'Tứ trụ cao thủ' chùa Thiếu Lâm trong tiểu thuyết Kim Dung gồm những ai?
Thiếu Lâm tự là một trong những môn phái đứng đầu trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, trong môn phái này luôn có những cao thủ hàng đầu sở hữu võ công thâm hậu khiến cả giang hồ kính nể.
Vô danh thần tăng
Vô danh thần tăng.
Đây là một nhân vật không hề có tên hay ngoại hiệu, Vô danh thần tăng là cách gọi của nhiều fan kiếm hiệp về nhân vật đặc biệt trên. Xuất hiện ngắn ngủi một vài đoạn trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ của cố nhà văn Kim Dung, nhưng ấn tượng mà đệ nhất cao thủ này để lại mãnh liệt tới mức không mấy người mê truyện không nhớ tới.
Vốn chỉ là nhà sư quét chùa, Vô danh thần tăng xuất hiện một cách khiêm tốn, giản dị trong tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung với bộ áo cà sa sờn cũ, hòa giải ân oán giữa Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác.
Tuyệt thế võ thuật của lão tăng này chính là làm được những việc không ai làm được. Hai chưởng đánh gục Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn nhẹ như lông hồng, dùng một tay đỡ đòn Hàng long thập bát chưởng của Kiều Phong mà chỉ lui vài bước đủ để thấy võ công của Vô danh thần tăng cao thâm tới mức nào.
Lặng lẽ làm người quét dọn Tàng Kinh các (kho chứa sách kinh) suốt mấy chục năm nhưng luận về tài và đức của tăng sư thì đến đại đức cao tăng cũng phải nghiêng mình kính phục. Nhân vật này được coi là người có võ công cao nhất đương thời trong Thiên long bát bộ.
Không Kiến thần tăng
Không Kiến thần tăng.
Xuất hiện trong Ỷ thiên đồ long ký Không Kiến thần tăng được nhắc đến qua lời kể của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Không Kiến Thần Tăng là Phương trượng chùa Thiếu Lâm, đứng đầu Tứ đại thần tăng, ông cũng là người duy nhất luyện thành Kim cương bất hoại thể thần công trong tất cả các bộ truyện của Kim Dung, sau khi Thành Côn bái ông làm thầy, ông đã đứng ra hóa giải thù hận của y với Tạ Tốn, ông cam chịu 13 quyền Thất thương của Tạ Tốn mà không đáp trả.
Theo Tạ Tốn thì mỗi đòn quyền của ông đánh ra, Không Kiến Thần Tăng đều tiến lên một bước, dùng cơ thể mình đỡ trực tiếp quyền của Tạ Tốn, khiến cho kình lực của đòn đánh phản lại vào chính cơ thể Tạ Tốn, lực đánh ra càng mạnh thì sức phản chấn càng mạnh. Tuy nhiên, do Thần Tăng sơ ý không đề phòng nên viên tịch, cái chết của ông là hối hận lớn nhất đời Tạ Tốn.
Giác Viễn đại sư
Xuất hiện ngắn ngủi trong phần cuối Thần điêu đại hiệp và phần đầu Ỷ thiên đồ long ký, Giác Viễn đại sư được cố nhà văn Kim Dung mô tả là nhà sư được giao nhiệm vụ coi giữ Tàng Kinh các của Thiếu Lâm tự. Công việc hàng ngày của ông là quét bụi, lau ghế, chống mối mọt phá hoại kinh sách, giữ sách nguyên vẹn phục vụ các nhà sư khác vào đọc để rèn luyện võ công.
Giác Viễn đại sư.
Trong Thần điêu đại hiệp, chẳng may thế nào, Giác Viễn đại sư đã làm mất quyển kinh rất quý có tên là kinh Lăng già (thực ra là bị trộm mất). Lúc đó ông cùng với đệ tử của mình là Trương Quân Bảo (Trương Tam Phong) đuổi theo Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây vì hai tên này đã lẻn vào Tàng kinh các Thiếu Lâm ăn cắp bộ kinh Lăng già (trong kinh có ẩn chứa bí kíp Cửu dương chân kinh). Thấy không ổn, Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử dùng gian kế nhét kinh thư vào bụng của một con vượn trắng to để nhằm hòng chối tội. Nên Giác Viễn đại sư và Quân Bảo đành phải quay trở về Thiếu Lâm chịu tội làm mất kinh thư.
