Tự tin tỏa sáng nhờ 'DNA của nước Anh'

Từng luôn bị xem thường tại các giải đấu lớn dù sở hữu nhiều ngôi sao, Đội tuyển Anh giờ đây đã trở thành một tập thể đoàn kết và đáng gờm nhờ những thay đổi tích cực bên ngoài yếu tố chuyên môn trên sân cỏ.

Đội tuyển Anh hướng tới chức vô địch EURO đầu tiên. (Ảnh: ESPN)

Đội tuyển Anh hướng tới chức vô địch EURO đầu tiên. (Ảnh: ESPN)

Giá trị từng bị xem nhẹ

Tại kỳ EURO trước, sau khi dẫn dắt Đội tuyển Anh lọt vào tới trận chung kết, Gareth Southgate đã đánh giá cao tầm ảnh hưởng của ba cầu thủ kỳ cựu trong đội như Harry Kane, Jordan Henderson, Harry Maguire và Raheem Sterling. Ông gọi họ là “tribal elders” (tạm dịch: Ba già làng).

Chiến lược gia sinh năm 1970 không phải ngẫu nhiên lựa chọn sử dụng từ ngữ như vậy. Theo khẳng định của các chuyên gia Anh, tuyên bố của Gareth Southgate phần nào bị ảnh hưởng bởi Owen Eastwood - chuyên gia góp phần nâng cao tinh thần chiến đấu của Tam Sư.

Owen Eastwood, cựu luật sư xuất thân từ bộ tộc Maori (New Zealand), từng làm huấn luyện viên hiệu suất cho Đội bóng bầu dục New Zealand Warriors, Đội tuyển cricket Nam Phi và là thành viên của Hiệp hội Olympic Anh. Trong ngôn ngữ của tộc Maori, “Whakapapa” nói về việc tìm kiếm cảm giác thân thuộc, gắn bó trong bộ tộc, về sự đoàn kết và sức mạnh mà nó mang lại. Đây là câu “thần chú” của Owen Eastwood luôn nhắc tới trong việc xây dựng lại tinh thần cho các cầu thủ Anh.

Vào năm 2016, Eastwood được Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) giao phó một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất từ trước đến nay: tạo ra bản sắc và sự đoàn kết trong Đội tuyển Anh. Bất kể những nhân tài nổi lên mỗi thời kỳ, đội bóng trong suốt 144 năm lịch sử gần như gắn liền với hai chữ “thất vọng”.

Eastwood nhận nhiệm vụ và ngay lập tức đắm mình vào chủ đề này. Ông đã liên hệ rất nhiều người để phỏng vấn, bao gồm các cầu thủ ở các đội nam, nữ và cả những nhân vật mang tính lịch sử như Jimmy Armfield, Sir Trevor Brooking, Michael Owen và Wayne Rooney, những cái tên có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc với bóng đá Anh.

Michael Owen ghi bàn tại cho đội tuyển Anh. (Ảnh: Gettys)

Michael Owen ghi bàn tại cho đội tuyển Anh. (Ảnh: Gettys)

Điều đọng lại với Eastwood là sự thiếu vắng hoàn toàn của “whakapapa”. Có cảm giác rằng đội tuyển Anh luôn ở trong trạng thái rời rạc và tách biệt khỏi cội nguồn. Tam Sư là đội tuyển quốc gia có bề dày lịch sử nhưng rất ít cầu thủ, dù ở quá khứ hay hiện tại, có thể hiểu được ý nghĩa của việc cống hiến cho Đội tuyển Anh.

Michael Owen, người đã có 89 lần ra sân cho đội tuyển Anh từ năm 1998 đến năm 2008, chia sẻ với Eastwood: “Trong suốt những năm tháng sự nghiệp ở Đội tuyển Anh, không có bất kỳ ai trong phòng thay đồ đề cập về lịch sử của đội hay niềm vinh dự khi là một người dân của nước Anh”.

