Tu trên đường
Trong lúc chạy trên đường, thay vì hát nhạc bolero hoặc suy nghĩ mông lung, ta có thể niệm danh hiệu Phật, Bồ-tát… Từng câu niệm ta đều biết rõ và biết rõ là mình đang lái xe, đang cùng niệm Phật.
Quảng cáo
Tu ở trên đường như thế nào?
Tu hạnh Nhẫn
Ở trên đường có nhiều sự việc cần mình nhẫn lắm. Trời mùa này nắng nóng, chạy xe giữa trưa, mặt đường nhựa nhiệt độ tăng cao hắt lên mặt luồng không khí hừng hực. Lúc đó ta nghĩ gì? Cái nóng có làm mình bực không? Từ cái bực bởi nắng nóng ta có dễ sanh tâm khó chịu với ai đó khi họ nhỡ nhìn ta bằng ánh mắt thiếu thiện cảm do ta chạy hơi lấn làn đường?
Hoặc một va chạm nhỏ của người đi cùng chiều có làm ta nổi sân si? “Giận quá mất khôn”, đúc kết này của người xưa nhắc mình cẩn thận với những cơn giận trồi lên do những tương tác, va chạm trên đường. “Khôn” ở đây là sự điềm tĩnh xử lý, làm chủ mình trước cái nóng, trước những lỗi nhỏ trên đường, thậm chí ngay cả khi bị người khác phạm lỗi với mình.
Nhẫn, là không ăn thua đủ hay khó chịu với người khác, là chuyển hóa những va chạm nhỏ thành sự hòa giải nhẹ nhàng. Câu chuyện về anh chủ xe Mercedes và anh chạy xe máy va chạm rồi thành bạn, thành ân nhân vừa diễn ra ở cầu Bình Phước 2 (TP.HCM) đầu tháng 3 này là minh chứng của việc họa hay phúc phụ thuộc ở cách mình ứng xử. Nếu họ nóng nảy, có lẽ sự đã sinh, đã gieo một hình ảnh xấu xí trên lộ trình về nhà, trong văn hóa giao thông công cộng.
Tu hạnh Từ bi
Trên đường đi, ta có thể gặp nhiều trường hợp bất như ý. Họ khổ lắm. Từ người bán vé số tàn tật đến em nhỏ, người già lăn lộn mưu sinh. Ở Sài Gòn, hình ảnh đó không hiếm. Về nhân duyên sâu xa, để rơi vào tình cảnh đó, chắc họ đã từng gieo nhân tương ứng. Nhưng mình quán chiếu để thương và nếu giúp được thì giúp. Mua một tờ vé số hay tặng họ vài mươi ngàn, xem như mời một ly nước, bữa trưa. Cầu cho họ bớt khổ. Mong cho họ biết được Phật pháp để tỏ được con đường, để không than trời trách Phật nữa mà vui với hiện tại, lánh ác làm lành.
Gửi được những ý niệm thương tưởng và cảm thông với họ thay vì lướt qua vô tình, hay suy nghĩ tiêu cực về họ, ta sẽ vun bồi lòng từ nơi mình.
Tu hạnh Tùy hỷ
Thực tế, trên đường đi, có những người đã làm những việc rất dễ thương. Một góc nhỏ ở ngã tư Võ Văn Tần - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM) hay ngay đầu cầu Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), một bình nước uống miễn phí vẫn hiện diện đó, gần như mỗi ngày và nhiều năm qua. Những góc khác ở Sài Gòn vẫn có những bình nước sẻ chia như thế.
Rồi những quán cơm giá rẻ, những người tặng quà đêm cho người vô gia cư… Tất cả đã cùng góp tay cho bức tranh bao dung nơi phố, nơi người. Có thể ta đã từng làm và vẫn còn tiếp tục việc chia sẻ tương tự. Có thể ta chưa làm được. Thì ta có thể “tùy hỷ công đức”. Đây là một trong những hạnh nguyện của Đức Bồ-tát Phổ Hiền.
Tùy hỷ với việc lành ta sẽ mở lòng trong tương lai và ngăn tư tưởng “ghen ăn tức ở” nơi mình. Con người hay ganh tỵ, ngay cả với việc tốt của người mà mình chưa phát tâm hoặc chưa làm được.
Thực tập thiền hoặc niệm Phật
Lái xe ta vẫn có thể chú ý hơi thở, chánh niệm - lái xe và biết mình đang lái xe, không để tán tâm vào việc đâu đâu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy về pháp nghe chuông để dừng lại, thở, mỉm cười. Ngài lấy ví dụ, chiếc đèn xanh - đỏ cũng là một… tiếng chuông. Thay vì thấy đèn vàng, ta rồ ga chạy qua thì hãy hạ tốc độ, dừng đúng vạch. Trong thời gian những giây đèn đỏ trôi qua, ta chú ý hơi thở, biết mình đang thở, an trú tại đó, với niềm hoan hỷ. Khi ấy, ngã tư cũng là thiền đường của mình vậy.
Trong lúc chạy trên đường, thay vì hát nhạc bolero hoặc suy nghĩ mông lung, ta có thể niệm danh hiệu Phật, Bồ-tát… Từng câu niệm ta đều biết rõ và biết rõ là mình đang lái xe, đang cùng niệm Phật. Lúc đó, tâm ta kết nối với Tam bảo, an vui có mặt. Đó cũng là cách ngăn ta có hành xử không đúng mực trên đường, chẳng hạn vượt đèn đỏ hay nhìn những va chạm với tâm khó chịu. Đây là một sự nương nhau biểu hiện của tâm và cảnh. Một khi lòng ta đầy tình thương, sự hiểu biết, ta sẽ không vướng mắc bởi những biểu hiện thế tục bên ngoài, cứ thế tiến lên.
Tu trên đường cũng là cách ta kiến tạo bình an tự thân và cho những người khác.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tu-tren-duong-post55689.html