Từ thiện phải từ tâm

Đến nay, các em nhỏ của Mái ấm Hoa Hồng đã được đưa đến những nơi ở mới an toàn nhưng dư âm của câu chuyện này vẫn ám ảnh không ít người, nhất là khi xem hình ảnh các em bị bảo mẫu đánh đập tàn nhẫn. Có bao nhiêu cơ sở bên ngoài khoác vỏ bọc từ thiện, bên trong lại là 'địa ngục trần gian' đối với trẻ? Câu hỏi này khiến nhiều người trăn trở, nhất là mới đây, thêm một cơ sở bảo trợ bà mẹ và trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh bị đình chỉ hoạt động do có phản ánh trẻ em ở đây bị đánh đập.

Trẻ em thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Với những đứa trẻ vừa lọt lòng đã mồ côi hoặc bị bỏ rơi lại càng được quan tâm hơn. Một thực tế đau lòng là ở Việt Nam, số trẻ em bị bỏ rơi ngay khi vừa mới sinh ra ngày càng gia tăng.

Vì thế, việc các tổ chức, cá nhân đứng ra chăm sóc, nuôi dưỡng các em rất đáng được ghi nhận. Trong thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức đã làm tốt công việc này, mang đến cho những đứa trẻ kém may mắn có một mái ấm gia đình.

Chính vì thế, nhiều tấm lòng hảo tâm trong xã hội đã ủng hộ, đóng góp vật chất cho các cá nhân, tổ chức để chia sẻ gánh nặng với những việc làm ấm áp tình người này.

Cơ sở mái ấm Hoa Hồng cũng không phải ngoại lệ. Mái ấm này, trước khi xảy ra sự việc như trên, nhận được tình cảm và sự hỗ trợ của rất nhiều người.

Hơn thế nữa, cơ sở này được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TP. Hồ Chí Minh cấp giấy phép chứ không hoạt động tự phát. Nghĩa là về mặt pháp lý cũng như việc làm thiện nguyện của cơ sở này không có gì khiến người khác phải nghi ngờ.

Hằng năm, các cơ quan chức năng của thành phố tiến hành kiểm tra cũng không hề phát hiện dấu hiệu bạo hành nào đối với trẻ. Cho đến ngày loạt phóng sự trên một tờ báo đã phơi bày tất cả sự thật về mái ấm này, lúc đó cơ quan chức năng mới vào cuộc và dư luận bàng hoàng trước sự thật quá đau lòng.

Dư luận thắc mắc là liệu cơ sở này có được báo trước mỗi khi có cuộc kiểm tra không, hay do trước đó đã sử dụng thành công “bí quyết” đánh bóng tên tuổi của mình trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông nên đã che mắt cơ quan chức năng? Nói như vậy vì chủ cơ sở này là bà Giáp Thị Sông Hương từng là nhân vật truyền cảm hứng trên các chương trình truyền hình.

Chủ mái ấm Hoa Hồng không ít lần chia sẻ với truyền thông những câu chuyện về mái ấm và hành trình nhận nuôi các em bé, lấy không ít nước mắt từ công chúng và các tấm lòng hảo tâm.

Một người phụ nữ, từ năm 17 tuổi đã đứng ra nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi; từng là trẻ lang thang cơ nhỡ, làm đủ các công việc từ chạy xe ôm, giúp việc để có tiền nuôi những đứa trẻ xa lạ; người thường nói rằng, trái tim mình luôn ấm áp, hạnh phúc khi được làm công việc này... sao lại không lay động trái tim người khác?

Trên youtube, chủ cơ sở này cũng thường xuyên chia sẻ hình ảnh những đứa trẻ được chăm sóc, yêu thương và nhận về rất nhiều lượt người xem. Điều này thật sự đối lập với hình ảnh những đứa trẻ tuổi đời vẫn còn rất nhỏ bị bảo mẫu của cơ sở này đánh đập.

Câu chuyện này lại dẫn dắt đến một vấn đề khác trong xã hội, đó là mượn mạng xã hội và các phương tiện truyền thông để đánh bóng tên tuổi của mình.

Nhiều cuộc đấu giá từ thiện, ủng hộ chiến thắng của đội bóng, ủng hộ bà con gặp thiên tai, hoạn nạn... vẫn tồn tại câu chuyện cá nhân, tổ chức khi quyên góp, đấu giá thì đưa ra con số lớn nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn.

Có người hoặc không mua sản phẩm đấu giá hoặc ủng hộ số tiền ít hơn số công bố trên phương tiện truyền thông. Đây là hình thức mượn các hoạt động từ thiện để quảng bá, đánh bóng tên tuổi, hình ảnh của mình.

Nhưng lại có những người làm thiện nguyện trong thầm lặng, không muốn nhắc tên tuổi của mình mà chỉ muốn số tiền mình ủng hộ đến được với những người cần giúp đỡ. Lâu nay, mục Địa chỉ giúp đỡ trên Báo Quảng Trị đã ghi nhận những tấm lòng thầm lặng như vậy.

Gần đây nhất là một người dân sống ở TP. Đà Nẵng, thông qua mục này, thường xuyên ủng hộ tiền cho các nhân vật gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhưng trước khi giúp đỡ, người này có một nguyên tắc là không được nêu tên tuổi của mình trên báo vì với họ, đây là một công việc hết sức bình thường.

Cả nước có rất nhiều mái ấm và cơ sở tự nguyện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ hoặc bị bỏ rơi. Theo tinh thần của Luật Trẻ em và luật pháp có liên quan, Nhà nước khuyến khích và có các cơ chế, chính sách để huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Tất cả cơ sở phải hội tụ đầy đủ các tiêu chí, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chăm sóc... theo quy định.

Đồng thời, pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng thiện nguyện để trục lợi; nghiêm cấm các hành vi bạo lực, bạo hành xâm hại trẻ em. Để xảy ra vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng, rõ ràng có liên quan đến công tác quản lý, điển hình là việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được.

Qua vụ việc này, Bộ LĐ,TB&XH cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát trên cả nước. Các cơ sở này cần phải được giám sát chặt chẽ, không chỉ thông qua công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất mà cần phải nắm thông tin từ nhiều kênh khác nhau để phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi vi phạm. Vì trên thực tế, đa phần các vụ bạo hành trẻ em đều được báo chí hoặc người dân phản ánh chứ không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tu-thien-phai-tu-tam-188499.htm