'Tư thục quốc tế' ở Việt Nam: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người, và đích đến là con người tự do. Nhưng nền giáo dục 'vị bằng cấp' đang đẩy cả thầy, trò, phụ huynh phải sống chung với học vẹt, học tủ, thậm chí thờ ơ với dối trá,.. thì làm sao tạo nên những con người tự do, hội đủ nhân cách, trí tuệ?
Đáng lo ngại hơn, việc thúc đẩy xã hội hóa (hay thương mại hóa) giáo dục ngay từ những cấp học đầu tiên (để phổ cập, nâng cao dân trí) diễn ra mạnh mẽ, nhưng công tác quản lý còn lỏng lẻo, tiếp tục dự báo một viễn cảnh không mấy sáng sủa.
1. Hàng chục năm qua, cũng vì "phục vụ" nền giáo dục và xã hội "vị bằng cấp" ở một số quốc gia đang phát triển, nhiều trường quốc tế "ma", bằng quốc tế "ma" đã nối đuôi nhau xuất hiện, khiến không ít quan chức, cán bộ ta "ngã ngựa" ê chề.
Tháng 4/2018, báo Thanh Niên đã khởi đăng loạt bài về hệ thống trường “ma” George Washington International School (GWIS) gây chấn động dư luận xã hội.
Thư từ chối cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp quản lý Trường Quốc tế Singapore.
Chấn động là bởi, theo tác giả, đã có rất nhiều trường hợp bị phát giác là đi học hay mua bằng ở các trường "ma" ở nước ngoài, thì GWIS có mặt ngay tại Việt Nam, liên kết giảng dạy khắp các tỉnh, thành. GWIS “ma” đúng nghĩa đen: không có năm thành lập; không có hoạt động học tập; không có thông tin giáo viên; không được chứng nhận kiểm định bởi những tổ chức uy tín của Mỹ;…
Khi thông tin về GWIS tràn ngập trên báo chí, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã nhanh chóng "lật mặt" trường "ma". Bộ GD&ĐT đã phải "cấm cửa" GWIS sau đó.
Tiếp đó là hệ thống trường Quốc tế Singapore, đã có mặt ở một số tỉnh, thành phố Việt Nam. Không "ma" như WIS, hệ thống trường này thuộc Tập đoàn Giáo dục KinderWorld (Singapore), được giới thiệu là mô hình đào tạo theo chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, một cơ sở của Trường Quốc tế Singapore tại TP. Đà Nẵng đã bất ngờ khiến dư luận "dậy sóng" vì thu "phí tiền cọc".
Theo đó, cả trẻ mầm non lẫn học sinh các cấp, khi đăng ký học hoặc chuyển cấp tại trường này ngoài học phí thì phải đóng "phí đặt cọc" từ 6 đến 11 triệu đồng, khiến phụ huynh bức xúc, khiếu nại lên các cơ quan chức năng và báo chí về khoản thu ngoài luật, dấu hiệu chiếm dụng vốn.
Đại diện Kinderworld đã lên tiếng giải thích, đồng thời cho rằng "phí đặt cọc" được xây dựng trên cơ sở của Bộ luật dân sự 2015. Tiếp đó, đầu tháng 8/2019, phụ huynh đã nhận được thông báo từ Kinderworld rằng con họ sẽ không được cung cấp dịch vụ giáo dục vì "không chấp thuận khoản tiền đặt cọc".
2. GWIS "ma", KinderWorld áp dụng Bộ luật dân sự 2015 của Việt Nam để thu "tiền đặt cọc", nhưng Gateway (Hà Nội) mới là đỉnh điểm của sự hãi sợ khi trường "tư thục quốc tế" này có trẻ bị bỏ quên trong xe đưa rước và vong mạng oan ức.
Trường "quốc tế" đã ra đời với triết lý, mục tiêu gì, đã dạy và học kiểu gì khi những đứa trẻ cuối cùng ra khỏi xe không quan tâm tới bạn mình, nhân viên đưa đón, lái xe đã bỏ quên trẻ trong xe và giáo viên chủ nhiệm cắt đứt (hoặc buộc phải cắt đứt) liên hệ với gia đình khi trẻ vắng mặt bất thường và chết?
Hoa và nến tưởng niệm học sinh tử vong trước Trường Gateway. Ảnh: Phan Ngọc Minh.