Khi Côn Luân Tam Thánh (hay Côn Lôn Tam Thánh) tên là Hà Túc Đạo gửi thư khiêu chiến Thiếu Lâm, kỳ thực là muốn chuyển lời nhắn của Doãn Khắc Tây, một trong hai người trộm trước khi chết đã ăn năn hối hận, muốn nhờ Hà Túc Đạo chuyển tới Giác Viễn chỉ một câu nói thế này: "Kinh ở trong Hầu" nhưng do kiệt sức phát âm không nổi, cộng thêm Hà Túc Đạo là người Tây Vực không hiểu tiếng Hán lắm nên nghe nhầm là "Sách để trong dầu".
Trong lúc cả Thiếu Lâm còn đang hoang mang vì thư khiêu chiến của vị cao thủ Tây Vực này, thì vô tình Hà Túc Đạo gặp mặt Giác Viễn đại sư. Giác Viễn đại sư do đọc qua kinh Lăng già nên vô tình đã luyện được Cửu Dương chân kinh nên có được nội công thâm hậu khiến Hà Túc Đạo nhận thua, sau đó Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo tuyệt vọng, đau đớn khi biết võ công của mình kém xa một kẻ bình thường giữ tàng kinh các, y bỏ về Côn Luân, từ đó không đến Trung Nguyên nữa.
Phương Chứng đại sư
Xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, Phương Chứng đại sư (hay Phương Chấn đại sư) được cố nhà văn Kim Dung mô tả, là chưởng môn phái Thiếu Lâm, trụ trì Thiếu Lâm tự. Phương Chứng là một hòa thượng nhân từ, nhưng khác với tưởng tượng của Lệnh Hồ Xung cũng như đa số người, Phương Chứng đại sư phải là một cao tăng đắc đạo, nhưng thực tế thì Phương Chứng đại sư chỉ là "một vị lão tăng người thấp lùn nhỏ bé, với vẻ mặt sầu khổ không hiểu đã bao nhiêu tuổi", ít ai ngờ rằng vị phương trượng Thiếu Lâm tiếng tăm lừng lẫy giang hồ lại trông bình thường như thế.
Phương Chứng đại sư trong phim Tiếu ngạo giang hồ 2001.
Nhưng đằng sau cái dáng vẻ bình thường đó lại là một con người đáng kính trọng. Ngay cả một kẻ kiêu ngạo như Nhậm Ngã Hành cũng phải khâm phục Phương Chứng đại sư.
Võ công vị đại sư này đã tới mức xuất thần nhập hóa, với nội công Dịch cân kinh vô địch cộng với Thiên thủ Như Lai chưởng, ông còn trên cơ cả Nhậm Ngã Hành. Nhưng cái để người ta phải khâm phục ông không phải là võ công mà là tài trí cùng với tấm lòng từ bi của một vị cao tăng đắc đạo.
Khi Lệnh Hồ Xung được Doanh Doanh cõng lên chùa Thiếu Lâm trong tình trạng suy kiệt sắp chết, và biết Nhạc Bất Quần đã đuổi chàng ra khỏi sư môn, Phương Chứng đại sư không hề nghĩ tới cái mối thù cô vừa giết mấy đệ tử của bản tự, ông đã nhận lời cứu Lệnh Hồ Xung, với yêu cầu Doanh Doanh phải ở lại chùa Thiếu Lâm, Phương Chứng đại sư chỉ muốn tạm giam Doanh Doanh để giang hồ được bình yên, vì cô là thánh cô của ma giáo. Phương Chứng đại sư cũng nhận lời truyền thụ Dịch cân kinh cho Lệnh Hồ Xung với điều kiện chàng chịu gia nhập phái Thiếu Lâm, nhưng Lệnh Hồ Xung không đồng ý.
Đến khi quần hùng tụ tập tại Thiếu Lâm tự để đối phó ba người Nhậm Ngã Hành, Nhậm Doanh Doanh và Hướng Vấn Thiên, cán cân lực lượng nghiêng hẳn về bên phe chánh phái, thế nhưng Phương Chứng chỉ đưa ra yêu cầu hai bên tỷ thí võ công 3 hiệp, nếu chánh phái thắng thì tạm giam 3 vị đó 10 năm trên thiếu lâm để tạo phúc cho võ lâm đồng đạo, còn thua thì sẽ để 3 vị đó an toàn xuống núi.
Tuy nhiên, Phương Chứng đại sư đã để thua Nhậm Ngã Hành cũng chỉ vì tấm lòng từ bi của mình muốn cứu Dư Thương Hải mà trúng chưởng của họ Nhậm kia. Cũng chính Phương Chứng là người đã nhìn ra âm mưu thâm sâu của Nhạc Bất Quần cùng Tả Lãnh Thiền mà nói cho Lệnh Hồ Xung biết.