Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng phụ nữ Việt Nam. Ảnh: TƯ LIỆU

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì quần chúng, trong đó phụ nữ là một lực lượng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(1).

Đề cao vai trò của phụ nữ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp giải phóng phụ nữ trước hết phải gắn liền với giải phóng dân tộc. Trên con đường đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc bị áp bức là nỗi đau trăn trở đối với Bác Hồ. Trong hàng loạt bài viết của mình, Người tố cáo tội ác man rợ của chế độ thực dân đối với người phụ nữ. Trong bài: “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ Pháp” đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) ngày 1/8/1922, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa”.(2). Người gọi chế độ thực dân là chế độ “ăn cướp và hiếp dâm”. Vì vậy, chỉ khi nào đánh đuổi được thực dân cướp nước, giành độc lập dân tộc thì người phụ nữ mới được giải phóng.

Đặc biệt, trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng Bác căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ “.

Cũng như C. Mác, Ph. Ăng ghen và V.I. Lênin, Hồ Chí Minh cũng không chỉ dừng lại ở sự tố cáo tội ác của chế độ thực dân, phong kiến đối với người phụ nữ mà còn động viên, tổ chức cho phụ nữ tham gia công cuộc giải phóng dân tộc, cứu nước. Trong tác phẩm: “Đường Kách mệnh” được tập hợp từ các bài giảng tại các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Người viết: “Ông C. Mác nói rằng: “Ai biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà, con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào?”. Ông Lê nin nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công” (3).

Phụ nữ là lực lượng quan trọng trong xã hội. Chính coi trọng vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội, nên ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), trong Chính cương vắn tắt, Bác đã chỉ rõ: Về phương diện xã hội thì phải thực hiện “Nam nữ bình quyền”. Người nhắc chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc thì phải giải phóng phụ nữ, nếu không giải phóng được phụ nữ thì cách mạng chỉ thành công một nửa.

Phê phán định kiến hẹp hòi

Bác cực lực lên án những quan niệm phong kiến ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Trong dịp gặp gỡ với cán bộ tỉnh Hà Tây (10/2/1967), Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật, Bác nói: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”. Tại buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện (18/1/1967), Bác nghiêm khắc phê phán những thành kiến hẹp hòi ở một số cán bộ: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ...”. Bác đã chỉ ra cho chúng ta thấy, phụ nữ không thua kém nam giới khi được tạo mọi điều kiện thuận lợi: Tại buổi lễ kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (1966), Bác nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Bác còn chỉ ra trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và đắc lực trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, các tầng lớp phụ nữ nước ta đã góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hăng hái và dũng cảm cùng cả nước chiến đấu đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thế kỷ XX giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam gánh nặng trên đôi vai mình hầu như toàn bộ công việc ở hậu phương để động viên chồng, con ra tiền tuyến; hình ảnh người phụ nữ miền Nam đi đầu trong các cuộc đấu tranh chính trị của “Đội quân tóc dài” khiến kẻ thù khiếp sợ… vẫn còn khắc sâu trong tâm thức người Việt Nam, để lại ấn tượng đẹp đẽ về lòng yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc và tính nhân văn cao cả đối với con người. Phụ nữ Việt Nam xứng đáng với 8 chữ vàng mà Đảng và Bác Hồ phong tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

-------------------

(1) Thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/1952. HCM TT. T6, tr432. NXB Chính trị quốc gia HN - 1995.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 - NXBCTQG - H1995 - Tr. 96, 504.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1 - NXBCTQG - H1995 - Tr.228.

HỒNG THÁI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/230341/tu-tuong-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-giai-phong-phu-nu.html