Từ trường đại học đến thực tiễn thị trường dịch vụ pháp lý
Ngày 13/6, Trường đại học Hòa Bình tổ chức tọa đàm 'Nhân lực ngành luật - từ trường đại học đến thực tiễn thị trường dịch vụ pháp lý trong nước và quốc tế'. Đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư tham dự tọa đàm.
Theo PGS, TS, NGND Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình, trước đây cả nước chỉ có khoảng 10 trường đại học đào tạo các ngành luật nhưng hiện nay có tới gần 200 trường có đào tạo các ngành luật. Cơ sở đào tạo ngành luật có thể chia thành ba nhóm: Các cơ sở đào tạo chuyên về các ngành luật; các cơ sở đào tạo các ngành luật thuộc Đại học Quốc gia, Đại học vùng; các cơ sở đào tạo đa ngành, trong đó có ngành luật. Việc số lượng cơ sở đào tạo các ngành luật tăng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đang rất thiếu hiện nay. Tuy nhiên, đào tạo ngành luật hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
Một trong những hạn chế là quy mô, số lượng cơ sở đào tạo ngành luật tăng nhanh nhưng công tác quản lý còn bất cập. Nhất là việc cơ quan quản lý Nhà nước quy định các cơ sở đào tạo phải theo khung chương trình của các trường đào tạo chuyên về các ngành luật là không phù hợp với thị trường, tính đặc thù, mới, linh hoạt của mỗi cơ sở đào tạo. Một số trường vẫn áp dụng khung chương trình để đến cuối khóa mới cho sinh viên đi thực tập là lạc hậu. Mặc dù đào tạo các ngành luật là khoa học thực hành nhưng đội ngũ giảng viên của nhiều trường không là luật sư, không có hoạt động thực tiễn. Sự kết nối giữa các trường có đào tạo các ngành luật, kết nối về học liệu… còn rời rạc.
Vì vậy, theo PGS Tô Ngọc Hưng, cơ quan quản lý Nhà nước không nên quy định khung chương trình đào tạo theo một phương thức mà chỉ nên quy định khung tối thiểu còn lại các trường phải có sự khác biệt, tạo ra những cái mới. Thực tế khi đào tạo các ngành luật của Trường đại học Hòa Bình, sinh viên sẽ được tiếp cận công việc, thực tập ngay từ năm thứ nhất và xuyên suốt quá trình học tập cho nên khi ra trường có thể làm việc hiệu quả được ngay.
Luật sư Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng văn phòng Luật sư minh bạch quốc tế cho rằng, việc thực tập, thực hành thực tế là điều rất quan trọng đối với đào tạo khối ngành luật. Bởi rào cản lớn nhất đối với sinh viên mới tốt nghiệp ra trường là khả năng triển khai thực tế công việc. Có những cơ sở đào tạo chỉ cho sinh viên thực tập khi sắp ra trường thì chỉ là giải pháp đối phó. Bởi thực tập 1-2 tháng cuối khóa thì không thể trau đồi được thực tiễn.
Vì vậy, trong chương trình đào tạo cần ưu tiên để sinh viên học tập khối ngành luật thực tập thực tế ngay từ năm thứ nhất cho đến hết năm cuối; gắn lý thuyết với thực hành. “Các trường cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên luật trong bối cảnh hội nhập hiện nay; đồng thời có thể thành lập trung tâm tư vấn pháp lý để sinh viên học tập gắn với thực tiễn tại trường”- Luật sư Nguyễn Văn Hoàng khuyến nghị.
Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư toàn cầu cũng cho rằng khung đào tạo của của các trường cần có các hoạt động gắn với thực tiễn ngay khi sinh viên vào học. Thí dụ tại Trường đại học Hòa Bình đã gắn kết đào tạo với tiễn cho sinh viên thực hành từ rất sớm là giải pháp đào tạo hiệu quả, phù hợp nhu cầu nhân lực. Bởi học lý thuyết với số tín chỉ nhiều đến đâu thì cũng không thể tiếp cận công việc tốt nếu không thực tập thực tiễn. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Văn Thiệp, với khối ngành luật cần phải giúp để người học đam mê, yêu nghề mới học tập, làm việc hiệu quả được.
TS Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Hòa Bình cho rằng, lâu nay các trường chủ yếu chú trọng tập trung đào tạo và hướng đến đầu ra cho sinh viên là các cơ quan hành pháp, đơn vị pháp chế của các cơ quan quản lý Nhà nước mà chưa chú trọng nhiều đến nhân lực hành nghề trong các lĩnh vực luật, theo nhu cầu của thị trường. Trong khi kinh nghiệm quốc tế cho thấy đào tạo các ngành luật cần gắn với nhu cầu của từng cơ quan, đơn vị và từng cá nhân. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực cho khối ngành luật ở nước ta còn khá lớn. Tuy nhiên, quá trình đào tạo cần bảo đảm không chỉ cấp bằng cho sinh viên mà còn giúp các em năng lực hành nghề, sống được bằng ngành nghề mình đã chọn. Vì vậy, khi đào tạo cần xây dựng chương trình để sinh viên tiếp xúc ngay với các hoạt động thực tiễn, giải quyết những công việc thực tiễn.