Từ 'Thành phố vì hòa bình' đến 'Thành phố sáng tạo'
Hà Nội mang trong mình cái thâm trầm của lịch sử đất Thăng Long, nơi lưu giữ huyền tích ngàn năm Văn hiến đã lưu hương và tỏa ngát cho muôn đời. Cái tinh hoa của đất Kinh kỳ trong đạo học còn vẹn nguyên nơi Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của đất Việt, đã trải qua gần ngàn năm tồn tại, là tượng đài cho truyền thống hiếu học của cả dân tộc từ bấy đến nay.
Thăng Long – Hà Nội, mảnh đất lưu giữ nền Văn hiến, anh hùng, được hun đúc, đắp bồi qua nhiều thế hệ. Trải qua bao cuộc chiến tranh, bao đau thương, mất mát, để rồi mỗi lần đứng dậy là một lần mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Mỗi tấc đất Thủ đô ngày nay đều thấm đượm hồn núi sông, thiêng liêng, vĩ đại nhưng gần gũi đời thường.
Mỗi tấc đất Thủ đô đều chứa đựng cái tinh túy của phù sa, trong cái linh thiêng được hội tụ lại trên mỗi chặng đường lịch sử đã trải qua. Hà Nội cũng thật rộng lớn ở cái tâm hồn, cái hào hoa của mỗi con dân vẫn đang hàng ngày dù ít, dù nhiều làm cho mảnh đất thiêng liêng ấy ngày một đẹp đẽ, đáng tự hào hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được ngợi ca là “Thành phố hòa bình”. Cái danh xưng ấy được cả năm châu thừa nhận như một điều hiển nhiên. Bởi, Thủ đô ấy đã đứng dậy quật cường sau lửa đạn chiến tranh. Những chứng tích của “Điện Biên Phủ trên không” ngày nào còn in hằn nơi cổng Bệnh viện Bạch Mai, hay từng ngóc ngách của ngõ phố Khâm Thiên.
Hoang tàn là thế, đổ nát là thế, nhưng mỗi con người Hà Nội đã không ngại mất mát, chẳng quản hy sinh vùng dậy đánh đuổi giặc ngoại xâm. Sau cuộc trường chinh ấy là cả hành trình xây dựng lại quê hương. Mỗi nhành cây, ngọn cỏ cũng trở nên mặn mòi bởi mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người con Hà Nội từng ngã xuống để bảo vệ hòa bình, tái dựng Thủ đô.
Hà Nội, hai tiếng thân thương ấy hẳn nhiều người đã nghe từ rất lâu, nghe từ cái thuở còn chưa cắp sách đến trường, trong ước mơ nhỏ bé “được về Hà Nội để thăm lăng Bác”, nghe từ những ca từ “Hà Nội mùa Thu, cây cơm nguội vàng… mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió…”.
Nhiều người con của Hà Nội đi đâu xa cũng nhớ về những “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, nhớ cả tiếng dương cầm mộng mị trong đêm. Chính cái hồn cốt của đất Kinh kỳ ngàn năm hội tụ, kết tinh nên tâm hồn của mỗi con người đất Tràng An mà “khi ở thì lịch thiệp hào hoa, khi đi lại nhớ nhung da diết”. Những góc phố, con đường dẫu rộng dài hay nhỏ hẹp đều được “gói” lại trong cái hành trang của mỗi người con Hà Nội, dẫu đi đâu xa cũng luôn ấp ủ, để trọn vẹn những ký ức ngày trở về.
Hà Nội đẹp vào mùa Xuân - cái đẹp của cô gái thuở đôi mươi trong tà áo dài trắng thướt tha trên phố, ấy là khi những trận mưa phùn lất phất nhẹ đưa trong cơn gió Xuân lả lướt, rải những hạt sương li ti trên làn tóc, trên cả bờ mi. Đôi ba cành lộc vừng đang nảy những chồi non đỏ tía vươn mình để hứng những giọt sương long lanh, rồi lay động theo cái thướt tha ấy, run rẩy như cái rung động của cô gái mới bước vào yêu.
