.
Đập đồ cổ thật – xây đồ cổ giả?
Tâm lý người Việt rất lạ: một mặt, không căn nhà mới nào xây "ba gian hai chái - chữ đinh chữ công”; mặt khác, biệt phủ - trụ sở công quyền tại các đô thị mới hầu hết theo phong cách cổ điển phương Tây, nhưng lại đập bỏ các công trình của Pháp thì lấy gì làm khuôn mẫu và cho sinh viên học?
Xu hướng nhại cổ nhất là kho bạc và tòa án có lẽ rập khuôn Tòa án thành phố và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, hai cơ sở tượng trưng cho xương sống quốc gia. Ví dụ Kho Bạc Nhà nước Đà Lạt mà ông thần kiến trúc tấm tắc tưởng bay lạc qua xứ tuyết châu Âu, dụi mắt hoài mới hay đang lượn trên vùng trời Việt Nam.
Năm 1892 Kiến trúc sư Auguste-Henri Vildieu (1847-1926) thiết kế Tòa án Hà Nội, giáo sư William S. Logan ghi rõ: "The Beaux-Arts façade of the Supreme Court - Chính diện Tòa án theo phong cách Beaux-Arts”.
Đừng quên tiêu chí Beaux-Arts
“Tiêu chí Beaux – Arts” với tỷ lệ - đối xứng - cân bằng trong kiến trúc Pháp từ Bắc tới Nam, vắng trong thiết kế Gensler. Do đó phương án cho Dinh Thượng Thơ cần vịn vào ba điều mà đứng dậy:
- "Tiêu chí Beaux-Arts”
- “Kiến trúc là một tổng thể hoàn chỉnh”, là lý do gốc cố giữ nguyên hiện trạng.
- “Cần bảo tồn nguyên trạng”, là tinh thần điều 15 hiến chương ICOMOS, cơ quan cố vấn UNESCO mà Việt Nam là thành viên.
Miễn “nâng niu bàn chân Việt”
Đơn giản nhất là theo quyết định hết sức hợp tình hợp lý của HĐND TP.HCM kỳ họp thứ VI khóa IX tháng 6.2002: “Thủ Thiêm sẽ là trung tâm mới của TP.HCM, được mở rộng từ trung tâm hiện hữu sang bán đảo Thủ Thiêm qua bên kia sông Sài Gòn, đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt cũng như cho tương lai của thành phố lớn trên 10 triệu dân”. Thủ Thiêm còn nhiều đất trống. Thủ Thiêm hiện có cầu, hầm thông suốt với quận 1, không xa để phải "nâng niu bàn chân Việt" 1.800 nhân viên mà bắt Dinh Thượng Thơ -140 tuổi và 10 triệu dân cay đắng chịu.
“Người Sài Gòn trẻ” thay thế Hiệp sĩ Gensler
Ông Martin Rama trong bài “Phá Dinh Thượng Thơ” nhìn ở tầm quốc tế: “Một trong những tài sản lớn mà hai thành phố lớn của Việt Nam có được trong cuộc cạnh tranh thu hút tài năng toàn cầu là các di sản châu Âu của họ.”
Một tài sản lớn khác mà Việt Nam có được chính là người trẻ. Nếu “Sở QH-KT TP.HCM đề xuất mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ giải pháp kỹ thuật trong việc bảo tồn” thì phải để người Việt, mà là người trẻ quyết định "theo phương án nào" trước cái đã.
Giải pháp kỹ thuật chỉ là bước thứ hai giới kiến trúc Sài Gòn – TP.HCM dư sức đảm nhiệm, muốn chắc mời chuyên gia nước ngoài ý kiến để tránh cột Dinh Thượng Thơ bị trét năm bảy lần vôi vữa như KTS Đỗ Phú Hưng đã chỉ ra, hay sơn vàng khè như Bưu điện thành phố năm 2015; cũng không thiếu gì cách danh giá Dinh Thượng Thơ tự "làm ra tiền" không phiền ngân sách, là bước thứ ba.
Còn cứu vãn được không khi độc quyền "giữ gìn di sản" nhưng “tiêu chí" mập mờ, tỷ lệ thuận với 560 villa cổ biến mất khiến dư luận chán ngán né chuyện bảo tồn nhường cho các đấng hàn lâm? Tôi tin là còn cứu vãn được trước khi “tài sản lớn” của Việt Nam từ Bắc tới Nam chỉ còn là mớ gạch vụn.
"Đa dạng – một lòng"
Còn cứu vãn được, khi lớp trẻ trong và ngoài nước vẫn nói và viết sõi tiếng Việt, giỏi computer, giỏi nhiều ngoại ngữ kiến thức không loanh quanh miệng chén, không bị ảnh hưởng quá khứ, không bị đứng bên lề.
Chẳng hạn vài ba kiến trúc sư trẻ lưu tâm đến Dinh Thượng Thơ đến thảm gạch Mosaic, tiếc từng hòn gạch... nhận xét chuyên ngành văn phong sắc sảo, lương thiện, trong sáng. Dù họ tản mác Sài Gòn - Luân Đôn – Singapore - Washington, không hề quen nhau.
Chẳng hạn Nguyễn Nghĩa dựa theo ký ức và vài tấm hình xưa bậm môi vẽ cho kịp hội thảo Dinh Thượng Thơ, tổ chức tại TP.HCM tháng 6.2018.
Chẳng hạn Nguyễn An Nhàn, đêm cuối cùng rời TP.HCM đi Canada cố thu Sài Gòn – TP.HCM vào máy ảnh mang theo Tòa Đô Chánh lung linh ký ức.
Triết lý của kiến trúc là mang lại hạnh phúc cho người nhìn ngắm. Hãy để người trẻ định đoạt vì chính họ gìn giữ quê hương khi những người lính già như chúng ta sắp ra đi. Kiến trúc luôn là một phần của bản sắc tập thể. Chưa bao giờ, tập thể người trẻ lại đa dạng nhưng một lòng đến thế. Đó là điều khiến trái tim không bị rạn nứt và lòng tin về một Việt Nam không phai nhạt.
Trần Thị Vĩnh Tường
(California – 23.12.2019)
“Đô thị Thông minh” và “Bảo tồn di sản” qua câu chuyện Dinh Thượng Thơ
Dinh Thượng Thơ: Giá trị không chỉ ở kiến trúc
Dinh Thượng thơ - bao giờ ly đắng thành rượu ngon?
Trưởng Phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam: đề nghị không phá hủy Dinh Thượng Thơ
“Dinh Sáng tạo” - tại sao không?
Ông Lê Thái Hỷ: Cơ sở khoa học nào để không bảo tồn Dinh Thượng Thơ?
Phá dinh Thượng Thơ
Những câu hỏi pháp lý liên quan đến số phận dinh Thượng Thơ
Ông Lê Thái Hỷ: Cơ sở khoa học nào để không bảo tồn Dinh Thượng Thơ?
Quyết định của TP.HCM với Dinh Thượng Thơ chưa đủ cơ sở
TP.HCM: Cần trung tâm hành chính hay cải cách hành chính?
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tu-tham-gach-mosaic-den-dinh-thuong-tho-22048.html