Cái tôi cao và những sự thù địch

Nước Anh từng sở hữu “thế hệ vàng” với những John Terry, Rio Ferdinand, David Beckham, Wayne Rooney, Steven Gerrard, Michael Owen… Những cái tên kể trên đều là các cầu thủ kiệt xuất giành được vô số danh hiệu lớn nhỏ. Song, tất cả lại trở nên tầm thường đến lạ khi chơi bóng cùng nhau tại Đội tuyển Quốc gia.

Chấn thương và sự mệt mỏi của các cầu thủ sau một mùa giải dài hơi, bản lĩnh kém cỏi trong loạt sút luân lưu, chiến thuật thiếu linh hoạt của hết huấn luyện viên này đến huấn luyện viên khác là những lý do thường được đưa ra cho những thất bại của Đội tuyển Anh ở các giải đấu lớn. Nhưng sâu xa hơn, vấn đề lớn nhất lại đến từ bản sắc văn hóa hay sự thù địch giữa các câu lạc bộ quốc nội.

Các cầu thủ của Đội tuyển Anh thường không chịu bỏ qua cái tôi cá nhân để hướng đến thành công chung cho đội tuyển. Một số cầu thủ coi việc thi đấu cho đội tuyển quốc gia là gánh nặng. Họ dường như muốn vô địch Premier League hay Champions League cùng câu lạc bộ hơn là lên ngôi cùng đội tuyển.

 “Thế hệ vàng” của tuyển Anh gây thất vọng tại World Cup 2006. (Ảnh: Gettys)

“Thế hệ vàng” của tuyển Anh gây thất vọng tại World Cup 2006. (Ảnh: Gettys)

“Điều đó đã giết chết các thế hệ của đội tuyển Anh. Có năm chúng tôi phải chiến đấu với Liverpool để giành chức vô địch, năm khác sẽ là Chelsea. Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ bước vào phòng thay đồ đội tuyển Anh và cởi mở với Frank Lampard, Ashley Cole, John Terry, những người thi đấu cho Chelsea. Cũng tương tự với Steven Gerrard hay Jamie Carragher ở Liverpool, vì tôi sợ họ sẽ biết được thứ gì đó về đội bóng của mình và dùng nó để chống lại chúng tôi.

Thế nhưng, tôi không nhận ra những gì mình làm lúc ấy đã gây tổn hại cho nước Anh. Tôi quá mải mê, quá ám ảnh với chiến thắng cùng Manchester United", trung vệ kỳ cựu Rio Ferdinand từng thẳng thắn chia sẻ.

Sự hình thành của “DNA nước Anh”

Từ năm 2014, Gareth Southgate là người có công rất lớn trong việc ra mắt kế hoạch mang tên “DNA nước Anh”, một kế hoạch nêu rõ sự cần thiết phải tái tạo và thiết lập một bản sắc mới, hiện đại hơn cho Đội tuyển Anh. Một phần trong đó là về bản sắc trên sân, nhằm mục đích "thống trị khi kiểm soát bóng một cách thông minh" và "giành lại quyền kiểm soát bóng sớm và hiệu quả nhất có thể", trong khi các cầu thủ được chơi bóng một cách linh hoạt về mặt chiến thuật.

 Gareth Southgate góp phần hình thành “DNA nước Anh”. (Ảnh: Getty)

Gareth Southgate góp phần hình thành “DNA nước Anh”. (Ảnh: Getty)

Bên cạnh đó, kế hoạch trên cũng nhấn mạnh về bản sắc của Đội tuyển Anh, với một phần có tên “Chúng ta là ai?” nhằm khôi phục lại bản sắc đã mất từ lâu.

“Bóng đá Anh có bề dày lịch sử phong phú mà chúng tôi muốn tất cả các cầu thủ Anh nhận thức và tôn trọng. Trước khi đến Công viên St George, các cầu thủ sẽ hiểu về những yêu cầu cần phải đáp ứng để được đại diện cho nước Anh. Và một quy trình giới thiệu sẽ được chia sẻ với các cầu thủ để họ hiểu về “Phong cách của người Anh”. Thiết lập văn hóa của nước Anh trong và ngoài sân cỏ một cách khác biệt và dễ nhận biết, dựa trên các giá trị và niềm tin rõ ràng, là trọng tâm trong DNA của chúng tôi”, Eastwood giới thiệu.

Cùng với đó, Owen Eastwood thực hiện một nghiên cứu quan trọng để xem xét các câu hỏi như “Văn hóa của đội tuyển Anh là gì? Nó đến từ đâu? Việc trở thành một cầu thủ Anh trong thế kỷ 21 có ý nghĩa gì?”. Ông đã giúp Liên đoàn Bóng đá Anh vạch ra bức tranh về nơi họ cần đến để tìm ra một số điểm chung nhằm kết nối các cầu thủ với Tổ quốc và những giá trị mà Đội tuyển Anh hướng tới.

Một trong những điều đầu tiên FA bắt tay vào làm là nâng cấp cách thức giới thiệu các cầu thủ khi họ có vinh dự đại diện cho Đội tuyển Anh, bất kể ở cấp độ nào. Với các cầu thủ trẻ, lần đầu được triệu tập lên các lứa U của đội tuyển Anh, cống hiến cho đất nước là một khoảnh khắc quan trọng trong sự nghiệp của họ… Khoảnh khắc đặc biệt đó được FA tổ chức một buổi trao mũ lưỡi trai.

Điều tương tự được thực hiện với cấp độ Đội tuyển, khi một cầu thủ có lần đầu lên tuyển, anh sẽ được trao áo đấu trước toàn đội bởi huấn luyện viên, một cầu thủ huyền thoại hoặc một nhân vật đặc biệt. Trong lần đầu được triệu tập lên tuyển Anh, Trent Alexander-Arnold đã có vinh dự được Thân vương William trao áo. Khi Rooney chơi trận đấu cuối cùng cho đội tuyển Anh trong trận giao hữu với Mỹ vào tháng 11 năm 2018, một trong những nhiệm vụ của anh buổi tối hôm đó là trao áo đấu cho các cầu thủ có vinh dự lần đầu ra sân như Alex McCarthy, Lewis Dunk và Callum Wilson. Trong mắt Southgate, đó là một cử chỉ vô cùng quan trọng.

Alexander-Arnold nhận áo từ Thân vương William trong lần đầu lên tuyển. (Ảnh: Getty)

Alexander-Arnold nhận áo từ Thân vương William trong lần đầu lên tuyển. (Ảnh: Getty)

Trước trận đấu thứ 1.000 trong lịch sử, Mason Mount được thông báo rằng anh là cầu thủ thứ 1.243 ra sân cho Đội tuyển Anh. Vì vậy, áo đấu của Mount trong trận đấu này được in con số đó bên dưới huy hiệu Tam Sư.

Mount chia sẻ: “Khi bạn xét về số người muốn trở thành cầu thủ bóng đá và chơi cho đất nước của bạn, chúng tôi chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Và đó là một đặc ân. Với con số dưới huy hiệu, nó gần gũi với trái tim bạn. Có được điều đó trên áo, đó là một khoảnh khắc đáng tự hào.”

Những con số mang tính kế thừa đã trở thành một điểm tham khảo hữu ích khi nói về bề dày lịch sử của Đội tuyển Anh. Một video về các con số như vậy bắt đầu bằng câu chuyện về Cuthbert Ottaway, cầu thủ đa tài đến từ Old Etonian, đội trưởng đầu tiên của đội tuyển Anh nhưng qua đời sớm ở tuổi 27. Nó cũng có sự xuất hiện những cầu thủ vĩ đại như Sir Bobby Charlton (số 767) và Bobby Moore (804) và đặc biệt là Viv Anderson (936), người vào tháng 11 năm 1978 đã trở thành cầu thủ da màu đầu tiên ra sân thi đấu cho nước Anh ở cấp độ Đội tuyển Quốc gia. Ông chính là người mở đường cho sự xuất hiện của những ngôi sao da màu khác tại tuyển Anh, tiêu biểu là Raheem Sterling (1.190), Bukayo Saka (1.253) và Kobbie Mainoo (1.280).

