Tự tôn văn hóa qua những vụ việc phim Hàn bị ngừng sóng
Những sai lệch văn hóa trên các bộ phim vốn là lỗi nghiêm trọng khiến nhiều người bức xúc, dù nó chỉ diễn ra trong một cảnh phim. Trường hợp cấm chiếu vĩnh viễn của 'Joseon Exorcist' có thể sẽ là bài học cho các nhà làm phim Hàn Quốc về sau.
"Joseon Exorcist" không là duy nhất nhưng là trường hợp cá biệt bị xử lý
Bộ phim cổ trang "Joseon Exorcist" có sự đầu tư lớn giữa đài SBS và YG Entertainment vừa lên sóng hai tập đầu đã vấp phải phản ứng gay gắt của khán giả vì một cảnh quay bàn ăn có yếu tố Trung Quốc. Sau đó, khán giả Hàn còn phát hiện ra tác phẩm đã bóp méo hình ảnh của vị minh quân Taejong và đạo nhái hình ảnh phục trang phim Trung Quốc.
Những tranh cãi xung quanh "Joseon Exorcist" đã khiến các thương hiệu đã rút quảng cáo và khán giả tẩy chay dữ dội. Ngày 26/3, đại diện của SBS đã ra thông báo rằng nhà đài sẽ ngừng chiếu vĩnh viễn tác phẩm cổ trang này cho dù các cảnh quay đã hoàn thành tới 80%.
Một cảnh quay bàn ăn có yếu tố Trung Quốc của "Joseon Exorcist" đã làm dấy lên tranh cãi và tẩy chay dữ dội.
Thực chất "Joseon Exorcist" không phải là phim đầu tiên vướng phải bê bối về việc làm sai lệch lịch sử, nhất là đối với một thị trường phim đồ sộ như ở xứ sở kim chi khi mỗi năm có hàng trăm tác phẩm lên sóng. Tuy nhiên, đây là dự án đầu tiên bị xử lý theo cách cấm chiếu toàn bộ và trở thành trường hợp cá biệt.
Trước đó, tác phẩm "Hoàng hậu Ki" lên sóng năm 2013 từng bị chỉ trích vì làm sai lệch lịch sử. Những người lên tiếng bao gồm cả giới sử gia cho rằng phim đã xây dựng nhân vật nữ chính khác xa với nguyên gốc được ghi chép lại. Tuy vậy, tác phẩm vẫn được đón nhận và đưa tên tuổi của Ha Ji Won lên một tầm cao mới.
"Hoàng hậu Ki" là tác phẩm nổi bật của sao nữ Ha Ji Won dù làm sai lệch hình ảnh lịch sử.
Bộ phim "Quý ngài Ánh dương" năm 2018 cũng nhận nhiều phản ánh từ giới sử gia vì làm sai lệch bối cảnh Hàn Quốc trước và sau khi những đoàn thám hiểm đầu tiên từ châu Mỹ ghé tới đây.
"Quân vương bất diệt" của Lee Min Ho năm 2020 còn bị cho là vay mượn hình ảnh từ văn hóa Nhật Bản dù phản ánh Đại Hàn Đế quốc.
Cuối năm 2020, "Mr. Queen" trở thành trung tâm tranh cãi khi chuyển thể tác phẩm của một nhà văn Trung Quốc từng phát ngôn kỳ thị người Hàn. Phim cũng xây dựng Thần Trinh Vương hậu, vợ của Hiếu Minh Thế tử thành một phụ nữ vô cùng mê tín.
"Mr. Queen" cũng bị phản đối dữ dội vì lấy kịch bản từ nhà văn Trung Quốc.
Tuy vướng phải nhiều tranh cãi, nhưng các tác phẩm này cuối cùng đều về đích an toàn. Nhờ đi theo kịch bản khán giả chỉ trích, nhà sản xuất hứa chỉnh sửa và phim tiếp tục phát sóng rồi trở nên ăn khách, bán được nhiều quảng cáo, thậm chí có mặt trong các đề cử ở những giải thưởng truyền hình lớn của Hàn Quốc.
Những tranh cãi về văn hóa ảnh hưởng đến tâm lý tiếp nhận của khán giả
Văn hóa là một chủ đề tương đối nhạy cảm vì nó liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của cả một dân tộc.