Nhà báo Tâm Chánh đã viết: Có những khoảng trống con người trong toàn bộ quy trình đến trường của những đứa trẻ. Con người dường như cũng đã biến hình trên những khoảng trống đó. Những đứa trẻ cắm đầu cắm cổ đi học như người nông dân ra đồng từ lúc tinh sương, không còn đến trường trong sự sảng khoái, tỉnh táo. Nhân viên đưa đón thay vì làm bảo mẫu đã làm lơ xe. Tài xế thì chỉ điều khiển phương tiện. Nhà trường là cơ sở vật chất kĩ thuật của giáo dục. Giáo viên đứng lớp. Chủ trường là nhà đầu tư. Phụ huynh là một bên hợp đồng dịch vụ...
Người ta thả cửa cho đủ kiểu bất bình đẳng tồn tại trong nhà trường. Xã hội hóa hay thương mại hóa, biến các quan hệ vốn mô phạm thành quan hệ dịch vụ; biến sự tham gia của người dân vào nền giáo dục quốc dân thành quá trình đổi chác, đầu cơ?
Từ đây, có thể quay lại ngôi trường của KinderWorld tại Đà Nẵng.
Nó tiếp tục cho thấy nhóm "tư thục quốc tế" của chúng ta, từ mầm non tới cấp học đầu tiên, còn ngồn ngộn một thực tế ngang trái: Học sinh - đối tượng của các mục tiêu phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí - chỉ được thụ hưởng dịch vụ học tập khi và chỉ khi phụ huynh đồng thuận đóng thêm khoản gọi là "tiền đặt cọc".
Trường học không còn giữ "bổn phận nghề nghiệp", đầy những khoản thu và hành động nghiệt ngã, thì việc người làm giáo dục "bỏ quên" đứa trẻ đâu có gì khó hiểu?
Một sự sống bé thơ đã mất bởi chuỗi hành vi vô giáo dục. Và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, như mọi khi, coi đó là sự việc đau lòng, nhận ra rằng "từ đây cũng cho thấy nhiều bất cập..."
Chưa một giải pháp căn cốt nào được đưa ra, và chúng ta còn mãi ám ảnh: Sẽ còn bao nhiêu sự sống nữa bị bỏ quên?
3. Trường tư thục với đủ thứ "nhãn mác" tây, tàu vẫn đua nhau mọc lên, và thầy cô thì vẫn phải dậy thêm (để kiếm thêm thu nhập, hoặc để thỏa khát vọng truyền dạy kiến thức).
Sáng 6/8, một video ghi cảnh người quỳ gối trong UBND để dâng đơn cho lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tràn lan trên internet xuất hiện, khiến dư luận phẫn nộ, đau xót.
Cô giáo quỳ gối "dâng đơn" trong khuôn viên UBND tỉnh Đăk Lăk (Ảnh cắt từ video).
Người quỳ gối ấy là cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh - giáo viên Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Khi biết thông tin UBND tỉnh tổ chức tiếp dân, cô mang đơn khiếu nại về việc mình bị chuyển từ trường Tiểu học Võ Thị Sáu (trung tâm TP. Buôn Ma Thuột) về Trường Đinh Bộ Lĩnh (vùng ven, cách trung tâm khoảng 10km).
Theo hồ sơ, cô giáo Hoa Anh có 25 năm trong nghề, dạy một trường vùng xa trong 14 năm thì được chuyển về Trường tiểu học Võ Thị Sáu. Hè năm 2017, cô bị lập biên bản vì dạy thêm trái quy định, sau đó nhận được quyết định chuyển từ trường Võ Thị Sáu về trường Đinh Bộ Lĩnh.
Cô đã quỳ gối "dâng đơn" để mong có người ra tiếp.
Vì sao và từ bao giờ, ở một đất nước giàu truyền thống tôn sư trọng đạo, lại xuất hiện cảnh đoàn này đoàn nọ đi "truy bức", báo chí lê ống kính đi "tìm diệt" người thầy trong các lớp dạy/học thêm, và cô giáo dạy thêm phải quỳ gối "dâng đơn" một cách quá ư chua xót?
Có phải chính lối lối học vị bằng cấp, áp đặt, làm thui chột óc sáng tạo và hứng thú đã buộc trẻ phải học thêm kiến thức chứ không phải kỹ năng? Có phải nền giáo dục thiếu nhân văn, khai phóng đã khiến con người dễ dàng quỳ gối?
Có ý kiến cho rằng, chỉ khi giáo dục không còn hổ lốn như chợ trời, đầu cơ, bán mua, ban phát được dẹp bỏ, mới có thể hình thành nên những con người tự do, hội đủ nhân cách, trí tuệ và không bao giờ quỳ gối.
Và đó mới là nền tảng của tầm vóc, phẩm giá quốc gia, thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.