Tất cả những điều này, từ biểu tượng Tam Sư, những con số mang tính kế thừa, các buổi trao áo và trao mũ đều nhằm củng cố ý thức của các cầu thủ về DNA của Đội tuyển Anh.

Xây dựng tập thể đoàn kết

Trong quá khứ, hình ảnh các cầu thủ của Đội tuyển Anh xảy ra xích mích, mâu thuẫn với nhau trong quá trình tập trung là điều thường xuyên xảy ra. Giờ đây, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi.

Điều đó thể hiện rõ trong cách các cầu thủ tương tác với nhau, cả trước ống kính truyền hình và hậu trường ở St George’s Park mà không hề mảy may suy nghĩ gì về sự kình địch trong câu lạc bộ của họ. Có nhiều nhóm cầu thủ khác nhau trong đội, nhưng sự chia rẽ do tính chất thù địch giữa các câu lạc bộ đã là câu chuyện của quá khứ.

Các ngôi sao của tuyển Anh dần xây dựng mối quan hệ tốt với nhau. (Ảnh: Đội tuyển Anh)

Các ngôi sao của tuyển Anh dần xây dựng mối quan hệ tốt với nhau. (Ảnh: Đội tuyển Anh)

Một ngoại lệ hiếm hoi xảy ra vào tháng 11 năm 2019. Sterling xảy ra xích mích với Joe Gomez trong căng tin ở Saint George’s Park để đáp trả lại thái độ coi thường của cầu thủ Liverpool sau trận thua của Manchester City ở Premier League. Southgate đã quyết loại Sterling khỏi đội hình trong trận đấu với Montenegro.

Với một số người, đây là cách huấn luyện viên thị uy, khẳng định quyền lực của mình trong phòng thay đồ. Nhưng với các học trò của Southgate, họ luôn coi đó một tuyên bố quan trọng về văn hóa đoàn kết và sự cần thiết của việc kiềm chế mọi hành động gây bất hòa.

Trong suốt gần tám năm nắm quyền, Southgate luôn nhắc đến các giá trị và nguyên tắc của một “bộ tộc”. Ông thấu hiểu những gì nó đại diện trong lịch sử và cách các cầu thủ chơi sẽ tác động như nào đến tương lai của đội tuyển quốc gia.

“Lịch sử không chỉ có mỗi chúng tôi. Vì vậy, tất cả phải có sự khiêm tốn để nhận ra mình đang ở đâu trong hành trình đó. Nhưng mỗi người cũng phải tận dụng tối đa từng khoảnh khắc để đưa toàn đội đến một vị trí tốt hơn”, Southgate phát biểu trước khi EURO khởi tranh.

Như Eastwood đã nói: “Bạn sẽ không bị đánh giá bởi tiền bạc, danh tiếng hay niềm kiêu hãnh cá nhân. Nhưng, bạn sẽ bị phán xét bởi những gì gây ra cho bộ tộc”. Đó chính là bản chất của “whakapapa” và cũng là tôn chỉ cho các cầu thủ của Đội tuyển Anh để họ chiến đấu vì màu cờ sắc áo.

Bước vào EURO 2024 với một tập thể chất lượng, đoàn kết và giàu khát khao, Gareth Southgate cùng các học trò sẽ nỗ lực hết mình. Tam Sư chắc chắn sẽ là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu vô địch mùa hè này.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-tin-toa-sang-nho-dna-cua-nuoc-anh-post814594.html