Từ thiện - Không chỉ cần có tấm lòng!
Mẹ kể rằng, ngày nhỏ tính tôi vốn đã thân thiện, có bất cứ thứ quà gì, dù chỉ là bọc kẹo mè mẹ mua từ chợ về, tôi cũng mang chia cho đám trẻ con chơi cùng trong xóm. Mẹ nói: 'Lớn lên con sẽ biết yêu thương, chia sẻ với mọi người giống mẹ'. Mẹ tôi ngày đó, cơm không đủ ăn nhưng thi thoảng vẫn vào ngôi chùa trong làng nấu cơm chay phát vào mỗi ngày Rằm hay Mồng 1 hàng tháng.
Mẹ nói đúng, lớn hơn, tôi theo mấy ông anh đi làm từ thiện, từng việc nhỏ như giúp học sinh về nhà mỗi khi mưa lụt, chở thóc lúa giúp người già… rồi việc lớn hơn một chút là cứu trợ lũ lụt, phát lương thực thực phẩm người có hoàn cảnh khó khăn…Lúc đó tôi nghĩ, chỉ là san sẻ yêu thương thôi, rất đơn giản. Không ngờ, việc tưởng chừng đơn giản đó lại là việc khiến tôi đau đầu nhất. Từ chuyện mất lòng tin của của cộng đồng về công tác thiện nguyện, khiến tôi cũng e dè trong việc kêu gọi mọi người chung tay. Bỏ tiền túi của mình ra làm từ thiện, đó là việc dễ nhất, nhanh nhất, nhưng chuyện đó chỉ xảy ra ở những “đại gia”. Với tiềm lực tài chính của một phóng viên, chưa ráo mồ hôi đã hết lương, tôi có thể đi làm từ thiện được bao nhiêu lần? Tôi làm được gì khi chỉ có lòng trắc ẩn?
Không dưới vài lần tôi đã nghĩ: Từ thiện ở đâu xa, hãy lo tốt cuộc sống của gia đình mình đi đã. Thế nhưng, cuộc sống vẫn không cho phép tôi bớt nghĩ về những mảnh đời, những số phận khắc khổ tôi gặp trong mỗi chuyến đi. Bấy giờ tôi nhận ra, cái suy nghĩ “chỉ cần có chút lòng trắc ẩn, bạn có thể chia sớt nỗi đau, sự khó khăn với mọi người” của tôi lâu nay chỉ là lý thuyết. Công việc từ thiện, cần nhiều hơn thế, phải có sự chung tay của cộng đồng. Đây là việc cần có vật chất mới thực hiện được. Vật chất từ đâu ra? Không thể lâu lâu có sự vụ xảy ra ở đâu đó, tôi lại ngửa tay “xin” tiền từ người bạn này hay ông anh kia. Nếu chỉ là đi quyên góp tiền bằng cách đó, chắc cũng chỉ được vài lần. Lúc này, tôi đã nương vào Tiền Phong để giải tỏa lòng trắc ẩn.
Tại Tiền Phong, công tác thiện nguyện là một trong những hoạt động phía sau mặt báo được đặt lên hàng đầu. Tiền Phong 70 tuổi, là ngần ấy năm những đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ nhân viên của báo đã đồng hành với những hoàn cảnh kém may mắn, yếu thế, những phận đời dưới đáy trong xã hội. Nhiều công tác xã hội vô cùng ý nghĩa cũng được nhen nhóm từ báo Tiền Phong. Điển hình là các hoạt động: “Chủ nhật đỏ” với thông điệp, một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại rất đáng đáng tự hào. Trong mỗi cuộc phát động phong trào hiến máu nhân đạo như thế, ngân hàng máu tại các bệnh viện lại được cộng đồng tiếp sức. Chúng tôi cũng tự hào vì trong đó có những giọt máu của đội ngũ cán bộ nhân viên báo Tiền Phong, cơ quan khởi xướng hoạt động này.
Chương trình “Tiền Phong chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, nói tôi đã trưởng thành từ hoạt động này cũng không sai. Từ năm 2013, chúng tôi bắt đầu tổ chức hành trình khám chữa bệnh về tận các xã, huyện, nơi người dân ít được tiếp xúc với dịch vụ y tế. Tôi bất ngờ khi đưa hoạt động này đi chia sẻ và kêu gọi, được các bác sĩ vui vẻ đón nhận và đồng hành. Có những chuyến đi, chúng tôi đã mang theo hàng chục y, bác sĩ. Nhiều doanh nghiệp và mạnh thường quân đã tài trợ thuốc men và kinh phí. Chúng tôi cứ thế đồng hành cùng nhau qua nhiều tháng năm đầy ý nghĩa. Đến nay chúng tôi đã khám bệnh, tặng quà cho hơn 10 nghìn bà con nghèo ở khắp mọi miền.
Chương trình “Nâng bước thủ khoa”, trao học bổng cho các sinh viên là thủ khoa, sinh viên đạt thành tích xuất sắc đầu vào có hoàn cảnh khó khăn tại các trường đại học trên cả nước. Đây là hoạt động do Ban Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM sáng kiến tổ chức từ năm 2016. Tôi tự hào vì đã có cơ hội đồng hành với hoạt động ý nghĩa này được 7 năm và chung tay cùng hơn 500 thủ khoa đầu vào.
Công tác từ thiện không chỉ dừng ở sự thương cảm, xót xa, động lòng, bởi việc cho người khác một bát cơm, gói kẹo thì dễ. Cao cả và quan trọng hơn đó là ý nghĩa, hiệu ứng cộng đồng, là nhân rộng tinh thần lá lành đùm lá rách… thì xã hội mới được tiếp sức bền vững từ những mạnh thường quân.
Trong mỗi sự cố về thiên tai, lũ lụt hàng năm tại các tỉnh miền Trung cũng thế, Tiền Phong chưa từng đứng ngoài cuộc. Vì sao mỗi cá nhân của Tiền Phong vẫn có thể đứng ra tổ chức cả một chương trình cứu trợ bão lụt hiệu quả?. Đó là vì, Tiền Phong đã thành công trong việc lan tỏa, nhân rộng lòng trắc ẩn trong cộng đồng.
Nhiều người nói, uy tín của tờ báo là quan trọng. Nhưng tôi nghĩ, để tạo nên uy tín, phải xuất phát từ trái tim chính những con người làm việc tại tòa báo đó, qua từng thời kỳ. Họ đã cống hiến cho Tiền Phong, cống hiến vì một xã hội ngày càng tốt đẹp, không chỉ bằng ngòi bút, mà bằng cả tấm lòng, sức lực và tiềm lực kinh tế.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-thien-khong-chi-can-co-tam-long-post1587105.tpo