Từ tháng 7 - 9, nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, đặc biệt là từ tháng 7 đến tháng 9, nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 – 1 độ C, nắng nóng trở nên gay gắt và đặc biệt gay gắt hơn ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ còn kéo dài trong những tháng cuối năm 2024. Khu vực Bắc Bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 8 và tập trung chính trong tháng 7. Khu vực Trung Bộ, nắng nóng còn diễn ra đến tháng 9, tập trung chính trong tháng 7-8.
Người dân “khổ” vì nắng nóng
Thời gian qua, Hà Nội và nhiều khu vực trên cả nước đã hứng chịu nhiều đợt nắng nóng gay gắt, với mức nhiệt cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt và cuộc sống người dân. Anh Nguyễn Văn Khải, làm nghề chạy xe ôm ở Hà Nội cho biết, công việc hàng ngày là phải làm việc dưới trời nắng nóng, để tránh tác hại của nắng, anh thường xuyên phải mặc quần áo dài tay, đội mũ bảo hiểm có kính che mặt và đeo khẩu trang mỗi khi đi làm. Lúc không có khách, anh tranh thủ ngồi nghỉ dưới bóng cây, gầm cầu. Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt nhưng vì cuộc sống, anh phải cố gắng làm việc.
Anh Lê Ngọc Lâm, công nhân nhà máy gạch Tuynel trên địa bàn huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, bình thường anh bắt đầu công việc lúc 7 giờ sáng. Tuy nhiên, có lúc nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C, nên anh phải tranh thủ đi làm từ 4 giờ sáng để kết thúc công việc trước 10 giờ trưa. Công việc của anh hàng ngày phải bốc xếp gạch từ trong các hầm lò ra ngoài nên rất mất sức và ra nhiều mồ hôi khi thời tiết nắng nóng. Để đảm bảo sức khỏe anh phải mang theo đồ bảo hộ và uống nước thường xuyên…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nắng nóng thường bắt đầu từ 8 giờ sáng. Nhiều người đi làm đến công sở buổi sáng tỏ ra mệt mỏi, cảm nhận được sự nóng bức. Anh Phạm Văn Tài (phường Tân Thới Hiệp, Quận 12) cho hay : “Sau khi đưa con đi học lúc 7 giờ tôi đã thấy nắng chói chang. Nhà ở Quận 12, di chuyển đến công ty ở Quận 3 do kẹt xe nên mất gần một tiếng mới tới cho quãng đường dài 12 km. Nắng nóng, kẹt xe, tôi cảm thấy mất sức khi đến công ty, dù mới buổi sáng”.
Nắng nóng gây ra tình trạng khô hạn tại nhiều khu vực, Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, nắng nóng kéo dài nhiều tháng đang khiến nguồn nước trên nhiều ao hồ, sông suối dần cạn kiệt. Dự kiến, tỉnh có hơn 8.000 ha cây trồng có nguy cơ thiếu nước. Theo đó, tình hình thời tiết các huyện phía bắc tỉnh Đắk Nông như: Đắk Mil, Krông Nô và Cư Jút đang phổ biến khô hanh, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp. Dòng chảy các sông suối giảm, nhiều sông suối nhỏ đã ở mức cạn kiệt, trữ lượng nước các hồ chứa thủy lợi hạ thấp rất nhanh. Bên cạnh đó, nguồn nước từ các ao nhỏ của người dân tích trữ nước tưới cho cây trồng ở các khe suối, chân đồi cao cũng đã xuống thấp, một số ao nhỏ đã không còn nguồn nước.
Nắng nóng làm gia tăng thêm tình hình hạn hán, hiện đã có 4 tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang và Long An công bố tình huống khẩn cấp do hạn. Hạn hán ở 2 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang đã gây ra sụt lún, sạt lở nhà, các tuyến kênh, đường giao thông… gây khó khăn cho việc giao thương hàng hóa và đi lại của người dân...
Thực hiện các giải pháp phòng, chống nắng nóng
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thời tiết nắng nóng như hiện nay tác động rất nhiều đến sức khỏe con người. Bởi vậy, đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng cần bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát như sáng sớm hoặc chiều muộn, hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức, nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc, người dân nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút.
Người dân khi phải làm việc trong môi trường nắng nóng cần hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy; sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính, mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi, sử dụng thêm các loại kem chống nắng, không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Người dân cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc, đặc biệt cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi, khi uống nước cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
Người dân thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp...
Đối với các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống nắng nóng, trong đó lưu ý đến các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là người già, trẻ em. Trong điều kiện nắng nóng, hạn hán kéo dài, các địa phương cần quan tâm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống cháy nổ trong khu dân cư, nơi sản xuất, kinh doanh và các khu vực có rừng.
Để làm tốt nhiệm vụ, các cơ quan chức năng và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng và cháy nổ trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của các cơ quan chuyên môn để nhân dân biết, chủ động công tác ứng phó, đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng...