Từ tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đến nền ngoại giao mang đậm bản sắc 'cây tre Việt Nam'
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã soi sáng chính sách đối ngoại Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 94 năm qua. Tư tưởng này đã góp phần tích cực vào việc mở ra các mối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Kế thừa các giá trị tinh túy của ngoại giao truyền thống và từ thực tiễn đấu tranh ngoại giao phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, chúng ta đã và đang xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Nét độc đáo trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh
Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề của cách mạng Việt Nam thì ngoại giao chiếm một vai trò quan trọng. Từ quá trình đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành người đứng đầu Nhà nước lãnh đạo đất nước, vốn tri thức sâu rộng và sự tôi luyện trong thực tiễn hoạt động quốc tế đã tạo nên tầm vóc và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Sự kiện nhân danh những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Véc xây (Versaille) đòi quốc tế công nhận quyền tự do, dân chủ, bình quyền cho người Việt Nam vào tháng 6-1919 của Nguyễn Ái Quốc có thể xem như khởi đầu cho tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đến khi trở thành người đảng viên cộng sản (tháng 12-1920), với thế giới quan và phương pháp luận mác xít, Người đã đánh giá và phân tích đúng đắn các sự kiện quốc tế, nhận biết được chiều hướng phát triển của tình hình thế giới và hình thành hệ thống nguyên lý, quan điểm về các vấn đề thời đại, đường lối quốc tế, chiến lược, sách lược, chính sách ngoại giao Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện ở hai nội dung lớn: Một là, độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Từ những ngày đầu cách mạng, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới”. Trong nhiều phát biểu, trả lời phỏng vấn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người khẳng định: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ trên thế giới; hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam. Độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế, đồng thời kết hợp với đấu tranh kiên quyết và khôn khéo để thực hiện mục tiêu cách mạng và bảo vệ quyền lợi quốc gia. Đó là một nguyên lý cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động quốc tế và ngoại giao Việt Nam. Hai là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc Việt Nam là sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, chính nghĩa dân tộc. Yếu tố quyết định để phát huy sức mạnh dân tộc là giữ vững tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường. Với tư tưởng “đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”, Hồ Chí Minh luôn đề cao sự đoàn kết giữa các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Người nhấn mạnh các lực lượng ấy “đoàn kết chặt chẽ với nhau thành một mặt trận thống nhất mạnh mẽ” tạo thành sức mạnh để thực hiện các mục tiêu cách mạng của thời đại.
Bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”
Trong thời đại ngày nay, thời đại của toàn cầu hóa và liên kết, của chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Để thực hiện nhiệm vụ đó, ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nguyên lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Kế thừa các giá trị tinh túy của ngoại giao truyền thống và từ thực tiễn đấu tranh ngoại giao phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, chúng ta đã và đang xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” mềm mại mà cứng cỏi; nhân ái mà quật cường; biết nhu biết cương; biết thời, biết thế, biết mình, biết người... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là nền ngoại giao lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế để tạo thế, lập thời. Đó là sức mạnh đoàn kết với phương châm chủ đạo là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của tính chính danh, chính nghĩa, phương cách ứng xử nhân văn, có trước có sau, cách hành xử thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Đó là nền ngoại giao linh hoạt và mềm dẻo về sách lược nhưng kiên định nguyên tắc, vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động và khôn khéo trong tinh thần của “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và vận dụng “ngũ tri” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến) theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong gần 40 năm đổi mới, nền ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" đã “góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; góp phần làm cho đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong thời gian tới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam càng ra sức phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại để “xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2024) đã nêu ra.
Thạc sĩ VÕ THỊ KIM ThƠM
(Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa)