Từ trang báo đến cuộc đời

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là nhà lãnh tụ cách mạng nổi tiếng, nhà văn hóa kiệt xuất, mà còn là nhà báo giỏi. Ngày 21/6/1925, Bác Hồ đã sáng lập ra tờ báo 'Thanh niên' tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là vũ khí sắc bén để Người tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục quần chúng. Trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác Hồ là tác giả của hàng nghìn bài báo với hơn một trăm bút danh. Trong căn nhà sàn giản dị của Bác còn lưu giữ những tập báo Bác đang đọc dở, với chiếc bút chì đỏ, Bác đánh dấu vào bài viết về những con người làm việc tốt để kịp thời gửi tặng Huy hiệu của Người.

Phóng viên Viêt Lam, Báo Biên phòng (ở giữa) trong một lần tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: CTV

Phóng viên Viêt Lam, Báo Biên phòng (ở giữa) trong một lần tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: CTV

Nhà báo Hữu Thọ bằng cuộc đời làm báo phong phú và giàu kinh nghiệm của mình đã đúc kết phẩm chất của một nhà báo bằng sáu chữ: “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc”. Đó là cần có một tầm nhìn trí tuệ để phát hiện vấn đề chưa đủ, mà phải có tấm lòng, bản lĩnh trung thực cùng với khả năng chuyên môn sắc bén kết hợp ba yếu tố: Tầm - tâm - tài mới hoàn hảo. Có thể nói chính xác rằng, năng lực viết báo là một phẩm chất lao động nghề nghiệp của một người làm báo chuyên nghiệp được thể hiện bằng những tố chất như: phải đặc biệt mẫn cảm, nhanh nhạy, kịp thời phát hiện đúng và trúng những hiện tượng mới, những vấn đề mới của muôn mặt đời sống xã hội.

Từ cuộc đời làm báo của mình, người làm báo giỏi là người nhìn đâu cũng thấy vấn đề có thể viết được, nhìn ra những điều mà người khác không có khả năng nhận ra, hoặc đào sâu vào những góc cạnh mà những người khác không nghĩ tới. Để làm được điều đó, bản thân cuộc đời của một người làm báo phải học tập, rèn luyện và tích lũy những vốn kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, lăn lội với thực tế cuộc sống. Có vốn văn hóa sâu để có những bài báo hấp dẫn, lôi cuốn, truyền một năng lượng mới, một tinh thần mới tới người đọc.

Nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại vốn là một nhà báo lâu năm công tác ở Báo Nhân dân đã viết bài thơ “Nhà báo” được nhiều bạn bè đồng nghiệp yêu thích. Chính cái chất thi sĩ pha chút hài hước thâm trầm của ông đồ xứ Nghệ trong con người nhà báo của mình đã tạo ra một giọng điệu thơ dí dỏm mà cũng thăm thẳm nỗi niềm. Chỉ một khổ thơ mấy dòng thôi mà nhà thơ đã vẽ nên công việc hàng ngày của nhà báo: “Xuống huyện xắn quần bàn cơ cấu/Lên rừng vung bút giữ môi sinh”. “Xắn quần” và “vung bút” - hai động thái như là một vế đối hoàn chỉnh tổng thể cái tư thế xông xáo của một chân dung nhà báo. Tôi rất thích hai câu thơ của ông khi viết về trách nhiệm, lương tâm của nghề làm báo: “Ngày xưa cây súng, lòng thanh thản/Cây bút bây giờ mới nặng thay”.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, đã có bao nhà báo ngã xuống ở chiến trường. Trong bảo tàng của Hội Nhà báo Việt Nam còn lưu giữ những tấm áo chuyên dụng nhà báo với nhiều túi áo còn lỗ chỗ vết đạn. Tôi ví tấm áo nhà báo đó như là một căn cước, một chứng chỉ của nghề nghiệp. Có thể đó như tấm áo trấn thủ trên chiến hào bao vây đánh lấn của mặt trận Điện Biên Phủ năm nào, hay tấm áo phao bơi khi ra với các chiến sĩ Trường Sa. Còn đó những chiếc máy quay phim, chụp ảnh mang bao vết đạn thù. Trong những thước phim nóng hổi khói lửa chiến trường, có bao hình ảnh người lính xung phong được quay lại, được lưu giữ chỉ không có hình ảnh người chiến sĩ nhà báo quay phim. Có thể, anh đã ngã xuống khi chưa kịp xem những thước phim của mình. Còn đó những tập bản thảo ngã màu nhòe nét chữ bởi những cơn sốt rét rừng của người viết.

Thật cảm động biết bao khi đọc lại bài thơ “Nghề báo” của tác giả Thanh Hằng viết về sự hy sinh của một người bạn đồng nghiệp bị lũ cuốn đi. Một sự hy sinh dũng cảm trong thời bình. Nhà báo đã ngã xuống tâm sự với mẹ bao tâm tình thổn thức với một sự tự nguyện dấn thân, không quản nguy hiểm đến tính mạng của mình: “Giữa bão dông bên dòng nước xiết/Phóng sự này con chân thực ghi nhanh/Có ngờ đâu trận lũ quét tan tành/Đã mãi mãi cuốn con vào dòng chảy”. Và anh đã thanh thản: “Mẹ đừng khóc giản đơn nghề con vậy/Cháy hết mình với nghiệp báo đam mê”.

Vâng, từ trang báo đến cuộc đời - khoảng cách đó chính là sự đam mê hết mình, tự nguyện hết mình, cống hiến hết mình cho nghề báo, nghề mà nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại đã từng ao ước thật khiêm nhường mà cũng đầy bản lĩnh: “Tài mọn, thôi làm viên đá lát/Làm ngọn đèn chong khát ánh ngày...”.

Nguyễn Ngọc Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-trang-bao-den-cuoc-doi-post477068.html