Từ tranh chấp dân sự đến những vụ nổ súng lạnh người
Những tranh chấp, mâu thuẫn dân sự cần được phát hiện, hòa giải nhằm giải quyết kịp thời để tránh mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài có thể trở thành tội ác.
Ngày 16/2, Công an tỉnh Lạng Sơn khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vi Văn Thoại (SN 1970, trú tại thôn Nà Đon, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) để điều tra hành vi giết người.
Điều tra ban đầu cho thấy, khoảng 16h ngày 27/1, sau khi vào rừng săn bắt thú, trên đường về đến đoạn ngã 3 Pò Deng, thuộc thôn Nà Đon, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, Thoại nấp sau bụi cây ven đường mật phục.
Ông ta đã dùng súng tự chế (súng kíp) có tra đầu đạn vũ khí quân dụng bắn vợ chồng cháu ruột là anh V.V.B (SN 1991) và chị N.T.H (SN 1990).
Chị H. bị trúng 1 viên đạn, trong khi anh B. nhận 16 viên đạn từ kẻ giết người.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên được xác định, do nhiều năm Thoại mâu thuẫn tranh chấp đất đai với gia đình anh trai ruột và không được giải quyết thỏa đáng.
Trong một diễn biến khác, vào khoảng 9h50 sáng 15/2, tại xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, khi vợ chồng ông Lê Văn T. (SN 1971) đang xây tường rào cho con trai thì bị hàng xóm là Lê Văn Hữu (SN 1981) đứng trên tầng 2 dùng súng bắn.
Vụ nổ súng khiến ông Lê Văn T. tử vong, còn bà Phạm Thị Đ. bị thương nặng. Gây án xong, Hữu dùng súng tự sát.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, diễn biến sự việc ở Thái Nguyên dưới góc độ pháp lý là hành vi giết người. Nếu hung thủ còn sống sẽ bị xử lý hình sự về tội Giết người theo điều 123 BLHS năm 2015.
Trường hợp này hung thủ đã chết, CQĐT sẽ vẫn khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người để tiến hành điều tra.
Trường hợp hung thủ là người phạm tội duy nhất đã chết, không còn đồng phạm khác, CQĐT sẽ đình chỉ điều tra vụ án này. Tuy nhiên, khởi tố vụ án là việc bắt buộc phải làm để có căn cứ tiến hành các hoạt động điều tra, làm sáng tỏ vụ việc để giải quyết theo quy định pháp luật.
Nếu quá trình điều tra có căn cứ cho thấy, ngoài hung thủ gây án đã chết, còn có người khác đồng phạm giúp sức, xúi giục hoặc vi phạm quy định về quản lý vũ khí, người này sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng.
Dù kẻ gây án đã chết, trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn sẽ được đặt ra. Gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu những người thừa kế của hung thủ phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho nạn nhân.
Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc nạn nhân với nạn nhân đang cấp cứu, tiền tổn thất về tinh thần và chi phí mai táng đối với nạn nhân đã tử vong.
Những người thừa kế của nạn nhân hung thủ có trách nhiệm sử dụng tài sản do đối tượng gây án để lại để bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Sau khi bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác mà còn tài sản thì số tài sản dư thừa mới chia thừa kế cho các thừa kế của hung thủ trong vụ án này theo quy định của pháp luật thừa kế.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương
Theo luật sư Đặng Văn Cường, khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, pháp luật đã có quy định về hòa giải cơ sở; quy định của chính quyền địa phương trong việc duy trì đoàn kết nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự.
Thời gian gần đây có những vụ việc tranh chấp dân sự không được giải quyết kịp thời, triệt để, dẫn đến án mạng xảy ra.
Bởi vậy, trong những vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể; của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự; trong việc thực hiện công tác hòa giải cơ sở.
Nếu có vi phạm, có thể kỷ luật, thậm chí thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để giảm thiểu những vụ việc đau lòng như vậy có thể xảy ra.
Để giảm thiểu những vụ án thảm khốc, đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ tranh chấp dân sự như kể trên, luật sư Đào Văn Cường cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác hòa giải, đảm bảo an ninh trật tự; cần quản lý tốt vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Những tranh chấp mâu thuẫn dân sự cần phải được phát hiện, hòa giải và giải quyết kịp thời để tránh mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài có thể trở thành tội ác.