Từ Trường Sa trở về, mang theo cả Tổ quốc trong tim

'Tổ quốc nhìn từ biển sẽ thấy vô cùng rộng lớn. Nhưng nhìn từ Trường Sa và Nhà giàn DK1, ta mới thấy hết chiều sâu của lòng yêu nước'.

Ước vọng Trường Sa

Những ngày tháng 4 lịch sử này, có lẽ trong tâm thức người Việt, suy nghĩ về Tổ quốc, về chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ, về những phần đất thiêng liêng, là “máu thịt’ của đất nước ngoài đảo xa luôn được nhắc nhớ.

Tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo luôn là một thứ tình yêu diệu kỳ, không khoa trương, không lấp lánh, cứ lặng lẽ như một dòng suối nhỏ róc rách không ngừng trong tâm khảm mỗi người. Và đến Trường Sa đã trở thành ước vọng của nhiều người.

200 đại biểu đến từ đến từ các Cục nghiệp vụ Bộ Công an; Công an các địa phương; các học viên, nghệ sĩ ưu tú xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân đến với đảo Trường Sa

200 đại biểu đến từ đến từ các Cục nghiệp vụ Bộ Công an; Công an các địa phương; các học viên, nghệ sĩ ưu tú xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân đến với đảo Trường Sa

Trung tuần tháng 4 vừa qua, 200 đại biểu đến từ đến từ các Cục nghiệp vụ Bộ Công an; Công an các địa phương; các học viên, nghệ sĩ ưu tú xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân cùng một số phóng viên, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh và cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã quy tụ tại Đoàn công tác số 7, trải qua hải trình 7 ngày, 6 đêm đến quân và dân trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông A, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/11 Tư Chính.

Đại tá Giáp Thành Trung, Đại tá Trần Anh Tuấn, Thượng tá Nguyễn Bình Ngọc, là 3 cán bộ chỉ huy các phòng chức năng CATP Hà Nội vinh dự được đại diện cho CATP Hà Nội tham gia đoàn công tác, “biên chế” tại tổ 3 Đoàn công tác số 7.

Trong hải trình đặc biệt ấy, Ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi viết cảm nghĩ về biển đảo Việt Nam, về chuyến đi thu hút đông đảo đại biểu và CBCS tham gia tích cực.

Tổ 3 đoàn công tác số 7 tại Đảo Trường Sa

Tổ 3 đoàn công tác số 7 tại Đảo Trường Sa

Các thành viên tổ 3 cùng nhau viết nên suy nghĩ của mình và Thiếu tướng Trần Văn Doanh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh Bộ Công an, Tổ trưởng tổ 3 đã tổng hợp, chắp bút bài viết đại diện cho tổ 3. Bài viết đã đạt giải Nhất cuộc thi. Xin giới thiệu bài viết mang tựa đề “Từ Trường Sa trở về, mang theo cả Tổ quốc trong tim”, như một lời tri ân gửi đến những người chiến sỹ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Dấu ấn những điểm đảo

Bài viết mở đầu bằng câu “Tổ quốc nhìn từ biển sẽ thấy vô cùng rộng lớn. Nhưng nhìn từ Trường Sa và Nhà giàn DK1, ta mới thấy hết chiều sâu của lòng yêu nước”.

Đoàn công tác số 7 nói chung và tổ 3 chúng tôi nói riêng hầu hết đều là những cán bộ chỉ huy đã có hàng chục năm cống hiến trong lực lượng Công an nhân dân. Lần đầu tiên được lên tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam, chúng tôi vượt trùng khơi ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/11 với tâm thế của một “sỹ quan trẻ”. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng đây không chỉ là một chuyến công tác thông thường mà là một hành trình thiêng liêng - hành trình đến với trái tim của Tổ quốc giữa đại dương mênh mông.

Màu sắc phục CAND lẫn trong màu áo lính đảo

Màu sắc phục CAND lẫn trong màu áo lính đảo

Chuyến đi 7 ngày ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng không phai mờ về vẻ đẹp của non sông gấm vóc, về tinh thần thép và trái tim nồng ấm của những người lính biển, về giá trị của độc lập – chủ quyền mà lớp lớp cha anh đã ngã xuống để bảo vệ. Tôi tự hào và biết ơn sâu sắc khi được là một công dân Viêt Nam, một sỹ quan CAND được tận mắt chứng kiến và cảm nhận sự thiêng liêng của từng tấc đất, từng cột mốc giữa đại dương bao la.

Ngay khi tàu nhổ neo từ quân cảng Cam Ranh - một trong những quân cảng chiến lược lớn nhất Đông Nam Á, tôi đã cảm nhận được khí thế hào hùng của Hải quân Việt Nam. Cảng Cam Ranh không chỉ là điểm khởi đầu của hành trình mà còn là biểu tượng của sức mạnh, của niềm tin và của lịch sử đấu tranh bảo vệ biển đảo.

Chặng dừng đầu tiên ở đảo Song Tử Tây khiến tôi xúc động mạnh. Nơi đây, giữa màu xanh thăm thẳm của biển trời, những lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh như một minh chứng hùng hồn về chủ quyền quốc gia. Những bóng áo hải quân, mái nhà, ngôi chùa, trường học - tất cả tạo nên một bức tranh hài hòa giữa quốc phòng và đời sống, giữa quân và dân trên đảo.

Đảo Sinh Tồn mang một vẻ trầm lặng, kiên cường. Dưới cái nắng chói chang, các chiến sĩ vẫn miệt mài huấn luyện, tuần tra. Mỗi bước chân của các anh là một lời thề giữ đất.