Mùa hè Hà Nội dịu nhẹ dưới những tán cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu, đường Nguyễn Tri Phương hay dưới hàng sấu của phố Phan Đình Phùng, phố Trần Phú… hay chói chang, lấp lánh trên gợn sóng của sông Hồng, con sông bồi đắp nên phù sa của đôi bờ huyền thoại.
Đông sang cũng xao xuyến lạ thường, cái rét Hà Nội không buốt lạnh, không run rẩy, mà khẽ nhắc lòng người xích lại gần nhau. Thật khó tả cho điều kỳ diệu của những con phố trong cái nắng ngày Đông, cái nắng không gay gắt, mà nhẹ để còn giữ lại những ngọt ngào, ấm áp, thương yêu.
Đẹp lắm mùa Thu Hà Nội. Không thể đếm hết những chiếc là vàng, lá đỏ rơi, không đếm xuể cái hanh hao mà mùa Thu dịu dàng rải lên từng con phố. Thu lặng lẽ. Cái lặng lẽ thâm trầm của những ai đang bưng trên tay khẽ nhấp chén trà sen nóng hổi, khi mùi hương cốm mới ngát thơm cả phố phường. Thu xôn xao. Cái xôn xao của những cơn gió đang trêu đùa đám lá vàng rụng rơi trên ngõ vắng.
Sao Hà Nội lại duyên dáng lạ lùng đến thế? Để mỗi ngày những du khách năm châu tìm đến như trở về, như để gạn lọc cho tâm hồn mình trong lại, để thấy yêu hơn đất nước này, yêu hơn Thủ đô này.
Tình người Hà Nội cũng đẹp. Cái đẹp của nụ cười cô bán tàu hũ mà gửi cả những thanh tao vào trong sự mềm mịn, ngọt ngào đến thực khách phương xa; của anh xích lô đang hồ hởi giới thiệu về những con phố trên mỗi vòng bánh xe. Không khó để thấy cả những tấm lòng sẻ chia những tấm áo, bát cơm, con chữ của mỗi người con trên đất Hà thành cho những trẻ em khuyết tật, những bệnh nhân nghèo, hay những người còn đang lúc khó khăn. Thủ đô khi ấy, lại là nơi hội tụ của những tấm lòng chất chứa những thương yêu.
Hà Nội quật cường, rắn rỏi mà linh thiêng, vẫn bao dung, vẫn độ lượng, hội tụ hiền hòa của vũ trụ, xoa dịu những nỗi đau, xóa tan những bất hòa, kéo đôi bên lại gần bằng những cái bắt tay thật chặt. Cả Mỹ và Triều Tiên dẫu có bất đồng quan điểm đến đâu, dẫu những bất hòa có thể đã từng chất cao như núi, mối hận có thể đã sâu thẳm đại dương, cũng phải thừa nhận một điều chung nhất, rằng đất Thăng Long là nơi có thể nói lên tiếng nói của hòa bình, để tìm đến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh.
Đã hai mươi năm, Hà Nội vẫn xứng đáng với niềm tự hào về một “Thành phố vì Hòa bình”, được gìn giữ qua bao đời, bao thế hệ. Hai mươi năm qua Hà Nội đã chứng minh không phải ngẫu nhiên là thành phố duy nhất ở châu Á – Thái Bình Dương được tôn vinh như vậy. Hà Nội đã trở nên hướng ngoại hơn, trở thành một Thủ đô năng động, tham gia ngày càng nhiều vào hợp tác quốc tế.
Và nay, sự ghi nhận mới nhất cho khát vọng vươn lên của một thành phố năng động là danh hiệu “Thành phố Sáng tạo” của Unesco. Như vậy, Hà Nội cùng với 246 thành phố trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của Unesco góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố với việc lấy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Hà Nội thật ấn tượng, hành trình từ “Thành phố Vì hòa bình” đến “Thành phố Sáng tạo” không thể không tự hào. Tự nhủ, mỗi chúng ta càng phải nỗ lực phấn đấu dựng xây cho hòa bình, cho sáng tạo ấy ngày thêm bền vững.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tu-thanh-pho-vi-hoa-binh-den-thanh-pho-sang-tao-102112.html