TỪ TÍN NGƯỠNG ĐẾN MÊ TÍN DỊ ĐOAN: Làm điều thiện để giải nghiệp
Đối với những sai lầm trong quá khứ, con người có thể cải thiện bằng cách gieo những điều thiện lành và theo quy luật, nếu điều lành nhiều hơn sẽ xóa bỏ những nghiệp dữ
Đối với Phật giáo, niềm tin chân chính bao gồm tin về các quy luật và tin về 3 ngôi tam bảo Phật, Pháp và Tăng. Ngoài 2 phương diện niềm tin như trên thì còn lại gọi là tín ngưỡng.
Niềm tin khác với mê tín
Tín ngưỡng là những sinh hoạt gắn kết với tôn giáo hoặc niềm tin dân gian, bao gồm tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Những vấn đề này không khéo sẽ dẫn đến tình trạng mê tín hoặc cuồng tín. Ở Việt Nam có những tín ngưỡng rất đáng được khích lệ, như tín ngưỡng thờ Mẫu - những vị là nữ anh hùng dân tộc. Đạo Phật chủ trương 4 trụ cột mà con người phải tri ân: ơn cha mẹ, ơn thầy cô, ơn Tổ quốc và ơn đồng loại. Vì vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu là một phần của ơn cha mẹ, là một phương diện quan trọng trong nhân đạo Phật giáo. Nhưng nếu suy nghĩ rằng thờ Mẫu để muốn gì sẽ được nấy thì là mê tín.
Nói tóm lại, niềm tin trong Phật giáo khác xa với tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo. Đặc biệt, vượt lên trên các hình thái cuồng tín, mê tín không phù hợp với quy luật, như: tin rằng thượng đế thần linh có thể ban phước, giáng họa; ngày giờ tốt xấu; ma quỷ có thể tạo ngang trái đối với cuộc sống hiện tại, phải giải nghiệp để cúng vong; đốt vàng mã cho người đã khuất…
Với những người tu học Phật, ngay những năm tháng đầu tiên trở thành Phật tử ở một ngôi chùa nào đó sẽ được sư trụ trì hướng dẫn niềm tin chân chính. Khi vượt ra khỏi mê tín và cuồng tín thì sẽ giải phóng được nỗi sợ hãi bị thần thánh trừng phạt.
Mang ánh sáng vào bóng tối
Phật giáo khích lệ những tăng sĩ phải khai sáng tâm trí cho mọi người để giải phóng họ khỏi ách nô lệ mê tín và cuồng tín bằng con đường trí tuệ, giống như Đức Phật nói mang ánh sáng vào bóng tối. Cụ thể, đạo Phật không khích lệ sự giấu giếm, bao che, làm ra vẻ huyền bí, linh thiêng, mầu nhiệm. Ngược lại, phải làm sao mang lại những giá trị minh triết cho cuộc sống mà giá trị đó được cân đo bằng giá trị ở hiện tại và không có tác dụng phụ trong tương lai.
Do đó, người đi theo niềm tin chân chính của đạo Phật sẽ có tương lai tươi sáng như phát triển được trí tuệ, tu dưỡng đạo đức và làm chủ thói quen, cảm xúc, hành vi; từ đó có cuộc sống thong dong, thư thái. Nếu lỡ có làm chuyện gì chưa tốt trong quá khứ thì không phải là định mệnh, chúng ta có thể hóa giải nó bằng cách gieo vào cuộc sống những hành động thiện lành từ thời điểm nhận thức ra chân lý. Theo luật nhân quả, 2 hạt giống đối lập nhau sẽ loại trừ nhau. Khi chúng ta nỗ lực làm với phương pháp đúng, không bỏ cuộc giữa chừng, không đầu hàng số phận, dẫn dắt bằng trí tuệ thì nghiệp xấu trong quá khứ sẽ tan biến, từ đó có tương lai hạnh phúc.
Các hình thái áp vong, trục vong, thỉnh oan gia trái chủ là một trong những hình thức rối loạn tâm thần đa nhân cách bởi sự nhồi sọ mê tín như vong báo oán, vong đòi nợ. Hiện tượng ngất xỉu ở các đình chùa, nằm la hét, có sức mạnh bất thường ở các nơi có khói nhang nghi ngút, khi tỉnh lại không biết gì… thì đó là rối loạn đa nhân cách vô thức do mê tín, nhận thức sai. Đây là hiện tượng lạc dẫn mà nhiều người đã lợi dụng những điều này để tạo ra nhiều rối loạn trong xã hội, làm cho người dân hoang mang. Cho nên, những gì là mê tín dễ dẫn đến hậu quả xấu và bất hạnh.
Cần một cuộc "chấn hưng"
Tôi là một Phật tử, thường đi lễ chùa vào các dịp lễ , Tết, rằm lớn trong năm. Tôi vào chùa chỉ chấp tay cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho gia đạo bình an; góp chút ít tiền nhang đèn cho chùa. Theo quan sát, từ nhiều năm qua, chuyện cúng sao giải hạn "nở rộ", hầu như chùa nào cũng cúng, từ chùa ở tỉnh lẻ đến chùa tiếng tăm ngay trung tâm TP HCM.
Vậy nên, sự việc chùa Ba Vàng không làm tôi bất ngờ và tôi tin vẫn còn nhiều "Ba Vàng" khác. Vấn đề là những "Ba Vàng" đó từ đâu mà ra? Chính từ sự yếu kém, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và giáo hội. Cách đây hàng chục năm, mỗi chùa đều có ban hội, có hội trưởng, hội phó, thư ký, thủ bổn... và hầu hết là do các cư sĩ đảm trách. Vị trụ trì chỉ lo tu tập, dạy Chúng trong chùa, làm công việc hoằng hóa, hoằng pháp..., không hề đụng đến tiền. Còn ngày nay, nhiều vị trụ trì "quán xuyến" tất cả. Mà lẽ thường, hễ chạm đến tiền là chạm tới... tham, sân, si, tiêu cực.
Tôi đồng ý với quan điểm cần có một cuộc "chấn hưng" để giáo hội tu sửa mạnh mẽ bản thân mình, phát huy vai trò, vị trí và sứ mệnh của giáo hội; thực sự là một tổ chức đủ sức "cầm cương", giữ vững cương lĩnh, tiền đồ đạo pháp.