Từ thiện - không chỉ cần tấm lòng
Với truyền thống 'tương thân, tương ái', 'lá lành đùm lá rách', thời gian qua, một số cá nhân đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa bão. Tuy nhiên, nhiều cá nhân đang kêu gọi không đúng cách, thậm chí có thể vi phạm pháp luật...
Vừa qua, chủ tài khoản facebook mang tên Ph. T. G viết bài trên trang cá nhân kêu gọi hỗ trợ 5 nạn nhân vụ sạt lở do mưa bão của huyện Bảo Yên hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, nội dung kêu gọi gây tranh cãi khi cá nhân này cho rằng các bệnh nhân đang khó khăn vì không có tiền chi trả viện phí và các chi phí khác. Ngay sau khi bài kêu gọi được đăng tải, rất nhiều người đã bình luận thắc mắc “nạn nhân bị thiên tai sao lại không được hỗ trợ viện phí?”.
Bức xúc với thông tin trong bài viết, đội ngũ y - bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã lên tiếng: “Hiện tại công tác cấp cứu điều trị các bệnh nhân vùng lũ chuyển đến rất khẩn trương. Bệnh viện không thu 1 đồng viện phí nào. Các bệnh nhân chưa có người nhà đã được tổ chức đoàn thể chăm sóc rất chu đáo”; “Những bệnh nhân thiên tai, thảm họa điều trị tại bệnh viện không thu bất kì khoản phí nào cả. Bạn kêu gọi nên rõ ràng tránh ảnh hưởng đến bệnh viện và các y - bác sĩ đang tận tình cứu chữa người bệnh”…
Bác sỹ Nguyễn Việt Hải, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết: Có thể mục đích kêu gọi từ thiện của cá nhân đó là tốt, tuy nhiên những thông tin cá nhân trên nêu ra để kêu gọi ủng hộ cho các bệnh nhân là sai sự thật, gây ảnh hưởng tới uy tín của bệnh viện. Cụ thể, tất cả các bệnh nhân điều trị do ảnh hưởng bão lũ thiên tai tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều đang được miễn phí chi phí khám - chữa bệnh, bệnh viện chưa yêu cầu bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải nộp bất cứ chi phí nào, trong đó bao gồm cả viện phí điều trị. Các tổ chức đoàn thể của bệnh viện đã và đang hoạt động tích cực để điều trị cho bệnh nhân và hỗ trợ tối đa cho người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, các bệnh nhân ở khoa đều có người nhà đi cùng chăm sóc, không phải không có người nhà như cá nhân đó nói.
Sau khi nắm được thông tin, Công an tỉnh Lào Cai đã triệu tập chủ tài khoản facebook Ph.T.G để làm việc. Chủ facebook thừa nhận bản thân đã không kiểm chứng chính xác nguồn thông tin đã cho đăng tải công khai các nội dung không đúng sự thật và nhanh chóng đính chính sau khi được bệnh viện nhắc nhở. Cá nhân cũng khẳng định không có mục đích lừa đảo số tiền từ thiện, hiện một phần số tiền kêu gọi ủng hộ đã được trao cho các bệnh nhân, số còn lại sẽ tiếp tục được công khai minh bạch trên trang facebook cá nhân để các "mạnh thường quân" nắm được.
Nhận thấy hành vi của cá nhân này chưa cấu thành tội lừa đảo trên không gian mạng nên các cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lào Cai đã nhắc nhở đối tượng và yêu cầu cam kết chấp hành đúng theo những quy định của pháp luật về kêu gọi quyên góp từ thiện.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua, Công an tỉnh Lào Cai đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả công tác quản lý các tài khoản, hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội hoạt động trên địa bàn. Đến nay, chưa phát hiện các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng bằng hình thức lừa đảo kêu gọi quyên góp từ thiện.
Tuy nhiên, lời khuyên dành cho các cá nhân muốn kêu gọi quyên góp từ thiện đúng cách, tránh vi phạm pháp luật đó là nên phối hợp với các tổ chức uy tín. Ưu tiên ủng hộ thông qua các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, địa phương theo Hướng dẫn 38/HD-MTTW-BTT năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam có hướng dẫn hình thức ủng hộ và tiếp nhận nguồn đóng góp cho đồng bào vùng lũ lụt hoặc các tổ chức thiện nguyện có uy tín.
Đối với người dân, để tránh bị lừa đảo khi tham gia quyên góp ủng hộ trên mạng xã hội, cần lưu ý một số yếu tố sau:
Kiểm tra nguồn gốc: Xác minh xem cá nhân hoặc tổ chức kêu gọi quyên góp có đáng tin cậy không. Tìm hiểu về người kêu gọi qua các kênh chính thức, như website hoặc tài khoản mạng xã hội đã được xác thực.
Thông tin minh bạch: Lời kêu gọi uy tín thường công khai chi tiết về mục đích quyên góp, cách thức sử dụng số tiền hoặc hiện vật và danh sách những người nhận hỗ trợ. Những hoạt động thiếu thông tin rõ ràng thường tiềm ẩn rủi ro.
Xác minh thông tin từ nhiều nguồn: Trước khi quyên góp, hãy kiểm tra xem lời kêu gọi có xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống hoặc được các tổ chức có thẩm quyền xác nhận hay không.
Tránh ủng hộ qua tài khoản cá nhân: Cẩn trọng với các yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Những tổ chức đáng tin cậy thường sử dụng tài khoản ngân hàng được công bố rộng rãi.
Xem phản hồi từ cộng đồng mạng: Kiểm tra phần bình luận hoặc phản hồi từ những người khác. Nếu có nhiều người đặt nghi vấn, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo.
Thận trọng với những lời kêu gọi khẩn cấp, gây cảm xúc mạnh cho người tiếp cận: Lừa đảo thường dựa trên việc kích thích cảm xúc, khơi gợi lòng thương cảm để người dùng hành động mà không kiểm tra kỹ thông tin.
Nếu thấy có vấn đề nghi vấn cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để nhanh chóng xác minh tính minh bạch của thông tin.
Hoạt động từ thiện, chung tay cùng Nhà nước cứu trợ người dân khi gặp thiên tai là hoạt động đáng quý và cần khuyến khích, phát huy. Tuy nhiên, nhiều "con sâu bỏ rầu nồi canh" đã làm ảnh hưởng tới hoạt động từ thiện, gây mất niềm tin, mất đoàn kết trong Nhân dân. Do đó, hãy làm từ thiện xuất phát từ tấm lòng đồng thời nên tìm hiểu kỹ quy định pháp luật, để việc từ thiện đúng nghĩa là việc thiện.
Những hành vi kêu gọi từ thiện sai quy định tùy vào mức độ ảnh hưởng, thiệt hại nhẹ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân... bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Mức phạt này áp dụng với tổ chức vi phạm, còn cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt trên (từ 5 đến 10 triệu đồng); hoặc sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể chịu hình phạt tù cao nhất là chung thân.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tu-thien-khong-chi-can-tam-long-post390275.html