Tư tưởng chính trị - 'mặt trận' luôn nóng bỏng
TS. Bùi Ngọc Thanh -Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ảnh: Trí Dũng
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động ngăn ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...”(1).
Phát biểu của Tổng Bí thư và Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này cùng với thực tiễn kiểm tra, xử lý rất nghiêm minh những vụ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật nhà nước, một lần nữa đã đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của toàn dân, toàn quân và toàn thể cán bộ, đảng viên; tạo niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nhân lên sức mạnh củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng gắn kết, vững chắc.
Từ bài học lịch sử vô cùng đắt giá...
Dù đã vượt qua chặng đường ba thập niên vắt qua hai thế kỷ với bao nhiêu bão táp tấn công từ bên ngoài, phá hoại từ bên trong, nhưng đất nước ta vẫn phát triển ngày càng bền vững, Đảng ta ngày càng vững mạnh, kiên cường, sáng suốt. Người dân vẫn một lòng tin theo Đảng, ủng hộ, nhiệt thành góp ý kiến xây dựng Đảng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không được quên bài học về sự sụp đổ chế độ XHCN ở một số nước bạn truyền thống. Sau sự kiện này, chuyên mục “Thế giới: Vấn đề, sự kiện” của Tạp chí Cộng sản số tháng 3.1995 đã viết, “Mùa thu năm 1991 được coi là thời điểm đổ vỡ của Liên bang Xô Viết - một quốc gia thống nhất đã từng tồn tại, phát triển hùng mạnh trong suốt ba phần tư thế kỷ. Nguyên nhân của sự kiện đó là gì? Tại sao một cường quốc hùng mạnh như thế lại sụp đổ trong chốc lát? Tại sao một chế độ xã hội từng được cả loài người tiến bộ hướng tới, tin tưởng và ngưỡng mộ lại có thể tan rã không phương cứu chữa? Tất cả những câu hỏi đó đã được đề cập và chắc sẽ còn được nghiên cứu, xem xét dưới nhiều bình diện khác nhau. Câu trả lời khách quan, hợp lý cho các câu hỏi ấy cũng chính là bài học lịch sử đối với các thể chế chính trị - xã hội hiện tại và tương lai”(2).
Sự kiện chấn động đó có rất nhiều lý giải về các nguyên nhân, nhưng tựu trung lại vẫn là sự tấn công cấp tập, không khoan nhượng từ bên ngoài và sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, thẩm thấu từ bên trong.
Về sự tấn công từ bên ngoài, chính nhà khoa học Mỹ Maik Davidoy đã viết trên báo Sự thật (Nga) ngày 12.5.1994 rằng, “Tư bản độc quyền Mỹ và giới lãnh đạo của các nước tư bản khác thừa nhận đã chi tới 5 nghìn tỷ USD, mọi sách lược của Hoa Kỳ và các cường quốc khác trên thế giới, CIA và các cơ quan tình báo của thế giới tư bản ráo riết đẩy mạnh những hoạt động của mình cũng không có gì khác ngoài mục đích gạt bỏ, chế ngự, lật đổ và tiêu diệt cái “huyền thoại” ấy”(3). Rõ ràng việc “đầu tư” tiền của và hành động ráo riết của cả thế giới tư bản, họ đã đạt tới mong muốn bước đầu. Maik Davidoy viết tiếp, “Chỉ cần thêm bớt vào điều đó một chút sự xuyên tạc thô bạo lịch sử đất nước với sự phản bội theo quy mô to lớn ít thấy trong lịch sử thì rõ ràng tất cả những điều đó mang lại sự xáo trộn khủng khiếp về tư tưởng. Trong nhiều trường hợp nó còn là sự xuyên tạc lịch sử của đất nước và Đảng”.
Còn nguyên nhân từ bên trong thì sau khi đất nước bị sụp đổ, O.Senhin - cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô (đã bị giải tán) mới nhận ra rằng, “Kẻ thù đã biết lợi dụng nhiều sơ hở trong Đảng Cộng sản và đã cắm vào xã hội một hệ thống tuyên truyền hoàn chỉnh cho các giá trị chủ nghĩa tự do, đẩy xã hội phát triển theo một vec - tơ khác chống lại chủ nghĩa xã hội”(4) và “Đặc biệt rõ trong giới trí thức khoa học xã hội, các đại diện của bộ phận này đã công khai vứt bỏ, đốt thẻ đảng, mà trước đây từng là ước mơ của họ, tuyên bố chủ nghĩa tư bản là “đỉnh cao của nền văn minh thế giới”, “thành trì của dân chủ, là miền đất hứa”... Điều đáng chú ý là chính những người đã từng tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản nay lại trở thành những người đả kích mạnh nhất chủ nghĩa đó”(5)...
Đất nước Xô Viết sụp đổ để lại muôn vàn hậu quả cho chính đất nước họ và cho các nước anh em. Đối với đất nước họ, trong nhiều hậu quả có 2 hậu quả cực kỳ nghiêm trọng và hết sức nặng nề. Hậu quả thứ nhất (vẫn là nhìn nhận, đánh giá của O.Senhin), “Điều kỳ lạ nhất là lần đầu tiên trong lịch sử lâu đời của quân đội, những người mặc quân phục không biết họ chiến đấu vì cái gì và bảo vệ ai?”(6). Hậu quả thứ hai:Thanh niên - lớp người kế nhiệm thế hệ cha anh xây dựng đất nước trong tương lai thì rơi vào tình trạng mất phương hướng. Ivan Vaxiliep phải kêu lên trên báo Pravda với bài viết Những ngày đại thảm họa rằng, “Một bộ phận không nhỏ thanh niên, sinh viên chỉ còn vỏ ngoài là hình dáng con người, còn bên trong là một sinh vật, chỉ biết ăn và thỏa mãn những nhu cầu thô thiển của thể xác, không hiểu biết, không ước vọng, không tâm hồn, không biết phân biệt nếp tẻ... Và những con người nông nổi, vô tư đó rất dễ bị kích động; cho chúng rượu, tiền và ma túy, rồi đưa chúng ra gào thét: “đả đảo...” đập phá tùy thích, như đám người hoang dã, tham lam, tàn bạo”(7). Sự tấn công của các thế lực thù địch luôn có tác động công phá làm chuyển hóa tư tưởng từ bên trong khi mà bên trong lơ là, mất cảnh giác.
Đó là bài học lịch sử vô cùng đắt giá.
... đến làm rõ hệ thống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị
Ở nước ta, từ khi Đảng Cộng sản ra đời cho tới nay, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác chính trị tư tưởng luôn được đặt ra là một nhiệm vụ cấp bách, khẩn thiết và nóng bỏng. Hai năm trước khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tại Nghị quyết Trung ương 7 Khóa VI ngày 24.8.1989, Đảng ta đã nhìn nhận thấu đáo và cảnh báo 6 nguy cơ của các đảng ở những nước này gồm: một là, thực hiện đa nguyên chính trị; hai là, dân chủ quá trớn không giới hạn; ba là, vừa không coi trọng củng cố, nâng cao chất lượng lãnh đạo, vừa hạ thấp vai trò lãnh đạo của đảng; bốn là, để tuột khỏi tay sự lãnh đạo đối với các phương tiện thông tin đại chúng; năm là, có khuynh hướng phủ nhận những thành tựu vĩ đại của chủ nghĩa xã hội; sáu là, đặt quá nhiều hy vọng vào việc mở cửa với phương Tây. Nắm chắc tình hình trong nước và thế giới, tại Nghị quyết này, Đảng ta đã đề ra 5 nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, trong đó có nhiệm vụ thứ 4 là: “Giáo dục trong Đảng và trong nhân dân kiên trì mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở các nguyên tắc và những chính sách đổi mới của Đảng”.
Khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch và phản động đã chờ đợi một sự đổ vỡ dây chuyền trong những ngày sau đó, nhưng hơn 30 năm qua đã không có ván bài “domino” nào. Tuy thế, chúng ta vẫn phải luôn đề cao cảnh giác với những tác động xấu từ bên ngoài và kịp thời ngăn chặn những chuyển hóa từ bên trong. Mới đây, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời... Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu... Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”(8). Thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại, Đại hội đã khẳng định, “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch” và “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(9).
Chính vì vậy, sự lưu ý và chỉ đạo của Tổng Bí thư lúc này là vô cùng chuẩn xác, thiết thực. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...;đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc...”(10).
Nghị quyết Trung ương 4 các Khóa XI, XII và XIII là những cẩm nang quý báu của mỗi đảng viên và mọi người dân quan tâm tới Đảng; học tập, thấm nhuần và hành động theo đúng tinh thần Nghị quyết chính là một giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng tốt nhất, hữu hiệu nhất.
____________
(1) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 4 BCHTƯ Đảng khóa XIII ngày 7.10.2021.
(2) Tạ Ngọc Tấn: Báo chí Liên xô và những đảo lộn chính trị năm 1991, Tạp chí Cộng sản số tháng 3.1995.
(3) Thông tin những vấn đề lý luận (phục vụ cán bộ lãnh đạo) Viện Thông tin khoa học Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Viện này chuyên dịch thuật các bài trên báo chí Nga và một số nước khác. Bài đăng trên số 14/1994.
(4) Như (3), số 19/1995, bài “Đoàn kết, thống nhất hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình”.
(5) Như (3), bài Sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay dịch từ bài Chủ nghĩa xã hội quá khứ và tương lai của Maicơn Kharintơn, đăng trên báo Thời mới, số 34/1991.
(6) Như (4).
(7) Như (3), số Xuân Canh Tý 1996.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, trang 91-92. Nxb CTQG, HN. 2021.
(9) Như (8), trang 56; 95, 96.
(10) Như (1).