Từ 'Train to Busan' tới 'Bán đảo' - đâu rồi những suy ngẫm gai góc?

Thành danh qua các bộ phim nói về bức bối xã hội Hàn Quốc, nhưng đạo diễn Yeon Sang-ho chỉ mang tới 'Peninsula' chất hành động đơn giản và một câu chuyện hời hợt.

Peninsula ra đời trong sự kỳ vọng của nhiều khán giả về một tác phẩm có thể giải cứu phòng vé lẫn tiếp nối thiện cảm dành cho Train to Busan (2016).

Ở khía cạnh đầu tiên, sản phẩm của đạo diễn Yeon Sang-ho vẫn đang làm tốt với doanh thu hơn 30 triệu USD toàn cầu chỉ sau hai tuần trình chiếu giữa bối cảnh nhiều nước vẫn chưa mở cửa rạp chiếu phim như trước. Tại riêng Việt Nam, phim cũng hút khách với doanh thu ước tính trên 50 tỷ đồng.

Song, ở khía cạnh thứ hai, Peninsula chưa thể gây tiếng vang lớn như Train to Busan. Sau tuần đầu trình chiếu, trên mạng xã hội, không ít khán giả nhận định phần hậu truyện không hấp dẫn như phần đầu, thậm chí quá khác lạ về mặt phong cách.

Một phần hậu truyện gây nhiều thất vọng

Train to Busan, Yeon xây dựng câu chuyện về cách những người bình thường phản ứng trước đại dịch zombie bùng phát. Ngoài yếu tố máu me, rượt đuổi, bom tấn năm 2016 còn nêu lên thông điệp xã hội mạnh mẽ, nhấn mạnh vào những dạng người khác nhau trong biến cố, qua đó phơi bày khoảng cách giai cấp, sự ích kỷ trong lòng đất nước Hàn Quốc.

Peninsula diễn ra sau Train to Busan bốn năm, khi loài người đã hiểu rõ bệnh dịch, và xoay quanh nhiệm vụ của một nhóm người muốn chiếm đoạt tài sản còn sót lại ở Seoul. Chuyện Yeon bỏ các nhân vật cũ để xây dựng tuyến khác trong bối cảnh hậu tận thế thực chất không phải vấn đề của Peninsula, thậm chí còn có thể mang lại sự tươi mới cho thương hiệu.

 Peninsula khiến khán giả liên tưởng tới nhiều bộ phim Mỹ cũng lấy đề tài xác sống hoặc hậu tận thế. Ảnh: Lotte.

Peninsula khiến khán giả liên tưởng tới nhiều bộ phim Mỹ cũng lấy đề tài xác sống hoặc hậu tận thế. Ảnh: Lotte.

Tuy nhiên, đạo diễn khai triển ý tưởng đơn điệu, có vẻ hơi hời hợt và thiếu đào sâu chất liệu. Cảnh thành phố điêu tàn, một nhóm người sinh tồn với lối sống man rợ đã quá quen thuộc trong phim Hollywood. Thay vì gây sợ hãi, zombie nay chỉ còn là đám bị thịt để người hùng và kẻ xấu tàn sát không mấy khó khăn.

Có thể ví Peninsula như phiên bản Hàn của một bộ phim Mỹ hạng trung lấy chủ đề hành động với xác sống. Và ở các cảnh bắn súng hay đua xe “kiểu Fast & Furious”, kinh phí của dự án cũng như khả năng của Yeon chưa đủ để mang lại sự khác biệt.

Dường như nhà làm phim sinh năm 1978 đang hụt hơi khi làm ra một tác phẩm giống Hollywood hơn là Yeon Sang-ho của thuở trước.

Sự gai góc trong quá khứ của Yeon Sang-ho

Trong sự nghiệp kéo dài, nhà làm phim Hàn Quốc nổi tiếng qua những tác phẩm mang thông điệp xã hội mạnh mẽ. Năm 2015, anh hoàn thành bộ phim hoạt hình Seoul Station - phần trước của Train to Busan, mang tác phẩm đến nhiều liên hoan phim như cách khẳng định tầm nhìn của bản thân.

So với Train to Busan, tác phẩm tiền truyện còn khắc nghiệt hơn khi mô tả cuộc chạy trốn của một cô gái điếm, tên ma cô và nhiều người thấp cổ bé họng trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Đại dịch zombie bùng nổ một phần do chính quyền thờ ơ với tầng lớp thấp cổ bé họng.

Ở một cảnh đỉnh điểm về sự sâu cay, nhóm cảnh sát thấy bầy zombie lao đến và thông báo với cấp trên đó là đám dân vô gia cư làm loạn. Cú twist ở cao trào cũng đẩy cao sự đau đớn trong Seoul Station, vẽ ra một xã hội Hàn Quốc khắc nghiệt, đầy khoảng cách giai cấp, chỉ mạnh mẽ ở trên mà mỏng manh ở dưới. Nếu so với bộ phim hoạt hình ấy, Train to Busan có lẽ còn “tươi sáng” hơn rất nhiều.

 Seoul Station phản ánh rõ nét những ý tưởng của Yeon Sang-ho về xã hội, giai cấp tại Hàn Quốc. Ảnh: Next Entertainment World.

Seoul Station phản ánh rõ nét những ý tưởng của Yeon Sang-ho về xã hội, giai cấp tại Hàn Quốc. Ảnh: Next Entertainment World.

Tiếp tục trở ngược về quá khứ, The King of Pigs (2011) từng gây hứng thú cho giới chuyên môn về quan điểm của Yeon Sang-ho. Tác phẩm hoạt hình đậm chất bạo lực, trong đó các học sinh bị phân chia theo sự giàu có, thứ hạng, địa vị tại một trường trung học. Sự đàn áp mà nhóm ở trên dành cho nhóm dưới dẫn đến nhiều câu chuyện kinh hoàng.

Hay như The Fake (2013) của Yeon cũng khơi gợi một khoảng tối trong xã hội Hàn Quốc. Phim xoay quanh chuyện một nhà thờ tìm cách lừa gạt người dân ở một vùng hẻo lánh của xứ kim chi. Trớ trêu thay, kẻ nắm được sự thật và có thể phanh phui mọi chuyện lại là một gã nghiện rượu, ham cờ bạc, có thói quen bạo hành vợ con.

Thất bại lớn nhất đến từ cách xử lý nhân vật

Các phim của Yeon được xâu chuỗi bởi quan điểm con người mới là kẻ phản diện thật sự, chứ không phải các thế lực ngoại lai (như zombie). Trong Seoul Station Train to Busan, ý tưởng đó được lồng ghép khéo léo qua các nhân dạng đời thường. Nhân vật trong hai bộ phim đa phần đều như chúng ta: công chức, học sinh hoặc những người phải vật lộn kiếm sống.

Qua đó, khán giả dễ đồng cảm và sẵn sàng đồng hành cùng Seok-woo, Sang-hwa (Train to Busan) hay Hye-sun (Seoul Station). Kẻ phản diện cũng nổi lên từ những người để lộ lòng tham sống hoặc tính ích kỷ trong hiểm cảnh. Loạt sự kiện trong phim phá vỡ cuộc sống thường nhật của họ, nhưng đồng thời giống như tấm gương để phản ánh những lối sống khác nhau và hệ quả của nó.

 Đạo diễn quá lúng túng khi xử lý số lượng nhân vật tương đối nhiều của Peninsula. Ảnh: Lotte.

Đạo diễn quá lúng túng khi xử lý số lượng nhân vật tương đối nhiều của Peninsula. Ảnh: Lotte.

Trong khi đó, cách xây dựng nhân vật là điểm trừ lớn của Peninsula. Nhân vật chính Jung-seok (Gang Dong-won) là cựu quân nhân với kỹ năng chiến đấu hơn người, rồi đến Min-jung (Shim Eun-kyung) là đả nữ giết zombie hết sức điêu luyện. Hay cả hai cô bé Joon (Lee Re) và Yu-jin (Lee Ye-won) cũng đủ bản lĩnh và đồ nghề để vượt qua đám xác sống hung hãn.

Việc có khá nhiều nhân vật mang cùng chất mạnh mẽ trong phim vô tình khiến từng người trở nên kém nổi bật. Một biến cố đầu phim được đặt vào Jung-seok, dẫn đến quyết định của anh trong hồi kết. Tình tiết giúp nhân vật có thêm chút khía cạnh nội tâm, nhưng cách khai triển tình huống cuối phim quá lê thê và lộ liễu ý đồ “câu nước mắt”.

Trong lúc tuyến chính diện đơn điệu, Yeon có đặt một chút ý tưởng thú vị vào nhóm phản diện. Họ là những kẻ sống man rợ trong một xã hội đánh mất trật tự, đại diện cho sự nguyên thủy của nhân loại thay vì văn minh. Nhưng nhà làm phim chưa khai thác được triệt để ý tưởng này, mà chỉ đem đến những “chiêu thức” bề mặt như cách ra tay man rợ, ăn nói hầm hồ hay tổ chức giác đấu.

Kẻ ác chính trong Peninsula không sâu sắc hay có động cơ, kế hoạch nào thâm độc. Dù vũ trang đến tận răng, hắn ắt hẳn khó để lại ấn tượng sâu sắc như gã giám đốc hách dịch do Kim Eui-sung hóa thân trong Train to Busan. Cao trào của Peninsula chỉ là cuộc phân tranh thiện - ác đơn thuần, với những chiếc xe tốc độ cao, súng ống và bầy zombie tạo thêm chút gia vị. Cái chất của Yeon trong những bộ phim trước chỉ còn hiện lên mờ nhạt, cùng lối sắp đặt tình tiết, diễn biến tâm lý nhân vật quá “công thức”.

Trên tờ Korea Herald, Yeon Sang-ho để ngỏ ý định thực hiện những phần tiếp theo cho Peninsula. Dù kế hoạch này khả dĩ khi xét đến doanh thu phòng vé, đạo diễn Hàn Quốc cần phải dè chừng việc đi theo lối mòn “vắt sữa” thương hiệu và nguy cơ bế tắc trong việc mang đến những câu chuyện đặc sắc hơn.

Ân Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-train-to-busan-toi-ban-dao-dau-roi-nhung-suy-ngam-gai-goc-post1111361.html