Từ trung cấp lên cao đẳng, trường Y tế Ninh Thuận nhiều thuận lợi vì thuộc UBND

Khi là trường cao đẳng y tế, trường sẽ là đơn vị trực thuộc trực tiếp UBND tỉnh Ninh Thuận nên tất yếu sẽ được quan tâm nhiều hơn trong việc chỉ đạo, hỗ trợ.

Ngày 16/07/2024, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã ra Quyết định số 940/QĐ-LĐTBXH về việc thành lập Trường Cao đẳng Y tế Ninh Thuận trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Y tế Ninh Thuận. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Theo đó, Trường Cao đẳng Y tế Ninh Thuận là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đào tạo theo 03 cấp trình độ là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.

Ngoài ra, nhà trường còn có chức năng là bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động; Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; hợp tác, liên kết tổ chức đào tạo; tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật; Hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Quyết định cũng nêu rõ, Trường Cao đẳng Y tế Ninh Thuận sẽ trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hoạt động theo Điều lệ trường cao đẳng và quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều thuận lợi khi nâng cấp lên trường cao đẳng y tế

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về thông tin trên, Bác sĩ chuyên khoa 2 Trà Sanh – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, việc nâng cấp lên trường cao đẳng y tế sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho nhà trường, nhất là trong vấn đề đào tạo.

Thầy Sanh thông tin, theo Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7/10/2015 quy định: "Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành điều dưỡng; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành hộ sinh; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật y hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật y. Viên chức có trình độ trung cấp đã được tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV, chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng IV, chức danh nghề nghiệp kỹ thuật y hạng IV trước 01 tháng 01 năm 2021 phải chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng đúng chuyên ngành tuyển dụng chậm nhất trước ngày 01 tháng 01 năm 2025...."

Như vậy, từ ngày 1/1/2021, viên chức ngành y phải có trình độ cao đẳng trở lên, và từ năm 2025, chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y sẽ bị hủy bỏ. Điều này được đưa là nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế, chủ động hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa Việt Nam và các nước ASEAN.

Theo quy định trên, từ năm 2018, các trường phải ngừng tuyển sinh và đào tạo trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học.

 Cổng Trường Trung cấp Y tế Ninh Thuận (Ảnh: NTCC).

Cổng Trường Trung cấp Y tế Ninh Thuận (Ảnh: NTCC).

Bên cạnh đó, thầy Sanh cho hay, theo quy định hiện hành về giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, nếu không nâng lên là trường cao đẳng, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không được tham gia trong công tác khám, chữa bệnh.

Chính vì vậy, việc nhà trường nâng cấp lên trường cao đẳng y tế là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp để đảm bảo về đầu ra và cơ hội việc làm cho người học, để cho người dân trên địa bàn an tâm khi đăng ký lựa chọn mà không phải di chuyển đến những địa phương khác để học tập.

Ngoài đảm bảo đầu ra cho người học, theo thầy Sanh, việc nâng cấp lên trường cao đẳng cũng thuận lợi cho nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện đào tạo lại cho cán bộ y tế trên địa bàn.

Không những vậy, với vị thế của một trường cao đẳng y tế, vấn đề liên kết đào tạo, đặc biệt là trong đào tạo xuất khẩu lao động. Bởi, trên thực tế, theo yêu cầu của nhiều trường, đơn vị đối tác đòi hỏi phải là trường cao đẳng. Thầy Sanh kể lại, cách đây vài năm, nhà trường cũng có ký kết với một số trường, học viện ở Nhật Bản, tuy nhiên quá trình triển khai gặp một số khó khăn.

Việc nâng cấp lên trường cao đẳng cũng giúp cho công tác phối hợp với các bệnh viện là những cơ sở thực hành cho sinh viên nhà trường được thuận lợi hơn.

Hơn nữa, khi lên trường cao đẳng, trường sẽ là đơn vị trực thuộc trực tiếp Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận (khi là trường trung cấp thì trực thuộc Sở Y tế Ninh Thuận) nên tất yếu sẽ được quan tâm nhiều hơn trong việc chỉ đạo, hỗ trợ. Hiện trường đang thực hiện công tác bàn giao từ trực thuộc Sở Y tế về Ủy ban nhân dân tỉnh.

“Những mặt thuận lợi này nhằm tạo điều kiện cho con em tỉnh Ninh Thuận có cơ hội được học tập, tiếp cận với chương trình đào tạo những ngành y tế có chất lượng, tiệm cận với quốc tế hơn và đảm bảo về cơ hội việc làm cho các em”, thầy Sanh nói.

