Từ 'thương lái' đến 'giám đốc'

Anh Trần Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Minh Thắng, thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam (Sơn Dương) được biết đến là người đi đầu trong phát triển kinh tế tập thể của địa phương. Với vai trò giám đốc Hợp tác xã, anh luôn nhiệt tình, trách nhiệm, tích cực vận động nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập.

Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp, anh Thắng thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân của người nông dân, mất mùa được giá, hàng hóa làm ra chả ai mua. Năm 2014, anh bắt đầu làm “thương lái”, đi tìm đầu ra cho hàng nông sản quê anh, thu mua quả ớt, quả bí của bà con trong xã đưa về các chợ đầu mối bán, đồng thời liên kết với các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Năm 2017, 2018, sản lượng nông sản của bà con tăng lớn, anh tiếp tục tìm thị trường trường rộng lớn hơn, đó là xuất khẩu nông sản đi các nước Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Campuchia. Thời điểm cao, mỗi năm anh xuất trên 1.000 tấn hàng nông sản sang thị trường nước ngoài.

Việc làm ăn đang đà thuận lợi, bỗng chốc đại dịch Covid-19 ập đến khiến cả xã hội bị cách ly, các tuyến đường xuất khẩu tiểu ngạch đóng cửa, mọi hàng hóa bị tồn ứ, không bán được. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản cũng không bán được hàng, dẫn tới, hàng nông sản của bà con cũng không xuất được.

Hàng nông sản của bà con bỗng chốc tụt giá từ 30 đến 40 nghìn đồng/kg xuống còn 5 nghìn đồng/kg, thậm chí đổ bỏ hàng tấn rau củ quả do không xuất được, khiến anh rất đau lòng. Anh nhận thấy, muốn kinh tế phát triển ổn định lâu dài, bền vững, mình phải xuất khẩu hàng hóa theo con đường chính ngạch. Để hiện thực điều đó, bắt buộc người nông dân phải thay đổi, liên kết sản xuất hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu. Năm 2021, anh thành lập HTX Minh Thắng do anh làm giám đốc, hoạt động trồng trọt, thu mua, buôn bán nông sản địa phương. 2 sản phẩm chủ lực hiện HTX đang liên kết sản xuất là cây ớt chỉ thiên, chỉ địa và bí đỏ. Ban đầu, HTX chỉ thực hiện vài chục ha với một số hộ dân trên địa bàn xã, năm 2023, HTX mở rộng thị trường, địa bàn. Hiện, HTX liên kết 3 HTX nông lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh và trên 300 hộ dân thực hiện trồng cây ớt chỉ thiên, ớt chỉ địa, bí đỏ với tổng diện tích trên 100 ha tại các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Lâm Bình. Người dân tham gia liên kết với HTX được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây ớt, cây bí, đầu tư giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, bình quân mỗi ngày HTX nhập từ 10 đến 15 tấn ớt của bà con nông dân, với giá mua từ 10-12 nghìn đồng/kg. Việc liên kết sản xuất với HTX không chỉ tăng thu nhập nâng cao đời sống, mà còn góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa của người dân địa phương, nhất là người dân các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Hiện, HTX Minh Thắng là 1 trong những HTX đi đầu trong việc liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ về định hướng phát triển HTX trong thời gian tới, anh Thắng mong muốn làm sao vận động nông dân thay đổi, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư để canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục mở rộng sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng, góp phần cải thiện cuộc sống.

Bài, ảnh: Trâm Anh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tu-thuong-lai-den-giam-doc-193762.html