Từ Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa tiếp tục có mưa đến rất to, ngoài biển áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Nhiều tuyến đường ở Quảng Nam chìm trong biển nước - Ảnh: Trường CC

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao nên ngày và đêm nay (25.10) ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to; khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến ở:

- Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.

- Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa từ 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Ngoài ra, ngày và đêm nay (25.10), ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, phía Đông Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa tập trung chủ yếu vào chiều và tối).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Cảnh báo: Từ ngày mai (26.10), ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to đến rất to.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vượt mưa lũ để vào thôn Long Vĩnh, xã Bình Long, giúp các hộ dân ở đây di dời đến nơi an toàn. Ảnh Báo Quảng Ngãi

Trước đó, từ ngày 22.10 đến đêm hôm qua (24.10), khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa (tính từ 7 giờ ngày 22.10 đến 1 giờ ngày 25.10) phổ biến từ 250-500mm, có nơi trên 700mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 647.8mm, Thăng Bình (Quảng Nam) 940.8mm, Núi Thành (Quảng Nam) 844.6mm, Bình Khương (Quảng Ngãi) 847.0mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 808.2mm. An Nhơn (Bình Định) 574.8mm, …

Ở Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến (tính từ 7 giờ ngày 22.10 đến 1 giờ ngày 25/10) từ 50-130mm, có nơi trên 160mm như: Mỹ Chánh (Quảng Trị) 164.4mm, Xuân Lâm (Phú Yên) 237.4mm, Cù Mông (Phú Yên) 233.0mm, Đại Lanh (Khánh Hòa) 177.6mm, Pờ Ê (KonTum) 318.4mm, Đăk Choong (Kon Tum) 185.0mm, Hồ An Khê (Gia Lai) 150.0mm,…

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1 giờ ngày 25.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1 giờ ngày 26.10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,5 đến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 27.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,1 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 10,0 đến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo,áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Trên khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,0-5,0m, biển động rất mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.

Ngoài ra, ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

PV

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tu-thua-thien-hue-khanh-hoa-tiep-tuc-co-mua-den-rat-to-ngoai-bien-ap-thap-nhiet-doi-dang-manh-len-thanh-bao-173590.html