Tự tin làm giàu trên mảnh đất quê hương

Bằng ý chí, cùng sự kiên trì, nhiều nhà nông trẻ ở xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tại mô hình sản xuất rượu cần của anh Tân.

Tại mô hình sản xuất rượu cần của anh Tân.

Năm 2018, sau khi tham quan, tìm hiểu, học tập các mô hình phát triển kinh tế của các thanh niên Đoàn bạn, nhất là các mô hình phát triển kinh tế của những thanh niên đi trước tại địa phương xã Lộc Nam, anh Vũ Đức Tài (Thôn 8, xã Lộc Nam) quyết định chọn mô hình chăn nuôi gà, ngan thả vườn với quy mô tổng đàn gần 1.000 con để phát triển kinh tế gia đình. “Mới đầu, khi bắt tay vào làm, tôi thấy cũng có nhiều khó khăn. Nhờ Đoàn xã Lộc Nam đến tư vấn hướng nghiệp rất cụ thể, hỗ trợ các kiến thức kỹ thuật chăn nuôi, dần dần công việc chăn nuôi cũng khá lên”, anh Tài chia sẻ. Theo anh Tài, trong năm 2018, anh đã xuất bán 100 con ngan. Chưa kể, mỗi tháng, anh Tài còn đưa ra thị trường 20 con gà thịt và hàng trăm quả trứng gà. “Với giá bán 95.000 đồng cho 1 kg gà, 65.000 đồng/1kg ngan và 4.000 đồng cho 1 quả trứng gà, sau khi trừ các khoản chi phí, tiền lãi mỗi tháng thu được khoảng 10 triệu đồng”, anh Tài cho biết.

Thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ mô hình trồng xen bơ, đinh lăng vào rẫy cà phê theo hướng VietGAP là thành quả biết khai thác lợi thế sẵn có của anh Nguyễn Ngọc Tân (Thôn 1, xã Lộc Nam). Anh Tân tâm sự: “Chồi giống bơ 034 hiện có giá dao động 10.000 - 15.000 đồng/chồi. Giá quả bơ cũng khá cao, từ 120.000 - 180.000 đồng/kg. Đinh lăng có giá bán 20.000 đồng/gốc. Nếu chăm sóc bài bản, 1 ha trồng xen bơ, đinh lăng, cà phê cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng”. Ngoài chăm sóc rẫy cà phê trồng xen bơ và đinh lăng, anh Tân còn sản xuất rượu cần thương phẩm. Mỗi năm, anh xuất bán 2 lần, mỗi lần khoảng 100 chóe rượu cần.

Mô hình chế biến hạt mắc ca của anh Mễn

Mô hình chế biến hạt mắc ca của anh Mễn

Anh Doãn Tuấn Vũ (Thôn 4, xã Lộc Nam) lại quyết tâm theo đuổi nghề trồng lan. Vũ kể rằng, qua ủy thác của Đoàn xã Lộc Nam, anh được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bảo Lâm cho vay 50 triệu đồng hỗ trợ sản xuất. Sau đó, Vũ bỏ thêm 250 triệu đồng để sưu tầm, trưng bày và sản xuất các giống lan cung ứng cho thị trường. Hiện, anh đang sở hữu vườn lan rộng khoảng 500 m2, với nhiều giống lan khác nhau. “Cứ 6 tháng, tôi lại cung cấp ra 1 lô giống, tầm 200 - 1.000 cây giống. Tùy theo từng loại cây mà giá sẽ dao động trong khoảng 200.000 - 1.000.000 đồng/giống”, anh Vũ trao đổi. Như vậy, có thể khẳng định rằng, nghề trồng lan là nghề cho thu nhập khá. Cũng giống như anh Tài, anh Tân và anh Vũ, bằng sự cần cù cộng thêm sức trẻ, anh Nguyễn Chánh Xuân Mễn (Thôn 3, xã Lộc Nam) đã dần thành công với mô hình chế biến hạt mắc ca thương thẩm. Hiện tại, hạt mắc ca sấy khô của anh đang được tiêu thụ tại thị trường huyện Bảo Lâm. “Mục đích tới đây của tôi là mở rộng thị trường tiêu thụ hạt mắc ca sấy khô. Để làm được điều này, tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cũng như sự đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp”, anh Mễn nói.

Trao đổi về vấn đề trên, Bí thư Đoàn xã Lộc Nam - anh Trần Đình Tịnh cho hay: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đồng hành với thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp bằng cách phối hợp với các tổ chức hội làm tốt hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề cho đoàn viên thanh niên, cũng như tín chấp các nguồn vốn cho đoàn viên thanh niên vay phát triển kinh tế gia đình.

Tự tin, chủ động làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đang là một hướng đi tích cực của tuổi trẻ xã Lộc Nam, góp phần tích cực vào các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương; qua đó, thể hiện sức trẻ, bản lĩnh, ý chí, khát vọng trong giới trẻ xã Lộc Nam.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/tu-tin-lam-giau-tren-manh-dat-que-huong-2967636/