Từ trận lũ lịch sử sau cơn bão số 3: Nâng cấp thế trận phòng, chống thiên tai
Các địa phương cần tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai theo chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Ngày 24/7, Bộ Quốc phòng huy động 2 máy bay trực thăng thuộc Công ty Trực thăng Miền Bắc và Trung đoàn 916 thực hiện nhiệm vụ cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị cô lập tại khu vực phía Tây Nghệ An. (Ảnh: TTXVN phát)
Sau một loạt bài học thiên tai khốc liệt xảy ra trong năm 2024, đặc biệt là trận lũ lịch sử sau bão số 3 (Yagi) lớn nhất kể từ năm 1971, hay “lũ tần suất 5.000 năm mới có một lần” ở Nghệ An xảy ra mới đây sau cơn bão số 3 (Wipha), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh củng cố thế trận phòng, chống thiên tai theo hướng chủ động hơn, phù hợp với chính quyền hai cấp là giải pháp cấp thiết.
Củng cố thế trận phòng chống thiên tai từ cơ sở
Phát biểu tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, diễn ra chiều nay, 24/7, ông Hiệp cho biết theo dự báo, năm 2025, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 8-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (trong đó có 3-5 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào thời điểm cuối năm.
Với diễn biến khí tượng trên, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và các sông suối nhỏ Bắc Bộ sẽ ở mức báo động 2-3; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.
Vì vậy, để kịp thời phòng, chống thiên tai, ông Hiệp cho rằng một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là cần phải sớm rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn và mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Ông Hiệp cũng nhấn mạnh tới việc hoàn thiện bộ quy chế hoạt động trong công tác phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp; kiện toàn cơ quan giúp việc về công tác phòng, chống thiên tai của ban chỉ đạo, ban chỉ huy các cấp, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả, kế thừa các cơ quan hiện có, tránh chồng chéo, không để gián đoạn trong chỉ đạo, tham mưu ứng phó với thiên tai, nhất là tại Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã.
Về công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai, ông Hiệp nhấn mạnh cần tiếp tục tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng...
Cùng với đó là lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung; ban hành và triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đề án phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét khu vực miền Trung và miền núi phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại phiên họp.
Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai theo chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác định trọng điểm, chuẩn bị ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình.
Nâng cấp dự báo, lấy người dân làm trung tâm
Để công tác ứng phó hiệu quả, ông Hiệp cũng đặc biệt lưu ý tới việc nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương để chủ động ứng phó; hoàn thành công tác xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến cấp thôn, bản tại các khu vực trọng điểm.
Tinh thần chủ đạo xuyên suốt năm 2025 là xây dựng và vận hành hiệu quả “thế trận phòng chống thiên tai toàn dân,” lấy người dân là trung tâm, cấp xã là nền tảng.
Do vậy, các địa phương được yêu cầu xây dựng kịch bản sát thực tế, gắn với đặc điểm địa hình, dân cư, cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng đến các tình huống vượt thiết kế như mưa lũ đặc biệt lớn, hồ đập xả tràn khẩn cấp hay ngập lụt đô thị kéo dài.
“Phải thực sự sát dân, sát thực tiễn. Kịch bản ứng phó không thể làm chung chung. Bài học từ bão số 3 năm ngoái cho thấy, những nơi làm tốt phương án thì dù bão mạnh vẫn hạn chế được thiệt hại,” ông Hiệp đặc biệt lưu ý.
Với tinh thần đó, ông Hiệp khuyến nghị tăng cường nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, đảm bảo yêu cầu dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất.
Hiện nay, các đơn vị chuyên môn đang tiếp tục đầu tư hệ thống giám sát mưa, giám sát nước, bản đồ cảnh báo rủi ro đến tận cấp xã; ứng dụng công nghệ ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo và máy bay không người lái cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm nay.
Song song với đó, ông Hiệp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông. Theo đó, ông nêu quan điểm các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, để truyền thông và đưa các bản tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả “nhanh, sâu, sát” tới các cấp chính quyền và người dân.
Ông Hiệp cũng nêu quan điểm cần ưu tiên nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai; các địa phương tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, khắc phục sửa chữa các sự cố, hư hỏng đối với công trình phòng, chống thiên tai, đê điều, hồ chứa, cơ sở hạ tầng thiết yếu do bão, lũ gây ra; phân bổ nguồn lực cho các địa phương đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả nguồn lực./.
Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại từ 3 Ban Chỉ đạo, gồm: Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.