Theo trang tin Naver, nhiều chương trình truyền hình Trung Quốc đang có sự xuất hiện của trang phục Hàn Quốc nhưng lại bị đánh đồng xuất xứ khiến trang này đặt ra câu hỏi rằng liệu Hàn phục có đang bị đánh cắp. Ngay cả món kim chi “quốc hồn quốc túy” của người Hàn cũng bị một chương trình của đài Hồ Nam xem như đặc sản địa phương.
Một món ăn được gắn thẻ ẩm thực Trung Quốc nhưng lại giống với kim chi của người Hàn.
Không những bị chiếm đoạt văn hóa mà những yếu tố Trung Quốc còn len lỏi vào các cảnh quay trên khiến người xem cảm thấy văn hóa nước mình bị coi nhẹ. Ngoài vụ việc của Joseon Exorcist", thì gần đây các thương hiệu xứ Trung còn đặt quảng cáo cho những sản phẩm của mình trên phim Hàn. Đáng nói, những mặt hàng này bao gồm cả món ăn đặc trưng của Hàn Quốc.
Trong năm 2020, bộ phim "True Beauty" từng bị chỉ trích khi quảng cáo lộ liễu cho thực phẩm đóng hộp và ứng dụng mua sắm Trung Quốc. Tới 2021, cặp nhân vật chính trong phim truyền hình "Vincenzo" mất điểm khi dùng bibimbap ăn liền xuất xứ Trung Quốc mà không ngớt lời khen ngon.
Những sự việc như vậy, càng cho thấy các đoàn làm phim đang xem nhẹ yếu tố văn hóa bản địa và không tinh tế khi đưa hình ảnh của Trung Quốc lên sóng trong những thời điểm nhạy cảm. Mặt khác, điều này thể khiến những người xem không quen với văn hóa Á Đông hiểu nhầm rằng châu Á chỉ có một nền văn hóa duy nhất gắn mác “made in China”.
Bài học nào cho các nhà làm phim sau này?
Hàn Quốc vốn là đất nước nổi tiếng với làn sóng Hallyu hay còn gọi là sự bành trướng mềm mang tên văn hóa xứ kim chi. Vì vậy, người Hàn rất coi trọng những yếu tố liên quan đến văn hóa khi đưa một sản phẩm nào đó đến với người khác. Giờ đây họ lại phải đối mặt với sự xâm lăng cả bên trong lẫn bên ngoài về vấn đề này.
Những vụ việc như của "Joseon Exorcist" hay "Mr.Queen" có thể sẽ là lời cảnh tỉnh sớm từ phía khán giả Hàn Quốc gửi đến những người có ý định sản xuất phim nhất là những bộ phim cổ trang. Sự bức xúc của khán giả hoàn toàn có thể trở thành giọt nước tràn ly, 184.000 chữ ký của người dân Hàn Quốc trong bức thỉnh nguyện thư gửi Nhà Xanh chính là minh chứng.
"Joseon Exorcist" có thể sẽ là trường hợp khiến các nhà làm phim phải cẩn trọng hơn nếu không muốn nhận về cái kết tẩy chay.
Việc dừng chiếu vĩnh viễn một bộ phim có thể gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất và đơn vị phát sóng. Theo Seoul Economic Daily, giá trị cổ phiếu của SBS và đơn vị đầu tư sản xuất bộ phim, YG Entertainment, đã giảm mạnh sau ngày 26/3. Tiếp đến, vì 80% phim đã quay xong cũng làm bốc hơi 32 tỷ won tiền đầu tư của hai ông lớn.
Bê bối của "Joseon Exorcist" cũng khiến một bộ phim khác, lấy bối cảnh phong trào đấu tranh dân chủ tại Hàn Quốc là "Snowdrop" bị vạ lây. Nhìn ở một góc độ khác, đây lại là tín hiệu tích cực cho thấy sự sáng suốt của nhà đài và việc đặt lợi ích của ngành giải trí Hàn Quốc lên trên hết.
Như vậy, khán giả sẽ có thể kỳ vọng vào sự cẩn trọng của những nhà làm phim khi lựa chọn hình ảnh và kịch bản để đưa lên sóng. Suy cho cùng, họ chính là những người có trách nhiệm sáng tạo các sản phẩm văn hóa đúng với sự thật, cũng như đảm bảo lòng tự tôn dân tộc để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc.