Tử tuất theo BHXH mới: Không còn được chuyển đổi giữa trợ cấp một lần và hằng tháng
Tử tuất là một trong những chế độ của chính sách BHXH, nhằm hỗ trợ tài chính cho gia đình người tham gia BHXH không may qua đời. Kể từ khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thi hành, cùng với hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 12/2025/TT-BNV, chế độ này được bổ sung một số quy định mới.
Theo quy định mới, chế độ tử tuất bao gồm hai khoản trợ cấp chính là trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất (hưởng hằng tháng hoặc một lần). Trong đó, trợ cấp mai táng được chi trả một lần cho cá nhân hoặc tổ chức đứng ra lo mai táng, với điều kiện người đã khuất thuộc một trong các diện sau: người tham gia BHXH bắt buộc đã đóng đủ từ 12 tháng trở lên; người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người đang hưởng hoặc tạm dừng hưởng lương hưu; người đang hưởng hoặc tạm dừng hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng (đã nghỉ việc); hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, điều kiện để thân nhân được nhận trợ cấp mai táng là phải đóng từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu, hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức tham chiếu tại thời điểm người tham gia BHXH qua đời. Mức tham chiếu hiện được hiểu là mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Ngoài trợ cấp mai táng, chế độ tử tuất còn bao gồm trợ cấp tuất hằng tháng, áp dụng cho các trường hợp có đủ điều kiện và có thân nhân thuộc diện được hỗ trợ lâu dài. Người tham gia BHXH bắt buộc nếu có thời gian đóng từ 15 năm trở lên, đang hưởng hoặc tạm dừng hưởng lương hưu, hoặc chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hoặc đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì thân nhân sẽ được xem xét hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Một điểm mới đáng chú ý được bổ sung tại Thông tư 12 là quy định cho phép thân nhân đóng bù một lần tối đa 6 tháng còn thiếu để đủ điều kiện 15 năm đóng BHXH bắt buộc. Mức đóng là 22% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động trước khi chết hoặc trước khi nghỉ việc, và số tiền này sẽ được nộp vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Nếu thân nhân không đóng bù, họ sẽ được giải quyết theo hình thức trợ cấp tuất một lần.
Đối tượng thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng khá đa dạng, bao gồm: con dưới 18 tuổi (kể cả con trong bụng mẹ nếu cha/mẹ nhờ mang thai hộ qua đời), con bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; vợ hoặc chồng đã đủ tuổi nghỉ hưu hoặc chưa đủ tuổi nhưng bị suy giảm khả năng lao động nặng; cha mẹ ruột hoặc cha mẹ bên vợ/chồng nếu đã đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị suy giảm khả năng lao động. Tuy nhiên, thân nhân đang nhận lương, lương hưu, trợ cấp BHXH bắt buộc, trợ cấp mất sức lao động hoặc các khoản trợ cấp hằng tháng khác có mức hưởng bằng hoặc cao hơn mức tham chiếu sẽ không được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Chế độ tử tuất được bổ sung một số quy định mới trong Luật BHXH 2024
Về mức hưởng, mỗi thân nhân đủ điều kiện được nhận 50% mức tham chiếu mỗi tháng. Trường hợp không có người trực tiếp nuôi dưỡng, mức trợ cấp sẽ tăng lên 70% mức tham chiếu. Quy định này đặc biệt áp dụng khi trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc người phối ngẫu còn lại đã mất và con không đủ khả năng tự nuôi sống.
Số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tối đa là 4 người. Trong trường hợp có từ hai người chết cùng đáp ứng điều kiện, thân nhân sẽ được nhận trợ cấp gấp đôi. Thời điểm bắt đầu tính trợ cấp là từ tháng liền kề sau tháng người lao động qua đời, riêng trường hợp con sinh sau khi cha/mẹ chết thì được tính từ tháng con được sinh ra. Thân nhân cần hoàn tất giám định suy giảm khả năng lao động trong vòng 6 tháng kể từ ngày người lao động chết để được hưởng chế độ.
Bên cạnh đó, chế độ tử tuất một lần tiếp tục được duy trì và áp dụng cho các trường hợp người đã chết không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, không có thân nhân đủ điều kiện hưởng hằng tháng, hoặc thân nhân có nguyện vọng nhận một lần. Những người đủ điều kiện bao gồm người đang tham gia BHXH, người đang bảo lưu thời gian đóng, người đang hưởng hoặc tạm dừng hưởng lương hưu hay trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Mức hưởng trợ cấp một lần được tính dựa trên tổng thời gian đóng BHXH. Cụ thể, mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 được tính bằng 1,5 lần mức bình quân tiền lương/thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, từ năm 2014 trở đi tính bằng 2 lần. Mức tối thiểu không thấp hơn 3 tháng bình quân tiền lương/thu nhập. Đối với BHXH tự nguyện, nếu thời gian đóng chưa đủ 60 tháng thì thân nhân được nhận lại toàn bộ số tiền đã đóng. Nếu người tham gia có thời gian đóng cả BHXH bắt buộc và tự nguyện, mức tối thiểu vẫn được đảm bảo bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương/thu nhập.
Trường hợp người đã chết đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, mức hưởng được tính tùy theo thời gian đã nhận chế độ. Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng, thân nhân sẽ được nhận bằng 48 tháng lương hưu/trợ cấp. Nếu qua đời từ tháng thứ 3 trở đi, cứ mỗi tháng đã hưởng sẽ trừ 0,5 tháng trợ cấp, nhưng tổng mức hưởng không thấp hơn 3 tháng.
Một lưu ý quan trọng là khi thân nhân đã được giải quyết hưởng trợ cấp theo hình thức tuất một lần hoặc tuất hằng tháng, sẽ không thể hoàn trả lại để thay đổi sang hình thức khác. Đây là điểm mới nhằm hạn chế việc thay đổi yêu cầu sau khi đã nhận tiền.
Về hồ sơ và quy trình giải quyết, thân nhân cần nộp hồ sơ trong vòng 90 ngày kể từ ngày người lao động chết. Với người đang tham gia BHXH bắt buộc, hồ sơ sẽ được nộp cho người sử dụng lao động, sau đó đơn vị có trách nhiệm chuyển đến cơ quan BHXH trong vòng 30 ngày. Cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không đủ điều kiện, cơ quan phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.