Cũng theo thầy Sanh, công tác chuẩn bị đội ngũ nhân lực để đảm bảo đủ các chuẩn đào tạo trình độ cao đẳng đã được trường chuẩn bị cách đây hơn 10 năm. Hiện, bên cạnh 3 giảng viên là bác sĩ chuyên khoa 2, số thầy cô có trình độ thạc sỹ của trường hiện chiếm đến hơn 50% tổng số giảng viên toàn trường, còn lại là trình độ cử nhân.

Ngoài ra, trường cũng bố trí để giảng viên đi học bồi dưỡng các chứng chỉ về giảng dạy cao đẳng, đại học; giảng dạy thực hành lâm sàng, sư phạm y học, đào tạo nghề, …

Thầy Sanh thông tin thêm, khi là trường trung cấp, trong 4,5 năm nay, trường chỉ chủ yếu đào tạo theo nhu cầu của xã hội nên công tác tuyển sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các ngành được trường đào tạo gồm ngành Dược, Y sĩ đa khoa, điều dưỡng trình độ trung cấp và dược tá, y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản trình độ sơ cấp.

Năm học 2024 - 2025, khi là trường cao đẳng, trường sẽ bắt đầu đào tạo ngành Dược và Điều dưỡng trình độ cao đẳng. Dự kiến khi lên trường cao đẳng, công tác tuyển sinh của nhà trường sẽ khả quan và thuận lợi hơn.

Mặt khác, nhà trường cũng dự định trong thời gian tới sẽ phát triển thành trường cao đẳng chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực y tế không chỉ phục vụ cho thị trường lao động trong nước mà cả ở nước ngoài.

Còn nhiều thách thức trong việc đào tạo lĩnh vực y tế trình độ cao đẳng

Là đơn vị sắp tới sẽ đào tạo ngành học trình độ cao đẳng, thầy Sanh cũng bày tỏ nỗi trăn trở về những khó khăn, vướng mắc đối đầu ra của sinh viên tốt nghiệp cao đẳng Dược hiện nay. Có thể thấy rằng, thực tế hiện nay, Dược sĩ trình độ cao đẳng và Dược sĩ trình độ trung cấp hiện đều xếp vào cùng một chức danh nghề nghiệp là Dược hạng IV – mã số V.08.08.23. Trong khi đó, thời gian học của hệ cao đẳng nhiều hơn trung cấp 1 năm.

Theo thầy Sanh, việc học khác trình độ, khác thời gian đào tạo nhưng lại xếp “ngồi chung” một bậc chức danh nghề nghiệp như vậy là chưa phù hợp. Chính vì vậy, cần có thêm mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với Dược sĩ trình độ cao đẳng để đảm bảo về vị trí việc làm cho các em.

Cũng theo thầy Sanh, qua đợt đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều em ngại chọn học các ngành thuộc lĩnh vực Y tế. Hiện nay tại nhiều bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh Ninh Thuận đang có một khoảng trống của đội ngũ kế cận.

Tuy nhiên, có một thực tế là việc tinh giản biên chế tại các cơ quan còn mang tính số học, trong khi đó giáo dục và y tế cần phải tăng về số biên chế. Thực trạng này đã gây ra hạn chế đến định hướng phát triển phát triển nhân lực y tế của nhiều địa phương và ảnh hưởng đến đầu ra của sinh viên ngành y tế.

Mặt khác, sự chênh lệch trong chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng y tế ở mỗi địa phương còn khá lớn.

Do vậy, thầy Sanh đề xuất, cần phải có khung chương trình đào tạo mang tính thống nhất, ràng buộc ở tất cả các ngành y tế trình độ cao đẳng đối với tất cả các trường cao đẳng y tế trên cả nước. Đơn cử, chương trình khung được xây dựng nên có 70% là phần bắt buộc, cố định còn 30% là vận dụng theo thực tế của địa phương sẽ phù hợp hơn.

Việc thống nhất trong chương trình đào tạo như vậy sẽ đảm bảo về chất lượng đầu ra cho sinh viên dù học tại trường ở bất kỳ tỉnh, thành phố nào.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tu-trung-cap-len-cao-dang-truong-y-te-ninh-thuan-nhieu-thuan-loi-vi-thuoc-ubnd-post244354.gd