Tự truyện của nghệ sĩ, năng lượng tích cực

Gần đây, nhiều nghệ sĩ viết tự truyện, hồi ký. Bên cạnh những tự truyện có chi tiết gây tranh cãi hoặc mang màu sắc 'đánh bóng' tên tuổi, thì có nhiều tác phẩm đã tạo nên cảm xúc, truyền năng lượng tích cực với bạn đọc.

Từng có thời điểm, tự truyện, hồi ký của các nghệ sĩ nổi tiếng ở nước ta xuất bản ồ ạt. Một số tác phẩm làm nóng dư luận về chuyện đời tư như cuốn Lê Vân - Yêu và Sống (Mai Hạnh chấp bút), Hồi ký Thương Tín: Một đời giông bão, Lột xác của ca sĩ Lâm Khánh Chi, Lạc giữa tuổi thanh xuân của Huyền Anh (Bà Tưng)... Ca sĩ Long Nhật từng chịu nhiều chỉ trích vì tiết lộ rất nhiều chi tiết gây sốc về đời tư như: giới tính, bị bác sĩ nam sàm sỡ, về chuyện phòng the với người vợ trong khi mình mang nhiều nghi án “man cong” ở tự truyện. Tự truyện của ca sĩ Thanh Thảo lại “tô đậm” chuyện tình cảm với diễn viên Bình Minh trong khi anh này đã vợ con đề huề, yên ấm khiến gia đình Bình Minh xém “đôi ngả chia ly”.

Nhạc sĩ - ca sĩ khiếm thị Hà Chương vừa ra mắt tự truyện Nhắm mắt nhìn sao.

Nhạc sĩ - ca sĩ khiếm thị Hà Chương vừa ra mắt tự truyện Nhắm mắt nhìn sao.

Tuy nhiên, bên cạnh những tự truyện, hồi ký từng làm dư luận xôn xao kể trên, văn đàn Việt cũng đón nhận nhiều tác phẩm chứa đựng ý nghĩa nhân văn. Nhạc sĩ - ca sĩ khiếm thị Hà Chương vừa ra mắt tự truyện Nhắm mắt nhìn sao (Thanh Nhã chắp bút). Trên các diễn đàn, nhiều độc giả chia sẻ rất ấn tượng về cuốn sách này. Nhắm mắt nhìn sao cho nhiều người biết, từ năm 2 tuổi, Hà Chương mất hoàn toàn thị lực nhưng từ bé, anh đã nỗ lực tập chơi guitar, đàn bầu. Năm 2004, anh đỗ thủ khoa hệ trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, hai năm sau, anh thi vượt rào lên hệ đại học và tốt nghiệp năm 2010. Về sau, Hà Chương lập nghiệp ở TP.HCM.

Qua cuốn sách, Hà Chương đã giúp công chúng có dịp biết đến tường tận cuộc đời người nghệ sĩ khiếm thị, truyền cảm hứng và năng lượng tích cực tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Tỏa đi ý nghĩa nhân văn và đầy cảm hứng là tự truyện Tâm thành và lộc đời của NSƯT Thành Lộc. Lật từng trang sách, bạn đọc thấy những năm tháng lăn lộn với đời, sống cùng nghề của người nghệ sĩ. 600 vai diễn là chừng ấy lần Thành Lộc cống hiến hết mình, giày vò và trăn trở để hóa thân vào nhân vật, mang đến giây phút thăng hoa nhất trên sân khấu. Có những góc khuất, những chuyện mà nếu đứng ngoài thì không thể nào thấu hiểu được. Có những thăng trầm, qua nếm trải mới tôi luyện nên Thành Lộc ngày hôm nay. Người đọc tự truyện có thể trưởng thành cùng những trải nghiệm và cái nhìn cuộc đời của một nghệ sĩ đáng ngưỡng mộ về tài năng lẫn đức độ.

Tự truyện Những câu chuyện từ trái tim của GS.TS Trần Văn Khê cho thấy ông yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam, trân quý tà áo dài, cái khăn đóng, từng câu ca dao, từng lời thơ, ý nhạc. Cũng vì lẽ đó, GS.TS. Trần Văn Khê dành mọi tâm huyết nghiên cứu văn hóa, âm nhạc, truyền dạy lại và đến cuối đời vẫn không ngừng trăn trở về nó. Danh ca Khánh Ly lại gây ấn tượng với hồi ký Đằng sau những nụ cười, cho độc giả thấy được những vinh quang, cay đắng cũng như cái giá mà người nghệ sĩ thường phải trả khi trót dấn thân vào con đường nghệ thuật từ những câu chuyện thực mà bà đã trải qua...

Ngoài ra, những tự truyện, hồi ký của nghệ sĩ đã để lại ấn tượng tốt đẹp với độc giả có: Vang vọng một thời - Phạm Duy; Rong chơi - Trần Lập, rock, moto và những cung đường, Chuyện nhà Bông Bờm Bách của NSƯT Trần Lực, Ngẫu hứng - nhạc sĩ Trần Tiến, Chuyện tình không tên - nhạc sĩ Vũ Thành An,...

Có thể thấy tự truyện, hồi ký trong giới nghệ sĩ Việt rất đa sắc, không “đụng hàng” nhau. Ngoài những tác phẩm câu khách, trên kệ sách của nhiều người đã có tự truyện, hồi ký đậm chất văn học giúp công chúng hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp và trân trọng hơn tài năng, nhân cách của những nghệ sĩ chân chính, góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật và ý chí vươn lên của con người trước khó khăn.

Hoa Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tu-truyen-cua-nghe-si-nang-luong-tich-cuc-n177358.html