Xúc động trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Quần đảo Trường Sa

Xúc động trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Quần đảo Trường Sa

Đảo Cô Lin - nơi từng ghi dấu chiến công oanh liệt của tàu HQ- 505, 604 và 605 trong trận chiến Gạc Ma năm 1988, khiến tim tôi nhói lên khi tưởng nhớ đến những người anh hùng kiên trung bất khuất đã ngã xuống giữa lòng biển với lời thể giữ đảo trong tim.

Khi đến Đá Đông A, Đá Tây B - những đảo chìm giữa sóng dữ, tôi càng thêm khâm phục trước sự bền bỉ, gan dạ của những người lính đang ngày đêm canh giữ. Dù là đảo nổi hay đảo chìm, nơi nào cũng rực sáng tinh thần Việt Nam, ý chí không lùi bước trước bất kỳ thế lực nào.

Đảo Trường Sa lớn, trung tâm hành chính của huyện đảo là nơi tôi cảm nhận rõ nhất về một “Việt Nam thu nhỏ giữa đại dương”. Các cơ quan hành chính, bệnh xá, trường học, nhà dân, doanh trại… tất cả đều khẳng định một điều: Trường Sa không chỉ là một tiền đồn mà còn là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, khi tàu đến Nhà giàn DK1/11 trên bãi Tư Chính, tôi thực sự lặng người. Giữa biển khơi mênh mông, công trình thép ấy như một ngọn hải đăng giữa sóng gió - biểu tượng của ý chí Việt Nam trước mọi thách thức.

Dấu ấn người lính Hải quân kiên trung

Mỗi điểm đảo, mỗi nhà giàn mà chúng tôi đi qua đều ghi dấu hình ảnh những người lính Hải quân kiên trung. Điều khiến chúng tôi nể phục nhất là ánh mắt luôn sáng, nụ cười luôn ấm, và trái tim luôn hướng về Tổ quốc.

Thành viên đoàn công tác giao lưu gặp gỡ bộ đội trên các điểm đảo

Thành viên đoàn công tác giao lưu gặp gỡ bộ đội trên các điểm đảo

Ngày đêm sống và chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt, nắng cháy da, sóng vỗ dữ dội, nguồn nước ngọt, thực phẩm luôn phải tiết kiệm, nhưng những người lính, người dân nơi đây vẫn sống chan hòa, gắn bó và giàu niềm tin. Những bữa cơm tuy đạm bạc nhưng luôn ấm cúng tình đồng chí, tình quân dân.

Các chiến sỹ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là những người “đa nhiệm” họ có thể là một người làm báo, một bác nông dân trồng rau, nuôi gà, một người thợ cơ khí và thậm chí có thể là một nhân viên chăm sóc y tế…

Nhìn các em nhỏ trên đảo học bài trong ánh đèn năng lượng gió - mặt trời, tôi thấy được tương lai. Một tương lai vững vàng nếu hôm nay chúng ta không lùi bước. Sự sống trên những đảo xa ấy là minh chứng hùng hồn rằng Việt Nam không chỉ tuyên bố chủ quyền, mà đang sống, đang xây dựng và gìn giữ chủ quyền bằng xương máu và mồ hôi.

Trường Sa dấu ấn đặc biệt trong trái tim người dân Việt

Trường Sa dấu ấn đặc biệt trong trái tim người dân Việt

Đoàn chúng tôi có nhiều đồng chí đối diện với các loại tội phạm vô cùng nguy hiểm, từng trải qua những phút giây sinh tử trong nghề nghiệp. Tưởng chừng như trái tim mình đã được tôi luyện thành thép, nhưng trước câu chuyện về hy sinh của người lính Hải quân trong lúc làm nhiệm vụ, bị cuốn trôi bởi bão tố, hoặc nằm lại vĩnh viễn giữa lòng biển, vẫn khiến trái tim chúng tôi rung lên, giọt nước mắt trào ra, xúc động nghẹn ngào. Sự hy sinh thầm lặng ấy không chỉ là sự mất mát cá nhân mà là phần máu thịt của Tổ quốc gửi lại nơi đầu sóng. Xin được phép cúi đầu trước anh linh họ, những người đã hóa thân thành sóng gió để bảo vệ hồn thiêng sông núi.

Sau chuyến đi, tôi càng hiểu rằng bảo vệ chủ quyền không chỉ là cầm súng chiến đấu. Đó là một trận tuyến âm thầm nhưng khốc liệt, nơi cần kiến thức, lòng dũng cảm, kỷ luật và sự hy sinh. Trong bối cảnh biển Đông luôn tiềm ẩn những bất ổn, âm mưu thôn tính, xuyên tạc, thì từng người lính, từng công dân đều là một “cột mốc sống”.

Với tôi, một sỹ quan CAND, chuyến đi này là lời hiệu triệu mạnh mẽ về trách nhiệm. Trách nhiệm học tập, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào, kể cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Tôi nhận thức rằng lòng yêu nước không phải là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể: bám sát thực tiễn, nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu rõ tình hình biển đảo, đấu tranh bằng lý trí và tinh thần vững chắc.

Chuyến công tác đến Trường Sa và nhà giàn DK1/11 khép lại, nhưng hành trình trong trái tim tôi mới chỉ bắt đầu. Tôi đã thấy Tổ quốc từ một góc nhìn khác, nơi biển khơi không chỉ là tài nguyên mà là phần hồn thiêng liêng của dân tộc. Tôi trở về đất liền với niềm tin mãnh liệt, dù phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với tinh thần bất khuất của quân và dân Trường Sa, DK1, Việt Nam nhất định sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Và tôi, một sỹ quan CAND, xin nguyện góp phần nhỏ bé của mình trong nhiệm vụ thiêng liêng ấy.

(Thiếu tướng Trần Văn Doanh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh Bộ Công an)

PV

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-truong-sa-tro-ve-mang-theo-ca-to-quoc-trong-tim-post609925.antd